Sau những lần rình mò ghi lại được những hình ảnh, tìm được chứng cứ để tố giác vi phạm của Trạm xử lý rác thải nguy hại tại bãi rác Đông Thạnh. Kết quả bãi rác Đông Thạnh đã có lệnh di dời, thế nhưng nỗi lo người dân về căn bệnh ung thư xảy ra trên diện rộng ở địa phương này.
20 năm theo dõi, tố cáo
Câu chuyện về người đàn ông hơn 20 năm theo giỏi “sát” bãi rác Đông Thạnh được lan rộng ở khắp xã Đông Thạnh. Bởi từ xưa đến nay, khi bãi rác Đông Thạnh bắt đầu đi vào hoạt động là ông Trần Văn Ước bắt đầu cuộc hành trình “giám sát” rồi đi khiếu kiện vì bãi rác này có “tiêu thụ” những loại hóa gây ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.
Căn nhà cấp 4 của ông Ước nằm sát với cổng chính bãi rác Đông Thạnh, xung quanh được bọc bởi lớp bạc cũ đã phai màu.
Trong căn nhà chật hẹp, tiếp chuyện với chúng tôi, ông chỉ thẳng tay vào đống giấy tờ, ông bảo: “những thứ giấy này là đơn tố cáo, đơn khiếu kiện của tôi đi kiện bãi rác cũng như những tờ báo viết về bãi rác đang gây ô nhiễm mà tôi thu thập được”.
Theo lời kể của ông, Năm 1990 khi bãi rác Đông Thạnh bắt đầu đi vào hoạt động, khi thấy có những biểu hiện vi phạm môi trường ông đã bắt thu thập chứng cứ vi phạm của bãi rác.
“Khi thấy bãi rác được xây dựng trong khu vực có nhiều dân cư tôi đã bắt đầu kiến nghị với cơ quan chức năng nhưng không có ai nghe cả, họ còn nói tôi bị “khùng”, rồi mọi người gán cho tôi bị thần kinh, không ai nghe ý kiến của tôi cả”, ông Ước nói.
Năm 1994, sau khi nhiều người dân nơi đây kiến nghị về vấn đề ô nhiễm môi trường thì chính quyền địa phương cho bãi rác đóng cửa. Tưởng chừng như bãi rác đã “chết” vĩnh viễn, thế nhưng chưa đầy một năm sau bãi rác Đông Thạnh lại đi vào hoạt động mạnh hơn.
Sau khi được mở cửa trở lại, bãi rác này mạnh dạng đưa gia súc, gia cầm những đợt dịch bệnh, xà bần, những hóa chất công nghiệp đêm chôn xuống lòng đất.
Không chỉ dừng lại ở việc chôn gia súc gia cầm sống, đối với những loại rác thải có thể đốt được, bãi rác này còn dùng cách đốt rác thải ngoài trời khiến khu vực dân cư bị ô nhiễm nặng.
“Ở đây bãi rác hoạt động ngày đêm, mỗi khi thấy khói lên nguồn ngụt là biết họ đang đốt rác thải ngoài trời. Mỗi lần khói lên như vậy cả xóm phải bịt khẩu trang”. Ông Ước cho Biết.
Năm 5/2003 sau khi về hưu, chứng kiến cảnh bãi rác hoạt động mạnh, rầm rộ hơn nên ông Ước cùng một số người dân địa phương viết giấy kiến nghị lên cơ quan chức năng đòi di dời bãi rác đi nơi khác. Nhưng qua thời gian, ông chỉ nhận được tờ giấy phản hồi sẽ có khắc phục và di dời nhưng không thấy thực hiện.
Là người dân sống gần bãi rác, nắm rõ hoạt động hoạt động của bãi rác trong lòng bàn tay, thấy được sự gian trá của ban quản lí bãi rác. Cũng đã nhiều lần cơ quan chức năng về vấn đề ô nhiễm, thế nhưng khi cơ quan chức năng đến kiểm tra thì chuyện đâu lại vào đó, mọi hoạt động của bãi rác đi vào hoạt động như khuôn phép.
Những chuyến xe chạy vào bãi rác |
Ông Ước Kể: “nhiều lần tôi kiến nghị, viết đơn kêu cứu mà không có chứng cứ nên không có ai tin. Từ đó tôi đầu tư cái máy ảnh nhờ đứa con trai tôi chỉ cách chụp ảnh rồi tôi dùng cái máy đó chụp lại những hình ảnh vi phạm về môi trường của bãi rác này gửi lên cho cơ quan chức năng”.
Theo lời ông Ước, ông phát hiện bãi rác có chôn những chất độc hại, hóa chất hữu cơ, những chất gây độc hại nhất như ung thư. Ông cố ghi lại những hình ảnh những chiếc xe chở rác thải và ghi lại cảnh chôn rác thải để độc hại để trình báo cơ quan chức năng.
Trong một lần ông bị tai nạn gãy một chân, không thể đi vào bãi rác được, ông phải nhờ đứa con gái út Trần Thị Xuần Hòa (13 tuổi) khi đó mới 11 tuổi đóng giả đứa bé giữ bò đi vào làng chụp lại cảnh hoạt động sai trái của bãi rác. Khi vào bãi rác Hòa cố gắng núp sau những bụi cây, người chụp ảnh chụp được những chiếc xe trút hóa chất rắn xuống hố sâu hơn 20m để “thủ tiêu” số hóa chất gây hại nhằm thu lợi từ phí tiêu hủy hóa chất độc hại.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thu (53 tuổi, vợ của ông Ước), cho hay “ở đây, bữa nay ít xe chở rác qua lại rồi. Chứ hồi Bí Thư Thăng chưa về đây thì mỗi ngày có hàng trăm chiếc xe chở rác thải qua lại. Khi dừng ở hè chúng tôi phải đeo theo khẩu trang mới không "nghe" mùi, còn không là mùi hôi thối xộc thẳng vào mũi".
Đầu năm 2016, sau khi những hình ảnh và chứng cứ của ông Ước cung cấp cho cơ quan chức năng về hoạt động gây ô nhiễm của bãi rác Đông Thạnh. Qua kiểm tra và trực tiếp nắm bắt tình hình, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã chỉ đạo trực tiếp về việc di dời bãi rác Đông Thạnh ra khỏi vùng dân cư.
100 năm sau có hết độc không?
Mặc dù có lệnh di dời như những người dân ở khu vực xã Đông Thạnh vẫn luôn trong tình trạng lo sợ vì căn bệnh ung thư đang càn quét một số địa phương trong xã. Tại một số nơi quanh bãi rác Đông Thạnh đã nhiều hộ gia đình bỏ đi nơi khác sinh sống, số còn lại vì không có đủ kinh tế khi ra nơi khác sinh sống nên vấn bám trụ lại mãnh đất đã cắm dùi.
“Sau khi có chỉ đạo di dời bãi rác Đông Thạnh của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng về di dời bãi rác đi nơi khác nên xe chở rác đi vào bãi rác có giảm nhiều rồi, chứ giống như 2 năm trước thì người dân nơi đây có mà bỏ đi hết.
Lúc trước mỗi buổi sáng tôi vừa mở cửa ra thì đã thấy những chiếc xe chở rác xếp hàng nối đuôi nhau đi vào bãi rác. Trên thùng xe có những khe hở, nước rò rỉ ra bốc mùi hôi thối vô cùng, những lúc ấy gia đình tôi chỉ biết đóng cửa kín bít. Thấy những chiếc xe có chở những chất rắn lạ nên tôi dùng máy ghi hình lại rồi gửi cho cơ quan chức năng”, ông Ước phân trần.
Bà Thu cho biết: “Nằm trong vùng không có nước máy, phải sử dụng nước giếng để sinh hoạt. Lo sợ căn bệnh ung thư nên mỗi ngày gia đình bà phải mua 3 bình nước lọc (mỗi bình 21 lít) để nấu ăn.
Những ngày mà có đám tiệc cũng phải dùng tới vài chục bình nước lọc, số tiền bỏ ra dùng nước bình nhiều hơn số tiền đi chợ một ngày của gia đình bà”.
Cổng vào bãi rác Đông Thạnh |
Cũng theo ông Ước, điều đáng lo ngại nhất là toàn bộ khu dân cư này đang sử dụng nguồn nước giếng khoan ở độ sâu chỉ 30 - 40 m. Những loại chất thải có chứa chất ung thư được chôn vùi xuống hố cũng sâu hơn 20m, cho nên hóa chất sẽ hòa tan vào nước gây nguy hại cho người dùng.
Thêm vào đó người dân ở đây còn sử dụng nước giếng để sinh hoạt như tắm giặt cho nên nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.
Hiện nay bãi rác đã có lệnh di dời, nhưng những hệ lụy từ bãi rác để lại rất lớn. Do bãi rác Đông Thạnh nằm trong vùng hạ lưu sông Rạch tiếp xúc với sông sài Gòn. Một bên là bãi rác Đông Thạnh (Hóc Môn, TPHCM).
Một bên là bãi rau muống hàng ngàn héc ta, xen kẽ khu dân cư Bình Mỹ( huyện Củ Chi) sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khá nhiều kết hợp với những chất độc hại được chôn sâu hơn 20m dưới lòng đất sẽ gây ô nhiễm nguồn nước sông Sài Gòn.
“Những chất độc hại khi chôn vùi vào lòng đất hơn 20 năm thử hỏi 100 năm sau có hết độc không?”, Ông Ước lo lắng.
UBND TP. HCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Chi cục Bảo vệ môi trường quan trắc và giám sát chặt chẽ chất lượng môi trường: không khí, đất, nước thải, nước dưới đất… trong quá trình hoạt động của Trạm xử lý chất thải nguy hại tại bãi rác Đông Thạnh và khu vực xung quanh cho đến khi chấm dứt hoạt động và di dời Trạm này.
Kết quả quan trắc phải được định kỳ công khai cho chính quyền địa phương và người dân khu vực xung quanh biết để giám sát.
Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Thành phố hoàn chỉnh đề án di dời Trạm xử lý chất thải nguy hại, trình UBND. TP HCM trong tháng 6/2016.