Những phút nghẹn lòng của người cha
Không giống như những đứa trẻ bình thường khác, ngay khi cất tiếng khóc chào đời năm 1964, với đôi mắt bị mù khiến anh Lê Văn Quý, thôn Lai Tảo, xã Bột Xuyên, Mỹ Đức, Hà Nội vĩnh viễn không có cơ hội thấy sắc màu cuộc sống. Tuổi thơ của anh cứ lầm lũi trôi qua trong bóng tối, anh chỉ có thể lắng nghe mọi người nói và dùng đôi tay để cảm nhận. Thấy tiếng bạn bè đồng trang lứa chơi đùa ngoài ngõ, nhiều lần, đôi mắt không thấy ánh sáng đó ngân ngấn hai hàng nước mắt tủi thân. Anh không biết mặt cha mẹ, thậm chí diện mạo của mình ra sao cũng không hình dung nổi.
Bố mẹ anh lần lượt qua đời khi anh 20 tuổi, người em trai duy nhất của anh cũng mất trong một lần tai nạn. Từ đó, anh phải sống nay nhà chị lớn, mai nhà em bé cho qua ngày. “Đôi lúc thấy mình vô dụng, giá như tôi không có mặt trên cuộc đời này có khi mọi người đỡ khổ. Nhiều khi cũng muốn tìm đến cái chết để tự giải thoát cho mình, cho mọi người” - anh Quý tâm sự, giọng nặng trĩu.
Cuộc đời bỗng le lói niềm hy vọng và khát khao được sống có ích cho đời khi anh tham gia sinh hoạt tại Hội Người mù của huyện. Tại đó anh được học xóa mù chữ với những bảng sách chữ nổi và học nghề đan, làm tăm. Năm 1991, anh tìm thấy “ánh sáng” của đời mình khi kết hôn với một người phụ nữ mồ côi cha mẹ có hoàn cảnh bất hạnh chẳng kém mình.
Hai phận đời nương tựa vào nhau, rau cháo tiếp tục cuộc sống. Tia hy vọng hạnh phúc nhỏ nhoi đến với cuộc đời người đàn ông tăm tối này khi 3 người con trai lần lượt chào đời. “Bế con trên tay, sờ vào khuôn mặt nhỏ bé ấy, tôi thấy lòng mình như thắt lại. Ước gì tôi có thể một lần nhìn thấy mặt con mình. Cả đời tôi đã sống trong bóng tối, giờ thấy các con có đôi mắt lành lặn, có thể nhìn thấy mọi thứ xung quanh là tôi mãn nguyện rồi. Các con chính là đôi mắt của tôi, giúp tôi cảm nhận cuộc sống này” - giọng người cha mù như nghẹn lại.
Cuộc sống nghèo khó thường xuyên phải ăn cơm với muối trắng nhưng hàng xóm xung quanh chưa khi nào thấy anh chị to tiếng với nhau. Năm 2011, vợ anh vĩnh viễn ra đi trong một cơn đau nặng. Người đàn ông tật nguyền ấy phải nén nỗi đau, gồng mình vì đàn con thơ dại. Anh tâm sự, những thiếu thốn về vật chất, anh cố gắng chịu nhưng những lời nói ngây thơ của các con khiến tim anh bị bóp nghẹt lại: “Các bạn sao sướng thế bố nhỉ, được bố mẹ đưa đón đi học bằng xe máy, ăn đồ này, đồ kia....” , còn với anh món quà lớn nhất anh dành cho con mỗi buổi tan trường chỉ là những cái ôm chặt vào lòng thủ thỉ: “Các con hãy nhớ chỉ được nghèo vật chất chứ không được nghèo về tinh thần con ạ”.
Dưới tình yêu, sự chăm sóc của người cha tật nguyền, con trai đầu của anh thi đỗ vào một trường Cao đẳng Y ở Hà Nội. Đến nay, em đã tốt nghiệp, đi làm tích cóp tiền để có thể thực hiện ước mơ liên thông vào Đại học mà em từng ao ước bấy lâu. Còn con trai thứ hai phải nghỉ học giữa chừng đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp bố nuôi anh và em trai ăn học.
Mong bữa cơm có thịt
Ngồi xoa đôi mắt bị nhức do thay đổi thời tiết, anh Quý chia sẻ: “Thằng con lớn có ước mơ trở thành bác sĩ để cứu giúp những hoàn cảnh khó khăn như bố mẹ nó. Chúng đã thiệt thòi khi thiếu bàn tay chăm sóc của người mẹ, chỉ mong các con thành người để khi nhắm mắt, tôi cũng thấy an lòng”.
Anh Quý cho biết thêm, vài năm về trước, cậu con út phải thường xuyên tới viện để chữa bệnh vì mắc bệnh viêm cầu thận. Mỗi lần đưa con đi khám, anh vay mượn tiền của họ hàng để thuốc thang cho con. Những năm tháng vất vả nuôi con ăn học, chữa bệnh, tới nay anh có món nợ hơn 30 triệu vẫn chưa có điều kiện trả.
Cuộc sống đói nghèo, anh luôn tận dụng triệt để thời gian trong ngày của mình. Mỗi ngày, anh dậy sớm cắt dán, trang trí từng chiếc chong chóng, rổ rá mang ra chợ bán đến tận tối mới về. Bà con lối xóm thương cảm trước hình ảnh người cha mù lòa tảo tần đi bán hàng rong khắp các ngõ hẻm nên mua hàng ủng hộ giúp anh và cho thêm lon gạo, mớ rau để bố con anh rau cháo qua ngày, có thêm chi phí học hành cho các con.
Ông Nguyễn Công Nam, trưởng thôn Lai Tảo, cho biết: “Anh Quý gia cảnh luôn thiếu trước hụt sau nhưng tảo tần, quyết tâm nuôi con ăn học bằng mọi giá. Các con của anh dù nhà nghèo nhưng đều ngoan ngoãn, học giỏi, cha con thương yêu nhau lắm. Nhiều người thương cảnh túng bí của bố con anh, nay cho bát gạo, mai cho mớ rau chứ cũng không giúp đỡ được gì nhiều”.
Khi phóng viên đến nhà, anh Quý vừa lên nhà cô giáo ở làng nhờ cô gửi lời nhắn tới thầy chủ nhiệm của cậu con út, nhờ thầy cho nợ hơn 300 nghìn tiền học phí đến sang tháng. "Khổ cực lắm cô ạ nhưng vì tương lai nên tôi vẫn sẽ cố gắng cho con theo học có con chữ, cái nghề cùng bạn cùng bè” – anh tâm sự.
Ước nguyện lớn nhất của người cha mù lúc này là mong các con mạnh khỏe, lớn thành người có ích và được ăn những bữa cơm có thịt và có thêm tiền để sửa lại căn nhà ngói xuống cấp, dột nát quanh năm, không biết sập lúc nào…