Người cao tuổi không có lương hưu có được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang lấy ý kiến đóng góp với Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Theo dự thảo, người dân không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) hàng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước đảm bảo.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sự cần thiết xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi

Theo Bộ LĐ-TB&XH, Luật BHXH 2014 sau 6 năm thi hành đã khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ BHXH theo nguyên tắc đóng - hưởng, đáp ứng nguyện vọng đông đảo của người lao động (NLĐ), bảo đảm an ninh xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật BHXH 2014 cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập.

Cụ thể, diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH trên thực tế còn thấp; các quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, NLĐ trong thực hiện pháp luật về BHXH vẫn còn khoảng trống. Quy định về thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu chưa phù hợp với thực tế tham gia BHXH và nhu cầu hưởng lương hưu của NLĐ.

Đồng thời, tính tuân thủ về pháp luật về BHXH còn thấp, vẫn còn tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH; một số chế độ BHXH chưa được quy định để tăng sự hấp dẫn của BHXH; mức hỗ trợ của một số chế độ, chính sách còn chưa hấp dẫn…

Bên cạnh đó, tại Nghị quyết 28-NQ/TW đặt ra yêu cầu xây dựng hệ thống BHXH đa tầng gồm: trợ cấp hưu trí xã hội; BHXH cơ bản; bảo hiểm hưu trí bổ sung. Tuy nhiên, Luật BHXH 2014 mới chỉ có quy định về tầng BHXH cơ bản và tầng bảo hiểm hưu trí bổ sung, chưa có quy định về tầng trợ cấp hưu trí xã hội, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng còn hẹp so với yêu cầu của Nghị quyết 28-NQ/TW.

Cũng tại Nghị quyết 27-NQ/TW quy định sẽ bãi bỏ “mức lương cơ sở” khi thực hiện chính sách tiền lương mới. Tuy nhiên, trong Luật BHXH 2014 hiện hành có đến 11 nội dung liên quan gắn với “mức lương cơ sở”. Do đó, cần phải được nghiên cứu sửa đổi để thể chế hóa Nghị quyết 27-NQ/TW.

Sau khi Luật BHXH 2014 được ban hành, một số luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua với nhiều nội dung bổ sung liên quan đến Luật BHXH 2014 như chính sách hưởng BHXH một lần; lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu; quy định về chế độ tai nạn lao động… dẫn đến yêu cầu phải sửa đổi Luật BHXH để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, hiện xu hướng các quốc gia đều thúc đẩy các hoạt động đàm phán, ký kết Hiệp định song phương về BHXH nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi NLĐ, khắc phục bất cập trong việc đóng trùng BHXH ở cả hai quốc gia.

Luật BHXH hiện hành còn thiếu các quy định để tạo thuận lợi hoạt động đàm phán và thực thi Hiệp định, cũng như có đủ quy định pháp lý cho NLĐ Việt Nam tham gia thị trường lao động quốc tế được thực hiện quyền, nghĩa vụ và hưởng chế độ BHXH tích lũy từ quá trình lao động. Từ những vấn đề nêu trên, việc đề xuất sửa đổi Luật BHXH 2014 là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng/người/tháng

Trong dự thảo, điểm đáng chú ý là Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa đổi chương III về trợ cấp hưu trí xã hội. Dự thảo nêu rõ, trợ cấp hưu trí xã hội là chính sách mà ngân sách Nhà nước cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc BHXH hằng tháng khác. Theo đó, cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung quy định công dân Việt Nam từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước đảm bảo.

Dự thảo nêu rõ, đối tượng đáp ứng đủ điều kiện được hưởng mức trợ cấp bằng 500.000 đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Về trợ cấp mai táng, người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội chết thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng; mức trợ cấp mai táng bằng 10 triệu đồng. Thời điểm hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng của đối tượng đáp ứng đủ điều kiện nêu trên là kể từ tháng người đó đủ điều kiện và đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Chính phủ quy định việc điều chỉnh mức trợ cấp trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, đối với đối tượng là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội theo quy định mà có thời gian đóng BHXH, nếu có nguyện vọng thì sẽ được hưởng trợ cấp hằng tháng trong khoảng thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Thời gian hưởng, mức trợ cấp hằng tháng tùy thuộc vào tổng thời gian đóng, căn cứ tháng đóng BHXH của NLĐ.

Mức trợ cấp hằng tháng được tính bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội 500.000 đồng/người/tháng. Trường hợp tính mức trợ cấp hằng tháng bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội cho khoảng thời gian từ khi đủ tuổi nghỉ hưu đến khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội mà vẫn chưa hết tổng số tiền tính thời gian đóng, căn cứ tháng đóng BHXH của NLĐ thì sẽ tính để NLĐ được hưởng trợ cấp hằng tháng với mức cao hơn. Đối với trường hợp NLĐ đang hưởng trợ cấp hằng tháng mà chết thì thân nhân của NLĐ được hưởng trợ cấp một lần cho những tháng chưa được nhận và được hưởng trợ cấp mai táng nếu đủ điều kiện quy định. Trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng, NLĐ được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách Nhà nước đảm bảo.

Đọc thêm