Sợ bị khinh rẻ khi nói tiếng dân tộc?
Ngôn ngữ của các dân tộc là sự thể hiện trình độ phát triển, văn hoá và tư duy của từng dân tộc. Vì thế, khi một ngôn ngữ biến mất thì đồng nghĩa với việc một phần lịch sử và văn hóa của nhân loại cũng bị “nghèo đi” đáng tiếc.
Ngôn ngữ là một phương tiện truyền thông của con người trong quá trình lao động và sinh hoạt tập thể. Việt Nam là một đất nước có hệ thống ngôn ngữ rất đa dạng, nhiều màu sắc. Với 54 dân tộc và tương ứng là 54 ngôn ngữ chính danh, các ngôn ngữ ở Việt Nam được khẳng định về vị thế và chức năng bằng pháp luật.
Ngôn ngữ được phân chia thành hệ thống và theo 8 nhóm ngôn ngữ gồm: Việt - Mường, Môn - Khmer, Mông - Dao, Nam Đảo, Hán - Hoa, Tạng Miến và nhóm Kadai. Đối với chữ viết của một số dân tộc thì còn có nhiều hơn một hệ thống chữ viết, chúng được chia thành 2 nhóm chữ viết là hệ thống chữ viết cổ truyền và các hệ thống chữ viết mới.
Ngày nay khi xã hội ngày càng phát triển và hòa nhập, hầu hết các dân tộc thiểu số đã chuyển qua giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt phổ thông. Do đó sự mai một, pha tạp bởi rất nhiều từ ngữ bên ngoài như tiếng Kinh, tiếng Anh du nhập vào trong tiếng nói của người dân tộc. Những đứa trẻ là người dân tộc thiểu số ngày nay không còn biết nói hay hiểu được ngôn ngữ của chính dân tộc mình.
Khi được hỏi về thực trạng sử dụng ngôn ngữ dân tộc hiện nay, một già làng người dân tộc Cao Lan chia sẻ: “Giờ người ta nói tiếng Kinh là nhiều chỉ còn các ông bà già khi gặp nhau nói chuyện mới còn dùng tiếng dân tộc. Đối với chữ viết thì dân tộc tôi là chữ Nho, chỉ sử dụng trong các buổi cúng tế”. Có lẽ đây là thực trạng chung ở hầu khắp các dân tộc thiểu số.
Để hòa nhập với sự phát triển của xã hội, bản thân họ phải thay đổi và dung hòa tránh việc tụt hậu với những dân tộc khác. Ngoài ra, do sự lai tạp giữa người dân tộc này với những người dân tộc khác nên họ ít có cơ hội để sử dụng tiếng “mẹ đẻ”. Kết quả là ngôn ngữ của họ dần bị quên lãng và biến mất theo mức độ và thời gian hội nhập.
Ông Đàm Ngọc Thiện - một người dân tộc Sán Dìu chia sẻ: “Hiện nay các dân tộc sống chung hòa thuận và xen kẽ với nhau nên việc sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình sẽ khiến cho người không hiểu cảm thấy không thoải mái, nên việc nói tiếng dân tộc mình ít đi”.
Trong số 6.700 ngôn ngữ đang được sử dụng khắp thế giới, chỉ có khoảng gần 4.000 tiếng nói được truyền lại cho các thế hệ tiếp nối, số còn lại chỉ được truyền lại rất ít, hoặc không được truyền lại do nhiều nguyên nhân khác nhau. Người ta thường chỉ thấy việc sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ trong những người già ở cộng đồng, trong gia đình.
Ở một số bộ phận người không phải dân tộc thiểu số họ có những thái độ và hành động kém văn minh là “khinh rẻ” đối với những người dân tộc thiểu số được gắn mác là “nhà quê”, là “tộc”. Khiến cho phần lớn người trẻ hiện nay khi ra ngoài không dám sử dụng ngôn ngữ dân tộc mình, thậm chí họ còn không công khai dân tộc của mình.
Anh Trần Đình Hiếu, một thanh niên người dân tộc Cao Lan cho biết: “Bản thân tôi có biết nói tiếng dân tộc mình nhưng ra ngoài tôi phải nói tiếng phổ thông. Đôi khi cũng bị một số người tỏ thái độ không thích khi nói mình là người dân tộc”.
Khi ngôn ngữ dân tộc thiểu số không còn được người trẻ coi là niềm tự hào thì việc duy trì và gìn giữ ngôn ngữ trong cộng đồng, thành phần dân tộc thiểu số gặp không ít khó khăn.
Bảo tồn và phát huy ngôn ngữ dân tộc thiểu số
Ngôn ngữ là linh hồn của dân tộc. Mất ngôn ngữ thì sự tồn tại của dân tộc cũng không còn. Vì vậy, việc bảo tồn, duy trì và phát huy vai trò, bản sắc ngôn ngữ các dân tộc thiểu số trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế thực sự đang đặt ra cho chúng ta trách nhiệm nặng nề. Chúng ta thực hiện tốt việc xây dựng chữ viết cho các ngôn ngữ có nguy cơ mai một, tiêu vong sẽ là một công việc hết sức có ý nghĩa để chia sẻ trách nhiệm đặt ra.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách cụ thể về việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tốc thiểu số. Trong đó có nhiều chính sách cụ thể liên quan đến bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết dân tộc.
Một số ngôn ngữ đang được sử dụng trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, các đài phát thanh và truyền hình địa phương như Khmer, Ê Đê, Gia Rai, Ba Na, Chăm, Mông, Thái, Xơ Đăng, Tày, Hà Nhì, H’rê,... Một số ngôn ngữ dân tộc thiểu số đã được sử dụng để in các tác phẩm văn nghệ truyền thống, các sáng tác mới, để biên soạn các từ điển đối chiếu song ngữ, các sách miêu tả ngữ pháp, các sách giáo khoa...
Bà Lý Thị Vi, người dân tộc Cao Lan vui mừng chia sẻ: “Tôi thấy rất vui vì thấy họ nói tiếng dân tộc mình trên truyền hình VTV5. Trước đây tôi rất lo lắng rằng người trẻ bây giờ sẽ không biết nói tiếng của dân tộc mình nữa. Nhưng có những chương trình, hy vọng nhiều người biết và giữ được tiếng nói dân tộc”.
Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện chính sách dạy và học ngôn ngữ dân tộc thiểu số cũng đã được triển khai nghiêm túc tại các trường phổ thông và bổ túc văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong cả nước. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng chương trình dạy song ngữ bằng 8 thứ tiếng dân tộc (gồm: Thái, Mông, Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng, Chăm, Khmer, Hoa, Ê Đê) cho các trường tiểu học, phổ thông dân tộc nội trú vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Có khoảng 30 tỉnh, thành đang tổ chức dạy học ngôn ngữ dân tộc thiểu số trong nhà trường. Đó là các chính sách bảo tồn và phát triển ngôn ngữ dân tộc. Tuy nhiên, để bảo tồn ngôn ngữ của các tộc người thiểu số thì trước hết chính người dân phải truyền dạy ngôn ngữ cho con em mình.
Nếu ngay từ trong gia đình mà cha mẹ, ông bà không có ý thức gìn giữ ngôn ngữ, duy trì việc sử dụng hàng ngày cho con cháu, thì không chính quyền hoặc nhà nghiên cứu nào có thể giúp bà con làm sống lại ngôn ngữ của dân tộc mình được.