Người cao tuổi “xung trận” chống dịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong những người xung phong lên tuyến đầu chống dịch có không ít tấm gương người cao tuổi. Tuổi cao, nhưng trái tim nhiệt huyết của họ vẫn mách bảo rằng họ không thể đứng ngoài trong “cuộc chiến” với dịch bệnh.
Nhiều người cao tuổi, cán bộ về hưu tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch ở Hà Nội.
Nhiều người cao tuổi, cán bộ về hưu tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch ở Hà Nội.

“Hãy tới đó, nơi tâm dịch, làm điều tử tế”

Tháng 5/2021, khi dịch bệnh bùng phát ở Bắc Giang, nhiều người biết đến lá đơn tình nguyện gia nhập đội quân chống dịch COVID-19 xung phong tới tỉnh Bắc Giang và bài thơ 4 câu đầy cảm động của bác sĩ Nguyễn Văn Trang (78 tuổi), nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện huyện Thanh Chương, Nghệ An.

Lá đơn được bác sĩ Trang viết có đoạn: “Tôi muốn gia nhập đoàn quân áo trắng đồng nghiệp của tôi bằng tâm huyết cao mong về già còn làm thêm được việc có ích cho xã hội. Đặt tay lên trái tim mình, nghe trái tim mách bảo: Hãy sống bằng trách nhiệm, tình thương, đừng bao giờ vô cảm trước mọi sự bất hạnh. Hãy tới đó, nơi tâm dịch, làm điều tử tế. Nếu được chuẩn y tôi coi đó là vinh dự lớn cho bản thân và gia đình”.

Được biết, bác sĩ Nguyễn Văn Trang tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, từng nhiều năm đảm nhiệm chức vụ Trưởng khoa nội nhi, Bệnh viện huyện Thanh Chương. Hiện nay, mặc dù đã 78 tuổi nhưng hiện sức khỏe rất tốt, minh mẫn. Hàng ngày ông vẫn tham gia các hoạt động công tác xã hội, tham gia khám chữa bệnh cho người dân.

Thời điểm thành phố Đà Nẵng bùng dịch vừa qua, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng cho biết, hàng chục lá đơn xung phong chống dịch từ đội ngũ y, bác sĩ về hưu đã gửi sau lời kêu gọi hỗ trợ từ Giám đốc Sở Y tế thành phố. Mỗi lá đơn của một bác sĩ về hưu là một nguyện vọng tham gia nơi tuyến đầu để cứu chữa các ca bệnh COVID-19 nặng, hỗ trợ điểm tiêm chủng và bệnh viện dã chiến. Có những bác sĩ tuổi cao, mang bệnh tiểu đường, rối loạn mỡ máu vẫn xung phong đăng ký và đề nghị bố trí công việc phù hợp.

“Tôi muốn trực tiếp tham gia vào hồi sức cấp cứu, chữa trị các ca bệnh nặng để sẻ chia cùng đồng nghiệp. Tôi vẫn biết mình chỉ là một hạt cát nhỏ trong cuộc chiến tổng lực này, nhưng tôi biết quanh đây, ngay trong thành phố này, có rất nhiều y, bác sĩ đã sẵn lòng xông pha. Biết đâu khi nhiều hạt cát nhỏ hợp lại sẽ mang tới bất ngờ lớn trong cuộc chiến này” - bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng (56 tuổi), người xếp đầu danh sách đăng ký bày tỏ.

Gương sáng người cao tuổi

Thủ đô Hà Nội vừa trải qua những ngày tháng chống dịch căng thẳng. Trong những ngày tháng đó, người dân cả thành phố đã đồng lòng với nhiều con người, nhiều câu chuyện cảm động để mang lại sự bình yên cho cộng đồng. Và trong số những con người đó, có không ít tấm gương là người cao tuổi, những người ông, người bà làm gương sáng cho con cháu mình.

Bà Nguyễn Thị Cúc (70 tuổi, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có 8 người cháu thì có 4 cháu tham gia chống dịch. Cùng 4 cháu nội tham gia các hoạt động trực chốt tại địa phương, bà Cúc cho biết bà luôn dạy các cháu mình biết chia sẻ với cộng đồng và sống có trách nhiệm với bản thân và xã hội.

Bà Cúc vốn là cựu thanh niên xung phong, chồng là thương binh đã mất cách đây 30 năm. Một mình bà nuôi ba con trai khôn lớn, trưởng thành. Suốt 10 năm làm từ thiện, là Tổ trưởng Tổ tán trợ phường Cổ Nhuế 1, bà Cúc đã cùng các chị em nấu hàng nghìn suất cháo cho các bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện E, quyên góp hàng trăm tấn quần áo cho trẻ em và người dân tộc thiểu số.

Kinh doanh nhà trọ, khi đại dịch ập đến, chứng kiến những người thuê trọ gặp nhiều khó khăn, gia đình bà Đỗ Thị Thảo ở tổ 14, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy cũng đã chủ động miễn giảm tiền thuê căn hộ cho sinh viên, công nhân, người lao động ngoại tỉnh bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Số tiền miễn giảm từ 50-100% mức phí thuê trọ hàng tháng.

Không những thế, vợ chồng bà còn tham gia vận động người thân, người thuê trọ chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh, thực hiện cam kết “ai ở đâu yên ở đấy” nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh, giữ “vùng xanh” an toàn, tích cực tham gia ủng hộ ban chỉ đạo phòng chống dịch, mua khẩu trang tặng tuyến đầu chống dịch, hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu cho người thuê trọ. Trong 2 năm 2020 và 2021, gia đình bà Thảo đã hỗ trợ người nghèo gần 240 triệu đồng…

Có thể nói tấm gương những bác sĩ về hưu, những cụ ông, cụ bà trên cuộc chiến chống “giặc Covid” trên đây đã và đang là một minh chứng rõ nét nhất cho truyền thống “cây cao, bóng cả” của người cao tuổi trong dòng chảy lịch sử dân tộc Việt Nam.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm