Ngọn lửa đam mê bất tận của nghệ nhân hô bài chòi nức tiếng Bình Định

(PLO) -“Năm nay tôi đã 65 tuổi, rất muốn ở nhà chăm sóc cho mẹ già, chỉ đi xa khi tham gia hoạt động bài chòi cổ. Tuy nhiên, cuộc sống khó khăn nên hàng ngày vẫn phải tiếp tục đi mua bán nhôm nhựa thôi chứ biết làm sao”, nghệ nhân Minh Đức tâm sự. 
Nghệ nhân Minh Đức hô bài chòi cùng với bạn hô.
Nghệ nhân Minh Đức hô bài chòi cùng với bạn hô.

Nghệ nhân Minh Đức tên thật là Nguyễn Thị Đức, ở thôn Mỹ Hưng 2, xã Cát Hưng, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Bà là người cháy hết mình với loại hình nghệ thuật hô bài chòi cũng như đào tạo thế hệ trẻ phát triển bài chòi ở Bình Định.

Tuổi thơ với những gánh hát nghiệp dư

Chúng tôi gặp nghệ nhân Minh Đức trong một đêm hô bài chòi ở TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Bà bảo, trong mấy năm qua, Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao TP. Quy Nhơn tạo điều kiện để bà làm hiệu trong hội đánh bài chòi cổ thường xuyên vào dịp cuối tuần giúp bà có được ít tiền trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, nghề chính mưu sinh của bà vẫn là đi mua bán nhôm nhựa. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bà Đức sinh ra ở miền “đất võ trời văn” giàu truyền thống bài chòi và hát bội. Chính ông ngoại và mẹ đã dạy cho bà biết hát những điệu bài chòi khi còn bé. Thấm đẫm những làn điệu từ khi lọt lòng mẹ, tuổi thơ của bà đã chứng kiến bao gánh hát nghiệp dư rong ruổi trên những miền quê. 

Bà Đức cho biết: “Vùng quê tôi ở quanh năm nghèo khó. Trong cuộc mưu sinh, không gian dành cho bài chòi, hát bội ngày càng hẹp dần, nhiều gánh hát đã tan rã. Lớp trẻ ít mặn mà với các loại hình nghệ thuật dân gian này. Họ nghe bài chòi thấy lạ lẫm, hờ hững, ngoảnh mặt. Người hát bài chòi cũng dần thất nghiệp”.

Đã có lúc giọng hô bài chòi của bà Đức phải tạm tắt trong thời buổi khó khăn. Nhiều đời hát bài chòi, gia đình bà say mê, sống hết mình với loại hình nghệ thuật này nhưng những thăng trầm của cuộc sống đã đẩy bà đeo đẳng với cái nghèo. 

“Một thời gian dài những gánh hát dần tan rã. Cái đói, cái nghèo cứ bủa vây gia đình tôi. Có những lần bữa ăn của cả nhà chỉ là những củ khoai luộc, nhưng cũng chẳng được no. Nhiều đêm tôi cảm thấy khó chịu vì không được đi hát buồn quá nên ở nhà hát chay cho hàng xóm xem. Hồi đó bà con thích lắm. Tôi cũng vui nữa”, bà Đức tâm sự.

Lớn lên, bà Đức lấy chồng sau đó lao vào cuộc sống cơm áo gạo tiền để nuôi các con. Thi thoảng những lần đi diễn không đủ nuôi gia đình, bà rong ruổi đi bán vé số, chổi lông gà, mua ve chai. Rồi tai họa ập đến với gia đình, đó là khi người chồng chết để lại cho bà 6 đứa con và mẹ già. 

Một lần nữa, bà bước ra đời thường với bao nỗi nhọc nhằn. Những con phố bà đi qua, mọi người nhìn bà lạ lẫm bởi bà biết cách hóa trang mình thành người lùi xùi để khán giả không nhận ra đó là cô đào xinh đẹp trong vở diễn mà họ vừa xem tối qua. 

Nghệ nhân Minh Đức
Nghệ nhân Minh Đức

Đào tạo thế hệ trẻ phát triển bài chòi

Năm 1992, bà Đức tham gia Liên hoan bài chòi Bình Định lần thứ I. Bà không ngờ giọng hát quê mùa của mình lại được trân trọng vì những thế hệ hô bài chòi cổ đã dần khuất bóng. Từ đó, bà được giao đảm nhiệm đào tạo lớp trẻ, đảm nhiệm vai đào chính trong các vở diễn. Trên sân khấu, bà là công chúa, là bà tiên được khán giả yêu mến nhưng về đời thường lại khác...

“Có những lúc, tôi đang quảy gánh ve chai ở tận Gia Lai nhưng nhận được điện gọi về tham dự, biểu diễn ở các hội thảo âm nhạc dân tộc, vậy là tôi quẳng gánh, bắt xe về ngay. Nói thiệt là bài chòi đã ăn vào máu thịt tôi rồi nên dứt bỏ không được”, bà Đức cười hiền.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, là diễn viên nghiệp dư nhưng mỗi lần dự liên hoan, bà Đức đều đạt giải, được nhận bằng khen. Tháng 7/2007, bà được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian. Tháng 12/2011, bà đại diện cho bài chòi cổ ở Bình Định đi tham gia Hội thảo quốc tế về đào tạo âm nhạc dân tộc ở Huế. Nhiều người ở các tỉnh nghe giọng bà hô, ai cũng gật đầu ngợi khen.

“Tôi rất vui và hạnh phúc vì họ trân trọng mình cũng chính là trân trọng bài chòi cổ. Bây giờ tôi không mong muốn gì hơn ngoài việc làm hết sức mình đào tạo thế hệ trẻ phát triển bài chòi ở địa phương. Tuy vậy, việc làm này không phải dễ. Không phải ai muốn học cũng được, nhiều người học được vài buổi đã ngán rồi”, nghệ nhân Minh Đức tâm sự.

Ông Nguyễn An Pha, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Định, cho biết: “Nghệ nhân Minh Đức là một kho các câu thai, trích đoạn, là cô giáo mẫu mực, cháy hết mình với đam mê.

Nghệ nhân hát bài chòi cổ trong tỉnh Bình Định chỉ còn vài người nhưng nhiệt tình như chị thì ít lắm. Chị chẳng bao giờ kêu ca phàn nàn gì. Khi có yêu cầu là chị đến, khi đi xe buýt, lúc bắt xe ôm, dẫu thù lao cho mỗi đêm diễn chỉ được vài ba trăm ngàn đồng”.

Cũng theo ông Pha, nghệ nhân Minh Đức là một trong số ít những nghệ nhân bài chòi dân gian con nhà nòi rất tài năng hiện còn khỏe và hoạt động tích cực trong các sinh hoạt bài chòi dân gian.

Ngoài giọng hát hay và tài năng hô diễn, bà có vốn kiến thức rất đáng kính nể về loại hình nghệ thuật này. Đặc biệt, bà là một trong số những nghệ nhân bài chòi dân gian còn giữ được những lối hát đặc trưng của bài chòi cổ chưa bị ảnh hưởng nặng nề của cải lương. 

Vất vả mưu sinh

Nghệ nhân Minh Đức có nhiều con nhưng đều ở xa và hoàn cảnh khó khăn, nên chỉ có bà sống trong căn nhà nhỏ để lo cho mẹ chồng năm nay đã 87 tuổi thường xuyên đau bệnh.

Tâm huyết với bài chòi cổ nên mỗi lần Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định, Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Định, Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao TP. Quy Nhơn có hoạt động, bà đều cố gắng sắp xếp, nhờ hàng xóm chăm sóc giúp mẹ già rồi bắt xe hơn 40 cây số đến Quy Nhơn tham gia.

Sau những giờ phút có được niềm vui với những câu bài chòi cổ, bà Đức lại trở về một mình vất vả mưu sinh. “Năm nay tôi đã 65 tuổi, rất muốn ở nhà chăm sóc cho mẹ già, chỉ đi xa khi tham gia hoạt động bài chòi cổ. Tuy nhiên, cuộc sống khó khăn nên đành phải tiếp tục lên đường đi mua bán nhôm nhựa thôi chứ biết làm sao. Có khi tôi một mình đi mua mãi ở tận Tây Nguyên, TP. Hồ Chí Minh”, nghệ nhân Minh Đức tâm sự.

“Mắc đủ thứ bệnh khớp, cột sống... nên đi mua nhôm nhựa cả ngày về, tối nằm đau nhức thấu xương không ngủ được. Cách đây khoảng 4 tháng, tôi đang dắt xe đạp đi ngoài đường mua nhôm nhựa ở TP. Hồ Chí Minh thì xui rủi lại bị xe máy tông gãy tay phải vào bệnh viện.

Sau đó mấy ngày thì có lớp tập huấn về nghệ thuật bài chòi cổ Bình Định tổ chức mời tôi đến dạy ở TP. Nha Trang. Tôi liền tháo băng tay trước khi đi để khỏi dị với học trò, nhưng các em thấy tay cô sưng to, bầm tím, hỏi thăm biết chuyện đã rất xúc động đưa tôi đi khám”, nghệ nhân Minh Đức tâm sự.

Nói rồi, bà Đức bảo: “Tôi nghe nói Nghị định số 109/2015 của Chính phủ về việc hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 nhưng phải lo nhiều loại giấy tờ, mà việc này thì tôi không rành. Nếu không có sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thì chắc là tôi không làm được”.

Trò chuyện với nghệ nhân Minh Đức, chúng tôi tin rằng bà sẽ là một trong những nhân tố nòng cốt trong việc bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật bài chòi cổ này của tỉnh Bình Định.

Tuy nhiên, để làm được điều này thì các cơ quan hữu trách phải biết trân trọng, tạo những điều kiện tốt nhất để bà có thể trao truyền vốn hiểu biết và các kinh nghiệm nghề nghiệp của mình.