Ngư dân khổ vì luồng lạch bị bồi lấp

(PLO) - Thời gian qua, ngư dân có tàu cá neo đậu tại nhiều cảng cá các tỉnh miền Trung thường xuyên khốn đốn vì luồng lạch, cửa biển bị bồi lấp khiến tàu mắc kẹt, không thể xuất bến, vào bến rồi bị sóng đánh chìm. Còn ngư dân những địa phương có cảng cá, cửa biển được đầu tư nạo vét, xây kè thì đau đáu câu hỏi: bao giờ luồng lạch được khơi thông? 
Cảng cá bị bồi lấp nên ngư dân rất vất vả mỗi lần ra khơi
Cảng cá bị bồi lấp nên ngư dân rất vất vả mỗi lần ra khơi

Ngư dân khốn đốn vì luồng lạch bị bồi lấp

Nhiều ngày qua, tại bờ nam hạ lưu sông Ba gần cửa biển Đà Diễn xuất hiện một luồng cát dài khoảng 400m nổi trên mặt nước, cắt ngang con lạch, cửa ngõ ra vào cảng cá Đông Tác, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên làm hơn 200 tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân không thể ra khơi.

Ngày 16/2/2017, Trung úy Phạm Văn Huân - Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Đà Rằng (Đồn BP Tuy Hòa, BĐBP Phú Yên) cho biết: “Hơn nửa tháng qua, dù đã sắm sửa đầy đủ cho chuyến biển và sắp xếp lao động sẵn sàng ra khơi mùa biển mới 2017 song hàng nghìn ngư dân đánh bắt xa bờ ở phố Đông Tác (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) vẫn phải nằm bờ.

Để mở đường cho tàu thuyền ra khơi, UBND TP Tuy Hòa đã huy động doanh nghiệp Bảo Châu thực hiện việc hút cát, nạo vét luồng lạch từ cảng cá Đông Tác ra cửa biển Đà Diễn. Nhưng do máy hút nhỏ, sức hút yếu nên việc khơi thông luồng lạch khá chậm. Thêm nữa, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, biển có sóng to, gió lớn nên ban ngày nạo vét được bao nhiêu thì đêm xuống sóng tràn vào kéo cát ra biển và bồi lấp mạnh trở lại”.

Sau nhiều ngày triển khai nạo vét, đến nay, đơn vị thi công đã tạo một luồng tàu tạm thời, rộng khoảng 40m, sâu từ 3,5 đến 4m, dài hơn 300m... Còn khoảng 100 mét nữa là khơi thông con lạch song tại thời điểm thủy triều cao nhất, ở vị trí bị bồi lấp, mớn nước cao chưa đến một mét, trong khi đó để vượt qua khỏi cảng Đông Tác, tàu cá đã lấy vật tư cần mớn nước sâu trên 2m nên các con tàu vẫn chưa thể ra khơi trong vài ngày tới.

Một số chủ tàu sốt ruột đã đánh liều, đưa tàu không trọng tải sang phía kè Bạch Đằng để lấy vật tư kịp chuyến biển. Các ngư dân còn lại tiếp tục ăn chực, nằm chờ đợi luồng khai thông. Để chuẩn bị cho chuyến biển, mỗi tàu cá phải đầu tư từ 90 đến 120 triệu đồng mua dầu, nước đá, thức ăn, nước uống chi phí cho chuyến biển. Nay tàu nằm lại, ngoài chi phí ăn uống sinh hoạt của ngư dân, thực phẩm lâu ngày bị hư hỏng thì các tàu còn phải mua thêm đá lạnh bổ sung nên thiệt hại khá lớn. 

Nhiều năm qua, cửa biển Đà Diễn (ở phường 6, TP Tuy Hòa) liên tục bị dịch chuyển và bồi lấp cát bởi sóng biển đánh vào, nhất là vào mùa đông hàng năm. Do cửa biển bị bồi lấp mạnh nên không chỉ cảng cá Đông Tác mà luồng lạch và cảng cá phường 6 cũng bị cát lấp cạn khiến tàu thuyền không thể ra vào. Từ năm 2014, UBND tỉnh Phú Yên đã phối hợp với doanh nghiệp Bảo Châu tiến hành hút cát, khơi thông cửa biển và luồng lạch vào cảng cá phường 6.

Với việc hút cát và thông cảng này, hoạt động của tàu thuyền ra vào cảng cá phường 6 mọi năm trước luôn đều đặn, ít khi bị gián đoạn. Riêng năm nay, do không có mưa lớn đầu nguồn đổ về nên cửa biển Đà Diễn chỉ nhận cát từ sóng biển đưa vào nên bồi lấp ngày thêm nặng nề. Vấn đề này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất và việc làm của người dân địa phương. 

Cũng như các năm trước, việc xử lý cửa biển được thực hiện bằng cách hút doi cát bồi lấp. Và cũng giống như những năm trước, cửa biển chỉ tạm ổn vài ngày, sau đó cát lại tiếp tục bồi lấp, cửa biển vẫn tiếp tục thay đổi. Cảng cá Đông Tác và cảng cá phường 6 là hai cảng cá lớn nhất tỉnh Phú Yên. Theo các ngư dân, việc nạo vét cát thông luồng lạch chỉ là giải pháp tạm thời để khẩn trương giải phóng, đưa tàu thuyền ra khơi. Về lâu dài, cần xây kè kiên cố, chứ không thể hút cát mãi dẫn đến nhiều hệ lụy.

Bao giờ luồng lạch được khơi thông?

Không chỉ ngư dân Phú Yên mà ngư dân ở nhiều địa phương khác tại các tỉnh miền Trung cũng lao đao vì luồng lạch, cảng cá, cửa biển bị bồi lấp. Cuối tháng 12/2016, hàng trăm mét bờ biển Cửa Đại - Hội An tiếp tục sạt lở. Hàng ngàn ngư dân địa phương và các vùng lân cận tỉnh Quảng Nam không thể ra khơi vì cửa biển Cửa Đại bị cát bồi lấp nghiêm trọng.

Tình trạng bồi lấp thường kéo dài từ tháng 2 đến tháng 9 hàng năm cũng khiến hàng nghìn tàu cá của ngư dân không thể ra vào hoặc thường xuyên bị mắc cạn khi cố ra vào cảng cá Cửa Tùng, tỉnh Quảng Trị. Cửa biển Tư Hiền (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) được Bộ Xây dựng gia hạn thời gian nạo vét nhiều lần nhưng sau 3 năm triển khai, đến nay Công ty CP Khai thác sản xuất khoáng sản 55 vẫn chưa hoàn thành nạo vét cửa biển này dẫn tới tình trạng hàng nghìn tàu cá bị “giam” trong bến do cửa biển bị bồi lấp. 

Do không được tổ chức nạo vét thường xuyên nên luồng lạch ra vào cảng Thuận An, huyện Phú Vang và một số luồng ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày càng bị bồi lấp nghiêm trọng, khiến tàu thuyền ra vào khó khăn. Đặc biệt, tại xã Lộc Vĩnh, nhiều tàu thuyền của ngư dân thường xuyên mắc cạn hoặc bị sóng biển đánh chìm...

Những năm trước, luồng lạch vào cảng Thuận An là nơi ra vào tấp nập của hơn 1.000 tàu, thuyền lớn nhỏ ở các xã Phú Hải, Phú Thuận, Phú Diên (huyện Phú Vang)... và các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Từ năm 2010 đến nay, sau những lần được Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức nạo vét, luồng cảng này dần bị bồi lấp khiến tàu cá ra vào cảng thường xuyên đối mặt với sự mất an toàn.

Đã có rất nhiều trường hợp tàu cá vào đến cửa biển nhưng không thể cập cảng Thuận An phải quay ra cập cảng Chân Mây (huyện Phú Lộc) hoặc cảng Đà Nẵng, chi phí đánh bắt, vì thế bị đội lên rất cao. Cảng Thuận An được xây dựng với công suất xếp dỡ hàng hóa khoảng 400.000 tấn/năm nhưng theo thống kê của Công ty cổ phần Cảng Thuận An thì vài năm trở lại đây chỉ đạt khoảng 60.000 tấn/năm. Nguyên nhân là do tàu có trọng tải từ 600 đến 1.000 tấn không thể cập cảng vì luồng cảng quá cạn.

Theo các ngư dân, việc nạo vét luồng lạch phải rộng, cát nạo vét từ luồng cảng không nên đổ ra cửa biển như thời gian qua mà phải đổ ở vị trí khác và xa hơn, vì đổ trước cửa biển như vậy cát sẽ bị sóng đánh lấp vào luồng chạy tàu như cũ... Mặt khác, hai bên bờ biển phía thị trấn Thuận An và xã Hải Dương phải được kè chống sạt lở...

Đọc thêm