"Ngọn hải đăng" còn sáng mãi

(PLVN) - Ông Nông Quốc Chấn là cha đẻ của Nhà Xuất bản Văn hóa dân tộc và Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Không có ông Chấn, chắc chắn không có Nhà xuất bản và Hội VHNT cho đội ngũ văn nghệ sĩ các dân tộc cũng không có nốt.
Ảnh tư liệu: Từ phải sang: Nông Quốc Chân - Chế Lan Viên - Tế Hanh - Hoàng Trung Thông

Cuối năm 2003, Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc có cuộc họp lãnh đạo phòng ban cùng Giám đốc Lưu Xuân Lý bàn về ngày giỗ đầu nhà thơ Nông Quốc Chấn. Nội dung: có nên làm một cuốn sách ghi nhớ về ông không.

Tôi nói luôn: Với bác Chấn, Nhà xuất bản và Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số thì thái độ ứng xử luôn phải là “sống tết chết giỗ”, đó là đạo lý không có gì phải tranh cãi. Cho nên làm được cái gì tôn vinh bác chúng ta làm ngay, không cần bàn nhiều. Thế là cuốn sách nhỏ Cần Phia Bjooc (người Núi Hoa) tưởng niệm ông, tôi được giao biên soạn đã ra đời.

Nói “sống tết chết giỗ” là nói đến đạo lý người Nam ta. Bởi lẽ ông Nông Quốc Chấn là cha đẻ của Nhà Xuất bản Văn hóa dân tộc và Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Không có ông Chấn, chắc chắn không có Nhà xuất bản và Hội VHNT cho đội ngũ văn nghệ sĩ các dân tộc cũng không có nốt.

Ông xuất hiện vào giai đoạn lịch sử đầy biến cố, có những cơ hội bất ngờ đặt ra và ông đã rất nhanh nắm bắt được cơ hội và tìm được trợ thủ. Ông đã thành công mĩ mãn. Lập được một Nhà xuất bản, lại thành lập được một Hội nghệ thuật cho dân tộc…Đó là thành quả lớn nhất đời ông. Trước và sau Nông Quốc Chấn, không có thứ trưởng thứ hai nào làm được hai việc lớn như thế trong sự nghiệp ngắn ngủi của mình.

Thành công đó làm cho ông trở thành vĩ đại. Sau này lịch sử văn hóa đất nước sẽ có lúc giở lại trang sử này đánh giá lại ông. Bây giờ tôi cảm thấy ít người nhận ra điều đó. Họ coi việc có Nhà xuất bản, có Hội cho đội ngũ nghệ sĩ dân tộc như là lẽ đương nhiên. Không! Không bao giờ có đương nhiên đâu nếu khúc quành đất nước đó không có ông Chấn đứng đó bẻ ghi giành lấy quyền lợi cho dân tộc!

Ông đã làm được khi ông tinh tường nhận ra thời cơ đã đến và kịp nắm bắt. Và thời cơ cũng phải người có tâm và có tầm như ông mới tận dụng được. Ông có một cái tâm sáng luôn nghĩ cách chắn vén, bảo vệ và tìm cách phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ miền núi, vinh danh Văn hóa dân tộc. Ông lại có tầm nữa. Cái tầm của ông thì người cao nhất bên Đảng như ông Đỗ Mười cũng phải nể vì. Đoạn ấy lại thêm có Phó thủ tướng Nguyễn Khánh ủng hộ tận tình. Ông được tả phù hữu bật nên đã thành công mĩ mãn!

Khoá đầu Hội Văn hóa các dân tộc gian nan vô cùng. Năm 1991 khai sinh ở bờ hồ, sau về trọ ở Lê Văn Hưu, rồi thuê nhà dân ở Ngô Sĩ Liên, lại chuyển về trọ ở xưởng tranh cổ động Vân Hồ, sau đó dựa vào xưởng Mĩ thuật quốc gia ở Giang Văn Minh. Từng ấy địa điểm thay đổi trong mấy năm như mèo tha con. Tất thảy một tay ông dàn xếp trong tình cảnh hoạt động không có tiền trợ giúp của nhà nước. Tôi không hiểu ông đã xoay xở thế nào trong cảnh ấy. Chèo chống đến nhiệm kì 2, năm1997 ông khéo léo tìm cách thuyết phục đổi tên Hội từ Văn hóa sang Văn học nghệ thuật, lúc ấy Hội mới được nằm trong sự bảo trợ của Nhà nước, trong Liên Hiệp Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Từ lúc ấy Hội mới có kinh phí hoạt động.

Đẻ con đã khó, nuôi con trứng nước trong hoàn cảnh không giường chiếu còn khó bằng nào, mà tất cả đã vượt qua. Những lớp người đi sau không ai hiểu nổi hoàn cảnh lúc đó. Đó là giai đoạn nhà nước vừa buông tay bao cấp, nhà nước khó khăn kiểu nhà nước. Còn đời sống cán bộ công nhân viên chức cũng bội phần khó khăn, đất nước vẫn trong giai đoạn Mĩ cấm vận. Mãi đến năm 1997, sau Đại hội lần 2 Hội có trụ sở Hội sở ở Bắc Linh Đàm không phải ở nhờ hay thuê mướn nữa.

Đấy là những năm gian nan mà ông Chấn là người đi đầu thu xếp mọi chuyện cho sự sống còn của Hội trong trứng nước. Kẻ đại lãn sẽ chê ông là “ôm rơm rặm bụng” vì lăn lóc ấy có phải thu gì về cho ông đâu! Họ sao hiểu nổi cái tâm cái tầm của ông. Đến hôm nay nhìn lại tôi càng khâm phục ông Chấn đã cùng một ban chấp hành non trẻ đã vượt qua được giai đoạn khó khăn kinh khủng như vậy.

Bởi vậy vai trò người cha tinh thần của ông sẽ còn được ghi nhớ mãi trong sự nghiệp Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Dù những thế hệ tiếp nối nhiều người sẽ không biết mặt ông, nhưng không thể không biết đến ông là người đặt nền móng xây cất nên căn nhà nghệ thuật từ buổi đầu khốn khó như thế nào để có Hội bề thế được như hôm nay. Tôi nghĩ thiết thực cho kỉ niệm 30 năm thành lập Hội, nên có một hội thảo về vai trò của Chủ tịch Nông Quốc Chấn với Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số để vinh danh ông một cách thiết thực hơn.

Đời công tác, tôi có may mắn được làm việc dưới quyền ông khi ông là giám đốc xuất bản và là một trong vài chục hội viên sáng lập Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số từ Nhà Xuất bản nên biết và hiểu ông nhiều.

Là giám đốc, nhưng ở vai trò thứ trưởng, công việc trên Bộ cuốn ông vào nhiều việc nặng nề hơn. Tôi tiếp xúc với ông rất ít nhưng tôi hiểu ông là quan chức bất đắc dĩ. Tâm hồn ông vẫn là tâm hồn của một nhà thơ, một nghệ sĩ. Có lần tôi hỏi: Một tháng bác ăn cơm ở nhà được mấy ngày. Suy ngẫm một lát ông bảo 1 tuần Đức ạ!

Còn nhớ khoảng đầu năm 2000, ông đi miền Trung về, tôi hỏi chuyện Tây nguyên, thấy giọng ông trầm xuống: Tôi lo rồi đây Tây Nguyên sẽ có chuyện anh ạ. Bây giờ người có tiền vung ra mua rẻ đất của bà con. Người dân tộc nghèo, thấy có tiền là bán. Nhưng bán rồi lại phải vào sâu trong núi... Đến lúc nào đó sẽ sinh chuyện… Thì y như rằng năm 2003 xảy ra bạo loạn với câu chuyện nước Đề-ga.

Nhắc lại câu chuyện này để nói lại cái ý tôi coi ông là nhà thơ hơn là quan cách mạng vì trong ông còn nguyên tình người, còn đầy lòng trắc ẩn. Ông chưa bị những chỉ thị nghị quyết nghị định làm cho khô héo tâm hồn.

Nhớ ông tôi xin nhắc lại hai câu thơ ông viết:

"Khi nghe gió thổi qua Phja Bjooc

Em biết mùa thu đã hết rồi…"

Chỉ có ai ở vùng đất ấy mới hiểu thấu vẻ đẹp lúc chuyển mùa, vẻ đẹp đầy chất thơ man mác buồn trong biển sương mai, khá hiếm gặp trong thơ ông.

Ông đã rời xa chúng ta gần 20 năm. Nhưng với lứa chúng tôi, ông vẫn hiện hữu. Cái tâm và cái tầm của ông vẫn là ngọn hải đăng còn mãi để chúng ta sáng lòng, cùng nhau vun đắp cho Hội và có những việc làm thiết thực mừng kỉ niệm hội 30 tuổi.

Đọc thêm