Hy vọng tới đây, những quy định cụ thể hơn của Bộ luật Hình sự mới – có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2016 – các điều luật trên sẽ dễ được áp dụng hơn.
Hầu như không bị xử lý hình sự
Chị T.T.A (La Thành, Đống Đa, Hà Nội) tâm sự, hai vợ chồng chị ly hôn đã nhiều năm. Tòa phân cho chị A được nuôi con và chồng cũ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con mỗi tháng một lần. Năm nay, con chị đã thành niên nhưng nhiều năm trước đây chồng cũ của chị A không chịu trả tiền cấp dưỡng để chị nuôi con.
Chị thường xuyên giục, gọi điện, tìm gặp để nhận tiền cấp dưỡng nuôi con nhưng người chồng trốn tránh không chịu cho chị gặp. Chị không biết có cách nào để bảo vệ quyền và lợi ích của các con và pháp luật có hình thức xử lý nào với chồng cũ của chị không?.
Băn khoăn của chị A cũng là băn khoăn của rất rất nhiều chị em phụ nữ gánh trách nhiệm nuôi con sau mỗi cuộc hôn nhân lỡ dở. Rồi hiện tượng ngoại tình lâu nay bị dư luận lên án gay gắt song rốt cuộc hiếm thấy ai bị xử lý về mặt hình sự.
Trong khi đó, quyền về hôn nhân - gia đình là một khách thể cần bảo vệ của Bộ luật Hình sự (BLHS), của chế độ ta và đây cũng là quyền con người mà Hiến pháp năm 2013 rất coi trọng. Vì thế, ngay từ BLHS đầu tiên – BLHS năm 1985 đã quy định về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng (thường được gọi là tội “ngoại tình”) tại Điều 144. Còn tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định lần đầu trong BLHS năm 1999 tại Điều 152.
Có điều, các quy định trên còn rất chung chung. Theo đó, Điều 144 BLHS năm 1985 quy định người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác và phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Tòa án tiêu hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó thì bị xử lý hình sự.
Điều 152 BLHS năm 1999 quy định người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà cố ý từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Sửa đổi để dễ áp dụng hơn
Qua tổng kết thực tiễn, đối với tội ngoại tình, BLHS năm 1999 đã quy định cụ thể hơn những dấu hiệu định tội là gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị xử lý về mặt hình sự. BLHS năm 2015 tiếp tục cụ thể hóa hơn nữa thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng – chính là làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát.
Trước kia kể cả gây hậu quả nghiêm trọng làm cho bản thân một trong hai bên hoặc con cái của một trong hai bên tự sát thì cũng chỉ xử lý cao nhất là 1 năm tù. Nhưng có thể thấy rõ ràng dẫn đến hậu quả tự sát là rất nghiêm trọng nên BLHS năm 2015 chuyển tình tiết định tội thành tình tiết định khung, tăng nặng trách nhiệm hình sự. Đó là hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng dẫn đến hậu quả tự sát của một trong hai bên hoặc con cái của họ có thể bị xử lý tối đa đến 3 năm tù.
Đối với tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, BLHS năm 2015 đã cụ thể thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng – tức là làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe. Như vậy, qua mỗi lần sửa đổi, bổ sung BLHS, các tội danh này luôn luôn được đặt ra nghiên cứu, dần dần hoàn thiện theo hướng phù hợp với yêu cầu của đời sống xã hội cũng như phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và để điều luật dễ áp dụng hơn trong thực tế.
Quá trình xây dựng BLHS năm 2015 cũng như BLHS năm 1999, Bộ Tư pháp với tư cách cơ quan của Chính phủ được Quốc hội, Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng các bộ luật. Trong quá trình xây dựng phải tiến hành tổng kết thực tiễn, đánh giá việc áp dụng từng loại tội thì quả thật, các tội phạm xâm phạm chế độ hôn nhân - gia đình nói chung được áp dụng rất hạn chế.
Tuy nhiên, việc ít áp dụng không có nghĩa là điều luật không khả thi hay không phù hợp. Trên thực tế, tính răn đe, phòng ngừa khi có tội danh quy định trong BLHS là rất cao, làm cho người khác thấy rằng nếu người ta thực hiện hành vi thì sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự. Có thể coi đây là nguyên nhân dẫn đến việc điều luật ít được áp dụng trong thực tiễn.