[links()]Trước sự việc cô bé 11 tuổi ở TP. HCM đi đến đâu thì ở đó cháy, không ít người đã cho rằng: Em bé chủ động tạo ra các vụ cháy để trở thành nổi tiếng. Rồi, một số vụ tìm mộ không chính xác thời gian gần đây càng khiến dư luận nghi ngờ về những “khả năng kỳ bí” của các nhà ngoại cảm (NC).
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, Chủ nhiệm Bộ môn Thông tin – Dự báo, Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người – người thường xuyên gần gũi và tiếp xúc với rất nhiều nhà ngoại cảm phân tích những vấn đề liên quan đến các hiện tượng trên…
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải |
Trước nghi vấn cô bé tự đốt cháy các vật dụng để nổi tiếng, Nhà Nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải cho rằng: Thứ nhất, bằng giác quan và cảm nhận của một nhà nghiên cứu, ông tin rằng những lời người cha cô bé trần tình là sự thật. Hiện tượng trên đã xuất hiện rất nhiều trên thế giới và cả ở Việt Nam nên trường hợp trên chỉ cung cấp thêm chứng cớ cho một vấn đề đã được giải thích và chứng minh mà thôi.
Có ý kiến cho rằng cô bé đốt để mong nổi tiếng nhưng thực ra không có ai nhìn thấy cô bé đốt những thứ đó, mà đó chỉ là giả thuyết của cơ quan chức năng. Trong khi đó, muốn kết luận một điều gì đó thì phải có bằng chứng, nhân chứng, vật chứng rõ ràng. Thêm vào đó, “chả ai muốn nhà mình bị thiệt hại nhiều thứ đến thế cả, mà lại để nổi tiếng vì điều đó thì chỉ có điên mới làm thế” – ông Hải khẳng định.
- Hiện, xuất hiện rất nhiều nhà NC có khả năng đặc biệt, trong đó có cả những trường hợp tự xưng, tự nhận mình là nhà NC để “lừa phỉnh” thiên hạ kiếm tiền, ông nhìn nhận về thực trạng này như thế nào? Với chức năng của mình, Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người đã xem xét, đánh giá ra sao để giúp kiểm chứng “thật”, “giả” về những khả năng này?.
Trong khoảng 30 nhà NC, chúng tôi chỉ lọc ra được một vài người có khả năng đặc biệt. Điều này chứng tỏ Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người rất cẩn trọng trong việc nghiên cứu, đánh giá và công nhận những người có tài năng thực sự để nghiên cứu, phục vụ xã hội và đất nước. Tuy nhiên, cũng có những người thực sự có khả năng nhưng không muốn bộc lộ danh tính.
Nhưng cũng có người lợi dụng các nguồn thông tin để làm “tấm bùa” cho các hoạt động sai trái; có trường hợp cũng có khả năng, nhưng khả năng thật thì ít mà bịa đặt thì nhiều. Thậm chí, có trường hợp chưa hề được thử nghiệm, xác minh đã tự in danh thiếp của Trung tâm và Bộ môn Thông tin – Dự báo để trục lợi. Rồi có trường hợp lợi dụng danh nghĩa của Trung tâm để in danh thiếp, mở Câu lạc bộ “Tiềm năng con người” để hoạt động phi pháp…
Để kiểm chứng NC “thật” hay “giả”, Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người có các đề tài nghiên cứu, được nhà nước cấp giấy phép và thẩm định, nghiệm thu kết quả. Vì thế, rất đông nhà NC đã tìm đến đây để được nghiên cứu, đánh giá về khả năng đặc biệt của mình. Với những người có khả năng thực sự, chúng tôi sẽ nghiên cứu, đánh giá và định hướng cho họ làm những công việc có ý nghĩa cho xã hội, cộng đồng và đất nước.
Có thời gian, họ cũng được cấp giấy chứng nhận có khả năng này, kia… Nhưng, giấy chứng nhận này không có giá trị hành nghề. Có nơi làm tốt cho người dân, không quấy nhiễu, ảnh hưởng đến ai thì cơ quan chức năng địa phương không ý kiến gì. Còn với những hành vi bày vẽ, “làm tiền” người dân, đặc biệt là người nghèo thì không thể chấp nhận được.
Hiện, chúng ta vẫn chưa có một cơ chế nào để quản lý và xử phạt những vi phạm trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, trước thực tế hoạt động của các nhà NC ngày càng phức tạp như hiện nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đang bàn bạc, thảo luận để xây dựng Dự thảo Quy chế quản lý những người có khả năng đặc biệt.
- Thực tế, còn có cả những nhà NC thật (có khả năng đặc biệt) từng cứu giúp người, làm những điều có ích cho xã hội. Tuy nhiên, vì “mờ mắt vì đồng tiền” đã “làm tiền” trắng trợn người dân. Ông nghĩ gì về thực trạng này?. Có thông tin cho rằng, nếu họ tham lam, làm việc xấu, những khả năng đặc biệt sẽ tự mất đi, quan điểm này có đúng không, thưa ông?. Theo ông, để bảo vệ, phát huy những điểm tốt, bài trừ những cái xấu trong lĩnh vực này, chúng ta cần phải làm gì?.
Khả năng đặc biệt của con người là rất hiếm. Vì thế, chúng ta phải coi đó là tài sản quý giá của dân tộc, đất nước và cần phải được khai thác, bảo vệ. Bên cạnh đó, phải loại bỏ, lên án, thậm chí xử lý những hành vi vi phạm, những người lợi dụng danh nghĩa NC để làm bậy.
Thực tế, có không ít người lạm dụng các đặc ân để làm việc xấu dần sẽ mất đi sự tín nhiệm. Những khả năng đặc biệt cũng dần mất đi (VD: Xem tử vi thì nói sai rất nhiều, tìm mộ thì không chính xác…). Nhưng lại có những trường hợp, cụ thể như anh Trần Văn Lưu ở Thanh Hóa đã tự lập đài báo bão cho vùng Hậu Lộc, Thanh Hóa giúp ích cho người dân trong khu vực thì vốn đã có khả năng đặc biệt lại ngày càng đặc biệt hơn (dự báo được tương lai, chữa được bệnh…).
Tóm lại, thiên nhiên rất công bằng. Ngay cả những nhà khoa học, trí thức được đào tạo bài bản cũng có những việc làm, hành động không đúng (nhà khoa học thì cố tình làm sai phương pháp, con số; bác sỹ thì quên gạc trong bụng bệnh nhân, vòi vĩnh phong bì từ người bệnh…). Nếu xác định được vi phạm, họ sẽ bị kỷ luật, phải rút bằng… Đối với những nhà NC cũng vậy, nếu anh làm không đúng, thế giới tâm linh sẽ thu hồi khả năng của anh.
- Xin cám ơn ông!
Hải Long (thực hiện)