Nghịch lý thi cử và câu chuyện “ba khối u”

GS. Hoàng Tụy cho rằng, cần cắt bỏ “ba khối u” là: thi cử nặng nề, cả nước lao vào học thêm, dạy thêm với cường độ và quy mô hiếm thấy; sách giáo khoa thường xuyên bị chỉnh lý. Việc cắt bỏ “ba khối u” dị dạng là giải pháp để hiện đại hóa giáo dục - cửa thoát duy nhất để gỡ những khó khăn của giáo dục hiện nay.

Hàng năm, các sỹ tử đỗ tốt nghiệp là ào ào thi ĐH nhưng thi ngành gì, ra trường sẽ làm gì đều hết sức mông lung. Và việc phân luồng, đào tạo ra rồi để đó vẫn là câu chuyện dài dài…
Hình minh họa
Hình minh họa
Đổ xô thi đại học
Thực tế kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ trong nước hiện nay như một “nút thắt cổ chai” đối với nhu cầu học tập của học sinh đang ngày càng tăng cao đến chóng mặt. Trong điều kiện đó, Bộ GD&ĐT dù có đưa ra nhiều biện pháp nhằm cải tiến kỳ thi tuyển sinh nhưng bản chất cung- cầu vẫn không thể thay đổi. Thậm chí càng tạo thêm áp lực tâm lý quá lớn đối với TS, đồng thời công tác tổ chức tuyển sinh càng thêm khó khăn, nặng nề. 
Để giải quyết cho một kỳ thi tuyển sinh ĐH bớt tốn kém, chúng ta nên tìm hướng giải quyết phân luồng cho TS vào hệ trung cấp ngay từ khi học sinh tốt nghiệp THCS. Chúng ta phải làm quen với hướng phân luồng học sinh vào học trung cấp, tìm kiếm nghề nghiệp. VN đang trong xu hướng phát triển sản xuất thì phải đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề. 
Thế nhưng, công tác tư vấn hướng nghiệp của chúng ta hiện nay vẫn mông lung và mù mờ, khi mà tất cả học sinh tốt nghiệp đều thi ĐH mà không cần biết sức học của mình tới đâu. Thậm chí thi vào ngành đó sau ra trường làm gì cũng không tường tận, cứ theo cảm tính hoặc theo đầu ra xin việc của gia đình.
Thẳng thắn nhìn vào công tác tư vấn tuyển sinh thì hầu như sinh viên chỉ được tiếp nhận kỹ thuật làm hồ sơ, kỹ năng làm bài, thông tin ngành nghề nào ra trường lương cao, dễ xin việc… Nhưng hầu hết những thông tin này không có tính dự báo lâu dài, chỉ đơn thuần phản ánh thực trạng các trường, các địa phương.
Còn nếu, sau 4-5 năm học, xã hội đã quá nhiều thay đổi, liệu người học cứ đổ xô vào các ngành nghề “hot” như kinh tế, ngân hàng, tài chính, kế toán và tạo nên sự bão hoà, dư thừa thì có còn dễ xin việc? Chừng 15 năm trước, những ngành trọng điểm như “Nhất y, nhì dược...” luôn thu hút thí sinh, thì hiện đã trở nên khó xin việc, nhiều bác sĩ được đào tạo nhiều năm vẫn phải chấp nhận là bác sĩ thôn bản tại vùng sâu, vùng xa.
Hơn mười năm trước, ngành sư phạm thu hút đông đảo thí sinh bởi được miễn học phí, được bố trí công việc khi tốt nghiệp, thì nay đã tụt dốc thảm hại với đồng lương còm cõi và khó xin việc.
Đào tạo rồi… để đó
Thông tin từ Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho thấy, năm học này cả nước có 248/416 trường, đạt tỉ lệ 59,62% các trường tuyển sinh một trong bốn ngành gồm kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính-ngân hàng, kế toán. Trong 3 năm qua, tỉ lệ thí sinh đăng ký các ngành trên chiếm 41%.
Nếu con số này (hiện đang tăng) vượt quá 50%, thì chắc chắn sau 4 năm nữa, cử nhân ra trường sẽ rất khó xin việc. Điều này buộc Bộ GD&ĐT đưa biện pháp khống chế chỉ tiêu đầu vào ngành kinh tế-tài chính-ngân hàng của các trường ĐH năm 2012 xuống 184.300 chỉ tiêu (trong tổng số 576.000 chỉ tiêu ĐH, CĐ). Mục đích hạ sự quá tải ngành học này xuống 32%. 
Không chỉ giảm dần chỉ tiêu như giáo dục ĐH, CĐ áp dụng với khối ngành kinh tế, giáo dục trung cấp thậm chí đã không cho các trường mở thêm những ngành tưởng “hot” nhưng lại đang rất thiếu việc làm.Theo ông Hoàng Ngọc Vinh- Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, trong hệ thống đào tạo trung cấp chuyên nghiệp hiện đang xảy ra tình trạng thừa nguồn nhân lực thuộc các ngành kế toán, dược, điều dưỡng. Đặc biệt, đối với ngành đào tạo dược, điều dưỡng trình độ trung cấp, tình trạng thừa nhân lực đang có xu hướng rất trầm trọng.
Đặc biệt, ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, bản thân các cơ sở đào tạo cũng không đáp ứng, không bảo đảm được điều kiện học tập cho học sinh. Đến kỳ thực tập, số học viên này được gửi đến các bệnh viện học việc thậm chí bị từ chối vì bệnh viện quá tải... người thực tập. Trong hai năm trở lại đây, công việc của các ngành này cũng không còn dồi dào như trước. Rất nhiều học viên tốt nghiệp trung cấp điều dưỡng, dược ra trường không có việc làm, đành ngậm ngùi xin về làm... công nhân những nhà máy gần nhà
Đó là sự cảnh báo đầu tiên của xu hướng thoái trào các ngành học mũi nhọn có nguy cơ dư thừa gây lệch lạc nguồn nhân lực. Một trong những nguyên nhân khiến người học đi trái ngành nghề cũng do hình thức xét tuyển các nguyện vọng (NV). Không ít thí sinh trượt NV1, đã chấp nhận “canh bạc” may rủi lao đơn NV2, NV3 vào các ngành, các trường khác nhau mà không hiểu rõ khi học ra sẽ làm gì! Hệ lụy của cách làm trên sẽ là gánh nặng xã hội rất lớn bởi hàng loạt sinh viên, cử nhân làm trái ngành nghề, thất nghiệp, khó xin việc cũng chỉ vì quy trình đào tạo ra rồi để đấy!
Còn tại Hội nghị tuyển sinh ĐH, CĐ được tổ chức năm 2011, Bộ GD&ĐT thống kê: Có tới 57% sinh viên sau khi tốt nghiệp ĐH, CĐ phải học thêm nghề khác, vì đến lúc đó họ mới phát hiện mình không phù hợp với chuyên môn đã học; 50% sinh viên đang học ĐH, CĐ không hứng thú với ngành nghề mình đã chọn; 37% sinh viên sau khi tốt nghiệp ĐH, CĐ không tìm được việc làm, vì ngành nghề mà các sinh viên được đào tạo ở thị trường lao động đã bão hòa.
Những khảo sát về chuẩn đầu ra cũng như thực tế đào tạo theo nhu cầu xã hội cũng không được Bộ GD&ĐT công bố. Nhiều trường vẫn đang loay hoay với việc công bố chuẩn đầu ra, bởi các điều kiện để công bố còn quá thấp so với chất lượng đào tạo cần hướng tới. 
Cần cắt bỏ “ba khối u”
Chính vì vậy, GS. Văn Như Cương cho rằng: “Người học đáng ra phải thấm nhuần mục tiêu: học để biết, học để làm, học để hòa nhập cộng đồng và tự khẳng định mình, còn thi cử chỉ là một khâu nhỏ trong học tập để có thể đánh giá sự thu hoạch của người học chứ không phải mục đích cuối cùng. Thế nhưng nhìn vào không khí học tập của ta hiện nay, hầu như toàn bộ nỗ lực của thầy và trò đều tập trung vào thi cử”.
Theo GS. Văn Như Cương, con đường học tập tuy khá rộng rãi ở bậc phổ thông thì lại bị “thắt cổ chai” ở quãng đường lên ĐH và CĐ. Cũng chính vì nền giáo dục ứng thí mà “không đâu trên thế giới có hệ thống thi cử nặng nề, tốn kém mà ít hiệu quả, lại gây lắm chuyện tiêu cực như ở nước ta”- là nhận xét của GS. Hoàng Tụy.
GS. Hoàng Tụy cho rằng, cần cắt bỏ “ba khối u” là: thi cử nặng nề, cả nước lao vào học thêm, dạy thêm với cường độ và quy mô hiếm thấy; sách giáo khoa thường xuyên bị chỉnh lý. Việc cắt bỏ “ba khối u” dị dạng là giải pháp để hiện đại hóa giáo dục - cửa thoát duy nhất để gỡ những khó khăn của giáo dục hiện nay.
Và lâu nay, có một vấn đề luôn là câu hỏi làm nhiều người băn khoăn là làm thế nào để tăng quy mô mà vẫn giữ được chất lượng giáo dục. GS. Văn Như Cương gọi việc mở rộng hệ thống các trường ĐH và CĐ là một đột phá xoay chuyển giáo dục ứng thí. Do đó, cần phải có kế hoạch khả thi để mở rộng thêm nhiều trường ĐH, công lập cũng như dân lập với: ĐH tinh hoa, ĐH cộng đồng, ĐH địa phương, ĐH vùng và ĐH cho người cao tuổi. 
Uyên Na

Đọc thêm