Cha bị lạc sau đám cưới con
Trở về đoàn tụ cùng gia đình sau 15 tháng “mất tích” vào đúng dịp cuối năm 2020 khiến niềm vui của ông Hồ Hữu Quang (SN 1964, ngụ xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) càng lớn hơn. Ông bảo, sau thời gian sống ở nơi xa lạ, nhớ gia đình, quê hương, đồng ruộng…cuối cùng đã được trở về ngôi nhà thân yêu.
Nhắc lại chuyện “mất tích” khiến gia đình lo lắng, dư luận làng quê xôn xao, ông Quang buông tiếng thở dài. Người đàn ông này kể, một ngày giữa tháng 11/2019, ông cùng vợ và mấy người thân bắt xe khách từ Nghệ An vào miền Tây tham dự đám cưới con gái. Ngày 15/11/2019, cả gia đình ông lên xe khách để vào TP HCM. Sau đó, họ tiếp tục bắt thêm một chuyến xe khác để xuống phường 3, TP. Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) – quê con rể.
Cần nói thêm, vì không muốn con gái lấy chồng xa nên ông Quang không được vui. Cũng vì u sầu nên khi hôn lễ đang diễn ra, do tâm lý không tốt nên ông ra khỏi rạp cưới với mục đích bắt xe khách về quê. Nhưng ông không ngờ, do lạ nước lạ cái, không mang di động và cũng không nhớ số điện thoại ai trong gia đình nên ông bị thất lạc. Việc chồng, cha mình bị mất tích ở nơi xa lạ khiến người thân hoảng loạn, tìm kiếm khắp nơi nhưng không được.
Ông nhớ lại, quá trình di chuyển từ nhà con rể đến bến xe Cần Thơ, trong người chỉ còn vỏn vẹn 150 nghìn đồng. “Khi ra bến xe, tôi đi lòng vòng tìm xe quen để về Nghệ An nhưng không thấy. Vì không nhớ số điện thoại của ai nên tôi chỉ biết ngồi chờ đợi ở bến xe suốt 3 ngày liền. Khi tiền trong người hết, tôi buộc phải vào ngôi chùa gần bến xe xin giúp đỡ. Được nhà chùa cho 150 nghìn đồng, tôi ra khỏi bến xe định bụng gặp xe nào thì xin về quê nhưng đi chưa đến 1 km thì được một số người hỏi thăm. Sau khi biết tôi không có giấy tờ cá nhân, họ đưa vào một trung tâm. Sau này, tôi mới biết đó là Trung tâm bảo trợ xã hội Cần Thơ”, ông Quang nhớ lại.
Ông Hồ Hữu Quang chia sẻ về thời gian bị lạc tận miền Tây. |
Cũng theo lời người đàn ông này, tại đây, ông đã khai báo tên tuổi, địa chỉ, quê quán cho trung tâm với mong muốn nhanh được trở về quê. Nhưng do số điện thoại liên hệ của chính quyền xã Quỳnh Thanh thay đổi nên việc xác định quê quán, thân nhân cho ông gặp khó khăn. Đó là nguyên nhân khiên ông phải ở lại trung tâm thời gian dài. Ông Quang kể, trong thời gian ở tại trung tâm, dù được cán bộ chăm sóc chu đáo nhưng bản thân luôn nhớ về quê hương. Nhất là đến dịp Tết, nỗi buồn càng lớn hơn, ông nhớ cái tết ấm cúng của quê hương mình, nhớ vợ con, làng xóm.
Hơn 1 năm bị lạc, dù luôn dặn lòng mình lạc quan, đợi ngày đoàn tụ cùng gia đình nhưng ông Quang không tránh khỏi nỗi nhớ nhung. Ông tâm sự, nhiều đêm đã rơi nước mắt vì nhớ nhà, nhớ vợ con, quê hương, ruộng đồng. Trước ngày lên đường đi đám cưới con, ông còn mong nhanh được trở về làm đất, gieo mạ cho kịp thời vụ, vậy mà…
Cuộc trùng phùng nhờ cú điện thoại
Về phần vợ con, sau ngày chồng, cha “mất tích” cuộc sống của họ bị đảo lộn. Vì lo lắng cho bố mà vợ chồng cô con gái cũng không có tuần trăng mật sau đám cưới. Thay vào đó, chị chạy khắp nơi để trình báo với cơ quan chức năng và tìm bố mình.
Còn đối với bà Nguyễn Thị Hồng, việc chồng mất tích sau ngày vui của con gái khiến người phụ nữ này buồn phiền, đổ bệnh, phải nhập viện điều trị một thời gian. Sau thời gian cùng người thân tìm kiếm chồng nhưng không được, bà Hồng chỉ biết cầu nguyện mỗi ngày. Bà Hồng chia sẻ: Với tôi những ngày đó thật đau buồn. Không những mất tin tức chồng, tôi còn nghe những lời bàn tán của dư luận. Hơn 1 năm sau ngày ông ấy mất tích, một số người có bàn với tôi nên lập bàn thờ cho chồng nhưng tôi không thực hiện. Tôi luôn tin rằng chồng mình sẽ bình an trở về vào một ngày không xa.
Và điều cầu mong của bà đã trở thành hiện thực. Vào một ngày đầu tháng 12/2020, gia đình bà bất ngờ nhận được thông tin từ chính quyền xã Quỳnh Thanh về việc tìm người thân cho ông Hồ Hữu Quang.
Từ thông tin của gia đình, trung tâm đã liên lạc với cô con gái của ông Quang đang làm việc tại miền nam để thuận tiện việc gặp gỡ, xác minh. Không lâu sau, ông Quang được gặp con. Vừa nhìn thấy con, người đàn ông ấy đã rơi nước mắt vì vui mừng. Vậy là sau thời gian dài chờ đợi, ông đã gặp lại người thân. Sau khi xác nhận thông tin qua các bên, ông được đưa về đoàn tụ cùng gia đình.
Ngày ông Quang đặt chân xuống làng, rất đông người thân và bà con lối xóm đã ra đón về. Nhiều người đã rơi nước mắt khi gặp lại người đàn ông tưởng chừng đã mất nay trở về bình an. Riêng với mẹ con bà Hồng, cả gia đình vừa mừng, vừa tủi vì đã gặp được chồng, cha sau thời gian dài chờ đợi, trông mong.
Hay tin ông Quang trở về bình an, nhiều người bạn từ làng khác đã đến thăm hỏi, động viên. Ngồi bên vợ, ông Quang bày tỏ: Được đoàn tụ cùng gia đình, vợ con, gặp lại bà con lối xóm với tôi là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn. Tôi sẽ trân quý những giây phút này để tiếp tục làm việc, sống cuộc sống bình yên bên gia đình. Qua sự việc này, gia đình ông cũng mong muốn mọi người không đồn thổi, thêu dệt những chuyện không có, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.