Ngọn lửa không bao giờ tắt của một nạn nhân chất độc da cam

(PLO) -Vừa qua, tại Trường Đại học Yersin, Đà Lạt đã diễn ra buổi nói chuyện giữa tác giả Trần Tố Nga, người viết nên quyển tự truyện “Đường trần - Ngọn lửa không bao giờ tắt” với đông đảo sinh viên của trường. Buổi nói chuyện nằm trong chuỗi hành động của nữ tác giả và những người đồng hành đeo đuổi vụ kiện đòi công bằng cho các nạn nhân chất độc da cam.
Bà Trần Tố Nga kí tặng sách cho sinh viên
Bà Trần Tố Nga kí tặng sách cho sinh viên

Mất con vì chất độc quái ác

Bản thân bà Trần Tố Nga cũng là một nạn nhân, chất độc  da cam đã để lại cho bà nhiều di chứng, mà nặng nề nhất là căn bệnh ung thư quái ác. Quyển tự truyện “Đường trần - Ngọn lửa không bao giờ tắt” được hoàn tất và in ấn rất nhanh, chỉ trong vòng 7 ngày trời. Đó cũng là thời điểm bà Tố Nga chuẩn bị lên bàn mổ để chiến đấu với bệnh tật. Quyển sách phải chạy đua với thời gian, bởi người chủ của nó e rằng, rất có thể sau cuộc phẫu thuật, không bao giờ có thể tỉnh dậy nữa và ngọn lửa mà bà nuôi dưỡng bấy lâu sẽ tắt lịm mà không được truyền đi và toả lan.

“Đường trần - Ngọn lửa không bao giờ tắt” không chỉ là một quyển tự truyện, nó gần như một quyển “sử thi”, đưa người ta đi về một thời kì tráng lệ mà đau thương của dân tộc, qua lăng kính của một người phụ nữ đầy dấn thân. Năm 13 tuổi, cô tiểu thư Sài Gòn được đưa ra Bắc học. Để rồi, sau 10 năm gắn bó với miền Bắc, nữ thanh niên Tố Nga đã vượt dãy Trường Sơn vào Nam, muốn sát cánh cùng gia đình chiến đấu chống Mỹ. Rồi, cô gái Tố Nga trở thành phóng viên Thông tấn xã Giải phóng (nay là Thông tấn xã Việt Nam).

Chiến tranh kết thúc, người phụ nữ ấy lại cống hiến sức mình cho các hoạt động xã hội. Vì những nỗ lực hết mình thúc đẩy mối quan hệ Pháp Việt, bà Tố Nga được thưởng huân chương Bắc đẩu bội tinh, sau đó bà cùng gia đình đến làm việc và sinh sống tại Pháp. Cũng trong những ngày tháng ấy, bà cũng đồng thời phát hiện mình đã nhiễm chất độc  da cam. Chất độc quái ác này không chỉ tàn hại cơ thể bà, mà đã khiến bà mất đi một người con và hai người con khác cùng cháu bà cũng mang di chứng. 

Nhưng có lẽ, con đường đi của người phụ nữ ấy sẽ vẫn bằng phẳng như thế, hạnh phúc gói gọn trong những điều thường nhật, những di chứng đớn đau cũng sẽ âm thầm gánh chịu, nếu như không có một ngã rẽ bất ngờ.

Năm 2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam cùng một số nạn nhân đại diện kiện các công ty hóa chất Mỹ sản xuất chất độc da cam, nhưng bị toà án Mỹ bác đơn. Nhiều vụ kiện nhiều năm sau đó vẫn tiếp tục bị bác đơn. Những nạn nhân da cam “thấp cổ bé họng” như lấy trứng chọi đá khi kiện những doanh nghiệp hùng hậu của Mỹ, con đường đòi lại công lý gần như bị “bít cửa”.

Ngọn lửa không tắt

Trong một buổi gặp gỡ với những người đang quyết tâm đem vụ kiện tiếp tục đưa ra toà án quốc tế, bà Trần Tố Nga đã được thuyết phục trở thành nguyên đơn trong vụ kiện nạn nhân da cam kiện các công ty hoá chất Mỹ. Ban đầu, vì tuổi già sức yếu, vì trăm mối lo toan, bà không đồng ý. Thế nhưng, khi được biết vụ kiện không phải đòi quyền lợi cho cá nhân mình, mà là một cuộc đấu tranh giành quyền lợi cho tất cả các nạn nhân chất độc da cam, thông qua việc tạo ra một án lệ khi thắng kiện, bà đã đồng ý. Từ đó, người phụ nữ nhỏ bé ấy bắt đầu cuộc hành trình đối đầu với 26 công ty hoá chất Mỹ, đi tìm công lý cho những con người thiệt thòi.

Từ năm 2015, bà bắt đầu chuẩn bị hồ sơ cho vụ kiện. Ngày 14/5/2014, tòa đại hình Evry của Pháp đã chấp nhận đơn kiện và đơn kiện được chuyển đến 26 tập đoàn hóa chất Mỹ đã sản xuất chất độc da cam trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Từ đó đến nay, bà đã trải qua hơn 8 phiên toà, với vô số những thủ tục, tốn không biết bao thời gian chỉ để thu thập, hoàn thiện hồ sơ, cũng như đối đầu với thái độ bất hợp tác của các bị cáo hùng mạnh, trong số đó có hai công ty được coi là “người khổng lồ” của ngành hoá chất thế giới. 

Phía đối phương có vài chục luật sư “cứng cựa” của Mỹ, Pháp. Đồng hành cùng bà, chỉ có một nhóm nhỏ những con người tâm huyết. Có 3 luật sư người Pháp trẻ tuổi đã cùng bà đi suốt một chặng đường rất dài, mà không lấy một đồng thù lao. Tiền bạc eo hẹp, trong khi chi phí khởi kiện rất cao. Nhưng nhóm nhỏ ấy không yếu đuối, không đơn độc. “Tôi nhớ, có những người Việt dành từng đồng bạc nhỏ nhoi ít ỏi để gửi tôi, nhớ những người bạn Việt kiều, người bạn nước ngoài ở khắp nơi, chỉ nghe tin chứ chưa gặp mặt, cùng tìm đến, gửi tiền đến, với mong muốn tôi có thêm kinh phí để đeo đuổi công lý đến cùng. Rồi những người Việt, những bạn bè quốc tế đã kêu gọi để có những chữ kí tập thể, ủng hộ tôi... Những ân tình đó là một phần động lực khiến tôi không thể bỏ cuộc, phải tiếp tục thắp ngọn lửa này”, bà Tố Nga chia sẻ.

Quyển sách “Đường trần - Ngọn lửa không bao giờ tắt” được các nhà hảo tâm tài trợ in ấn và bán rộng rãi cũng nhằm góp phần vào kinh phí của vụ kiện. Ra mắt từ tháng 8/2017, quyển sách đã theo chủ nhân của nó làm một cuộc hành trình đến nhiều nơi trong cả nước để “truyền lửa”. Trước những sinh viên của Trường Đại học Yersin Đà Lạt, bà chia sẻ một cách chân tình rằng, thế hệ của bà đã sống và cống hiến hết mình cho những lý tưởng tốt đẹp. Trước mắt các bạn trẻ, thử thách còn cam go không kém, đó là cuộc chiến chống lại đầy rẫy những cạm bẫy mang tính thời đại. Với “Đường trần - Ngọn lửa không bao giờ tắt”, bà mong muốn sẽ phần nào “tiếp lửa” để những bạn trẻ có thêm sức mạnh đi đúng con đường đẹp đẽ mình đã chọn, nối tiếp những lý tưởng đẹp đẽ xây dựng đất nước của thế hệ cha ông.

Đọc thêm