“Ngọn hải đăng” giữa đại ngàn Quảng Trị

"Bữa tiệc" đầu tiên đón thầy giáo miền xuôi được dọn ra với chiếc A Điên đầy nếp và một chén muối ớt... Ai cũng nhìn thầy, chỉ tay vào chiếc A Điên rồi giục: "Tổ cha thầy! Tổ cha thầy". Thầy Văn ngơ ngác vì chẳng biết mình đã gây ra lỗi gì. Sau bữa ăn, thầy mới hiểu, thực ra đó là lời mời dùng cơm thân mật của dân bản. Từ đấy, thầy quyết tâm học tiếng Vân Kiều...

Hàng chục năm qua, các thế hệ già làng ở miền Tây Quảng Trị vẫn truyền lưu câu chuyện về một người anh hùng lặn lội từ miền xuôi lên chốn thâm sơn cùng cốc để dạy chữ và giúp cho nhiều thế hệ dân bản tìm thấy "con đường sáng”.

Yêu trò, mếm bản

Nhìn căn nhà dựng tạm bằng lá rừng ngày càng xơ xác của thầy Hà Công Văn (sinh năm 1957), một số đồng nghiệp nói đùa: "Thầy dựng nhà tạm để sau này tiện bề về xuôi, tìm một vị trí ngon lành hơn". Mỗi lần nghe những lời ấy, thầy Văn lại cười hiền và nói: "Mình cũng thích về xuôi, cũng muốn ngồi ở chiếc ghế ngon lành ở dưới đó. Nhưng sau cùng lại thôi vì trái tim này đã nguyện ăn đời, ở kiếp với dân bản mất rồi!".

tjshty
Con đường vào bản ở vùng núi rừng phía tây tỉnh Quảng Trị

20 tuổi, tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm Đồng Hới (Quảng Bình), thầy Hà Công Văn hăm hở cầm quyết định lên vùng núi rừng phía tây tỉnh Quảng Trị để dạy học. Tàu đỗ tại ga Đông Hà, chàng trai người Quảng Bình vội vã hỏi đường lên xã Tà Long (huyện Đakrông) và được chỉ dẫn "Cứ đi về phía Tây, khá xa đấy!...".

Có lẽ trong mơ thầy cũng chẳng ngờ cái sự "khá xa đấy" ngốn mất 3 ngày trời với những lối mòn sâu hun hút giữa đại ngàn. Trước thầy Văn, một số đồng nghiệp đã không thể vượt qua thử thách đầu tiên này và cuối cùng đã trở ngược về xuôi để tìm kiếm cơ hội mới. Thế nên, con đường đến các bản làng vốn đã xa ngái, lại càng hiu hắt, vắng vẻ hơn.

rhr

Thầy Hà Công Văn.

Đón thầy Văn ở con đường đất đỏ dẫn vào địa phận xã Tà Long là hàng chục người dân đen đúa, gầy gò, nói toàn bằng tiếng dân tộc. Sau một hồi khua chân, múa tay, thầy Văn run lên vì xúc động khi biết dân bản đã thay nhau đứng ngóng mình suốt 3 ngày nay. Thầy càng ấm lòng khi nghe già bản nói tiếng Kinh chậm rãi như nhặt thóc: "Thầy giáo đến rồi, cái chữ của Bác Hồ đến rồi".

ntyh

Thầy Văn với các em học sinh miền núi Quảng Trị.

"Bữa tiệc" đầu tiên đón thầy giáo miền xuôi được dọn ra với chiếc A Điên đầy nếp và một chén muối ớt. Mọi người hồ hởi lấy tay bóc nếp, chấm với muối ăn ngon lành. Ai cũng nhìn thầy, chỉ tay vào chiếc A Điên rồi giục: "Tổ cha thầy! Tổ cha thầy". Thầy Văn ngơ ngác vì chẳng biết mình đã gây ra lỗi gì. Sau bữa ăn, thầy mới hiểu, thực ra đó là lời mời dùng cơm thân mật của dân bản. Từ đấy, thầy quyết tâm học tiếng Vân Kiều.

Khi đã thông thuộc ngôn ngữ, phong tục, thầy Văn bắt đầu vận động mọi người mở lớp, dựng trường. Bản thân thầy lăn lộn vào rừng đốn gỗ, đánh tranh, đan phên... ngày này sang ngày khác. Nước da chàng trai miền xuôi hết đen sạm vì nắng gió, lại chuyển sang vàng vọt, tái xanh bởi những trận sốt rét rừng. Trong suốt thời gian dựng trường, không ít lần thầy Văn ngã bệnh.

Nhưng sau khi khỏi bệnh, thầy lại hòa mình vào công việc. Thầy tiếp tục hành trình "tìm" học sinh. Để phụ huynh đồng ý cho con đến lớp, thầy hứa sẽ thay các em làm những công việc hàng ngày. Suốt một tháng ròng, ban ngày thầy quăng quật trên nương rẫy để giúp dân bản; chập choạng tối lại dẫn học sinh đến trường học chữ. Hiểu tấm lòng của người giáo viên miền xuôi, dân bản không buộc thầy làm việc nhà mình nữa. Nhiều người sau đó đã đưa con em đến nhờ thầy Văn dạy dỗ.

Suốt 15 năm đầu “gieo” chữ trên đất Tà Long, thầy Văn đã đào tạo được đội ngũ học trò đứng lớp đầu tiên. Tạm yên lòng, thầy lại xách ba lô sang xã Húc Nghì để tiếp tục làm nhiệm vụ “diệt giặc dốt”. Ngày thầy lên đường, người dân một số bản ở Tà Long cũng khăn gói theo thầy như lời ước nguyện sẽ gắn bó đời đời với con chữ.

Thầy Văn kể, không ít lần vợ con thầy lên thăm nhưng chẳng thể tin được người đàn ông gầy gò, đen đúa đứng trước mặt là chồng, là cha mình. Đến khi nhận ra, cả nhà ôm lấy nhau mà khóc. Nhưng có lẽ ký ức đau buồn nhất đối với thầy vẫn là câu chuyện về lá thư báo tin con trai mất. "Mình nhận tin con mất khi đang soạn giáo án, chuẩn bị lên lớp. Bàng hoàng, đau xót đến tột cùng. Về đến nhà thì con đã yên nghỉ dưới nấm mồ. Vợ mình bảo thằng bé ngày nào cũng mong gặp bố", thầy Văn run run nói.

Nhà tư tưởng chốn rừng xanh

Ngót 1/4 thế kỷ “gieo” chữ nơi đại ngàn, thầy Hà Công Văn cùng đồng nghiệp đã làm nên một “cuộc cách mạng” mà điểm xuất phát chính là chữ Tâm trong sáng. Đó là lý do khiến mọi ý tưởng, hành động của thầy dù lớn, dù nhỏ đều hướng đến sự nghiệp trồng người.

Cũng có lần gặp thất bại trong công tác chuyên môn, nhưng thầy Văn đều nhanh chóng nhận ra và rút kinh nghiệm. Khi một lớp mới được mở, dân bản thường kéo đến học rất đông, nhưng chỉ vài hôm sau lại giảm dần, rồi chỉ còn lác đác đôi người. Vì thế, buổi đầu bao giờ thầy Văn cũng chỉ yêu cầu học trò làm quen với lớp học. Ở đây, các em có thể được tập hát, tổ chức trò chơi... Các buổi sau, thầy và trò mới bắt đầu làm quen với con chữ, phép tính đơn giản.

Đào tạo được một thế hệ học sinh đọc thông, viết thạo là niềm hạnh phúc lớn đối với thầy Hà Công Văn. Thế nên, thầy rất xót xa khi thấy con em hễ hoàn thành xong bậc tiểu học lại gác bút, quay về với nương rẫy vì không có trường Trung học cơ sở. Sau nhiều đêm thức trắng, thầy nảy ra ý tưởng về "lớp nhô". Thế rồi, "lớp nhô" đầu tiên tạo điều kiện để học sinh tiếp tục học lên lớp 6 được thí điểm ngay tại Trường Tiểu học Húc Nghì. Buổi đầu lớp chỉ có vỏn vẹn 20 học sinh, nhưng hiện tại, bình quân tổng số học sinh mỗi năm đã lên đến hàng trăm em.

Hàng ngày, thấy học sinh băng rừng, lội suối đến lớp, thầy Văn không cam lòng, bèn kêu gọi dân bản dựng một "ngôi nhà chung" cho các em ở xa. Sau này, ý tưởng đó được Hội Khuyến học Quảng Trị áp dụng rất hiệu quả ở các xã vùng sâu, vùng xa và “ngôi nhà chung" được gọi bằng cái tên "Khu bán trú dân nuôi". Như một thói quen, thầy Văn thường xuyên động viên, hướng dẫn học sinh ở khu nội trú cách trồng rau, nuôi gà để cải thiện cuộc sống.

Cũng như nhiều giáo viên miền xuôi lên vùng cao dạy học, thầy Văn đã đưa theo nguồn sáng văn minh, giúp dân bản thay đổi các lối mòn cũ kỹ trong suy nghĩ. Thầy hướng dẫn người dân cách trồng lúa nước, vận động bà con không để phụ nữ vượt cạn một mình ở túp lều dựng tạm trên rẫy, kêu gọi nhiều gia đình hiến đất để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội... Ông Hồ Tà Lữ (một người già ở xã Húc Nghì) chia sẻ: "Nhờ thầy Văn và các thầy cô giáo mà cái đầu dân bản giờ đã đổi mới nhiều lắm. Bản làng ơn thầy Văn, ơn các thầy cô giáo!". 

Năm 2005, thầy giáo Hà Công Văn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Nói về niềm vinh dự này, thầy tâm sự: "Đây có lẽ là phần thưởng đáng giá nhất đời tôi. Nhưng, thực sự rất nhiều đồng nghiệp của tôi cũng xứng đáng nhận danh hiệu này. Họ là những người quanh năm soạn giáo án dưới ánh đèn dầu, ăn uống bằng nước suối, bữa cơm chỉ có cá khô và rau rừng, tóc rụng ngày càng nhiều vì bệnh sốt rét... Bên cạnh đó, chế độ chính sách, lương của họ cũng chẳng đủ để trang trải cuộc sống. Thế mà, ai cũng nỗ lực hết mình vì lòng yêu trò, mến bản".

Ngót 1/4 thế kỷ “gieo” chữ nơi đại ngàn, thầy Hà Công Văn cùng đồng nghiệp đã làm nên một “cuộc cách mạng” mà điểm xuất phát chính là chữ tâm trong sáng. Đó là lý do khiến mọi ý tưởng, hành động của thầy dù lớn, dù nhỏ đều hướng đến sự nghiệp trồng người.

"Có đôi khi mình cũng thích về xuôi, cũng muốn ngồi vào "chiếc ghế" nào dưới đó. Nhưng sau lại thôi vì trái tim này đã nguyện ăn đời, ở kiếp với dân bản mất rồi", thầy giáo, AHLĐ Hà Công Văn.

Tuấn Hiệp

Đọc thêm