“Ngược sáng” từ những phiên tòa xử lưu động

(PLO) - Không ai có thể phủ nhận tính tích cực của hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các phiên tòa xét xử lưu động. Tuy nhiên, không phải phiên tòa xử lưu động nào cũng đạt được hiệu quả mong muốn. Vì vậy, quan điểm về việc nên hay không nên đưa các vụ án ra xét xử lưu động là rất khác nhau.
Bị cáo Vi Văn Hai trong phiên xử lưu động tại nhà văn hóa huyện

Hiệu quả trong tuyên truyền pháp luật trực quan

Thực tế xét xử lưu động (XXLĐ) cho thấy, đây là một trong những hình thức tuyên truyền pháp luật trực quan, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, được nhiều người dân quan tâm. Chẳng hạn như vụ XXLĐ tại Nhà văn hóa huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, diễn ra vào cuối tháng 9/2015 với sự tham dự của hàng trăm người dân trong và ngoài địa phương đã đến phiên tòa.

Bị cáo là Vi Văn Hai (còn gọi là Vi Văn Mằn), thủ phạm gây ra vụ thảm sát khiến 4 người trong một gia đình tử vong tại bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Hàng ngàn người dân theo dõi phiên tòa đã bày tỏ thái độ đồng tình với quyết định của phiên XXLĐ. 

Hay phiên tòa XXLĐ vụ án “Cố ý gây thương tích” vì một cái nhìn “đểu” được TAND huyện Kbang tổ chức tại thị trấn Kbang (tỉnh Gia Lai) - nơi xảy ra vụ án. Từ lời khai nhận và những lời hối lỗi muộn màng của các bị cáo, bị hại tại phiên tòa đã để lại nhiều điều suy ngẫm cho người xem, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên.

Em Lê Tuấn Dũng (thị trấn Kbang, huyện Kbang) chia sẻ: “Qua việc xem phiên tòa XXLĐ các bị cáo về tội cố ý gây thương tích, em rút ra được nhiều điều. Các bị cáo và bị hại đồng trang lứa nhau nhưng vì nóng giận, xử lý mâu thuẫn bằng bạo lực dẫn đến việc bị thương và làm tổn hại đến nhau. Nếu mà biết kiềm chế, xử sự khéo léo thì sẽ không đến nỗi vậy”.

“Phản tác dụng”

Tuy nhiên, liệu có phải những vụ án được tòa án mang ra XXLĐ đều đảm bảo tăng tính giáo dục, răn đe hay không, đặc biệt là những vụ án có nhiều tính tiết rùng rợn, kinh hoàng, đẫm máu. Điển hình là 2 vụ án gây chấn động dư luận xã hội thời gian gần đây khi ngày 17/12/2015, TAND tỉnh Bình Phước đưa ra XXLĐ 3 bị cáo trong vụ thảm án làm 6 người trong gia đình ông Lê Văn Mỹ ở xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành chết thảm.

Trước đó, ngày 28/10/2015, TAND tỉnh Yên Bái cũng đã XXLĐ Đặng Văn Hùng (SN 1989, trú tại thôn 16, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) - kẻ đã dùng dao giết hại 4 người trong cùng gia đình ở thôn 16, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Hai phiên tòa diễn ra với sự chứng kiến của hàng nghìn người. 

Xét xử giữa trời nắng chang chang, giữa bãi đất trống, bụi bặm thì tính uy nghiêm của phiên tòa không cao. Các phiên XXLĐ có cả trẻ em cũng đi xem, những vụ án như giết người ở Bình Phước ảnh hưởng rất không tốt đến trẻ em. Không những thế, có cả thông tin cho rằng có gia đình còn “chạy chọt” để con em mình không bị đem ra XXLĐ. Đáng buồn hơn là một bị can ở Quảng Ngãi đã tự tử vì xấu hổ khi nhận được quyết định phiên tòa sẽ XXLĐ.

Sự việc hy hữu trên xảy ra tại huyện Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam). Trước đó, ngày 20/12/2013, TAND huyện Phú Ninh XXLĐ vụ án cưỡng đoạt tài sản đối với bị can Nguyễn Thanh K (trú tại thôn Đại An, xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam). Trong quá trình xảy ra vụ án thì gia đình và bản thân anh K đã tích cực khắc phục hậu quả cho bị hại, thành khẩn khai báo… nên bị can K được tại ngoại để chờ ngày xét xử.

Cho đến chiều 19/12/2014, trước một ngày xét xử, UBND xã Tam Đại đã thông báo rộng rãi trên hệ thống truyền thanh về việc XXLĐ để bà con nhân dân đến xem. Do xấu hổ trước việc bị XXLĐ, rồi áp lực từ gia đình, anh K đã uống thuốc độc tự tử trước sự bàng hoàng và đau xót của gia đình khi mới 25 tuổi.

Hay không ít người giật mình trước thông tin vụ án dâm ô với trẻ em của Đỗ Văn Nam (bảo vệ Trường Tiểu học bán trú La Pan Tẩn, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) có thể sẽ được đưa ra XXLĐ nhằm răn đe người phạm tội, phòng ngừa chung.

Chưa biết hiệu quả, ý nghĩa của việc răn đe đến đâu, nhưng nỗi lo lắng của nhiều người làm cha, làm mẹ về việc XXLĐ sẽ gợi nhớ lại những nỗi đau cho con em họ, gây mặc cảm không tốt cho người bị hại không hẳn là không có lý.

Đọc thêm