Đó là phiên xét xử phúc thẩm xử vụ ly hôn giữa nguyên đơn bà Phạm Nguyễn Vy (SN 1989, ngụ tổ 2 Hòa Tây, phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang, Khánh Hòa) và bị đơn ông Hồ Trường Hải (SN 1972, ngụ cùng phường Vĩnh Hòa, Nha Trang). Trước đó, người chồng kháng cáo yêu cầu tòa bác đơn xin ly hôn của vợ để hai người hàn gắn.
Tòa triệu tập nhiều lần vẫn không đến
Theo đơn khởi kiện xin ly hôn thì vợ chồng này kết hôn vào ngày 5/11/2012 có giấy đăng ký kết hôn, đến nay đã có một con chung là Hồ Trường Đăng (SN 2012). Thời gian đầu vợ chồng chung sống rất hạnh phúc nhưng từ khi sinh con và phải chăm con nhỏ bà không đi làm nên kinh tế có phần khó khăn, song bà cố gắng chấp nhận vì chồng con, vun vén vì gia đình. Nhưng chồng bà là người gia trưởng, cố chấp, một mực bắt vợ phải nghe theo.
Bà bị bạo lực tinh thần rất lâu, cố gắng chịu đựng vì con còn nhỏ dại, cháu cần gia đình, cần đầy đủ tình thương của cha mẹ. Đến nay tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng, cứ vài ngày là chồng kiếm chuyện cải vã xúc phạm bà, và xúc phạm đến cả cha mẹ bà. Không chỉ bạo lực tinh thần, người chồng còn bạo lực thân thể vợ gây thương tích. Vì không chịu được nên bà đã sống ly thân từ tháng 1/2015 đến nay.
Theo lá đơn: “Nay xét thấy tình cảm vợ chồng không còn nữa, sức chịu đựng quá giới hạn, việc duy trì hôn nhân là không cần thiết, tôi làm đơn yêu cầu TAND TP Nha Trang giải quyết cho ly hôn. Còn về phần con, suốt ngày anh ta nhốt cháu trong nhà, luôn áp đảo bé phải theo ý mình, luôn đưa con đi học trễ giờ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của cháu. Anh ta không làm gì, không tiếp xúc với ai. Tôi yêu cầu được tiếp tục nuôi con chung, không cần anh ta cấp dưỡng nuôi con”.
Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã nhiều lần triệu tập người chồng đến tòa án làm việc và tham gia vào các phiên hòa giải nhưng người chồng chỉ gửi đơn qua đường bưu điện với nội dung xin hoãn triệu tập, hoãn hòa giải, xin tòa tạo điều kiện cho hai người có thêm thời gian để hòa giải và đoàn tụ vì bản thân ông “không muốn gia đình tan vỡ và còn thương yêu vợ con”.
Sau đó, tại các phiên tòa ngày 25/5/2016 và 14/6/2016 thì người chồng có đơn xin thay đổi Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa với lý do không khách quan, vô tư trong khi giải quyết vụ án, rồi tiếp tục vắng mặt và chỉ gửi đơn thông qua đường bưu điện cho Tòa án mà không trực tiếp đến phiên tòa sơ thẩm để trình bày ý kiến của mình.
Để tạo điều kiện, HĐXX đã nhiều lần phải hoãn phiên tòa, tiếp tục triệu tập người chồng đến tòa án dự phiên tòa sau. Tại lần mở phiên tòa lần thứ 3 (ngày 14/6/2016) do người chồng tiếp tục vắng mặt nên HĐXX đã hội ý và ra quyết định không thay đổi người tiến hành tố tụng, thông báo cho người chồng được biết và tiếp tục hoãn phiên tòa đến ngày 30/6/2016.
Tại phiên tòa ngày 30/6/2016 người chồng vẫn tiếp tục vắng mặt nên HĐXX căn cứ Điều 199, 202 BLTTDS, quyết định xét xử vụ án theo thủ tục chung. Theo Tòa quá trình giải quyết vụ án, tòa án đã tiến hành hòa giải nhiều lần nhưng người chồng luôn vắng mặt, còn nguyên đơn vẫn không thay đổi yêu cầu xin ly hôn của mình.
Mặt khác, trong quá trình tòa án thụ lý giả quyết vụ án, UBND phường Vĩnh Hòa cũng đã tiếp nhận đơn xin hòa giải đoàn tụ của người chồng. Ngày 28/1/2016, UBND phường Vĩnh Hòa đã tiến hành hòa giải. Tính đến thời điểm xét xử, vụ án đã kéo dài hơn 6 tháng nhưng nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu của mình về việc xin ly hôn và không có ý định hàn gắn.
Như vậy chính quyền địa phương và tòa án đã tạo điều kiện về mọi mặt để bị đơn có cơ hội hàn gắn hạnh phúc gia đình, để nguyên đơn suy nghĩ và thay đổi quyết định của mình nhưng nguyên đơn vẫn cương quyết xin ly hôn.
HĐXX xét thấy mâu thuẫn vợ chồng đã trở nên trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Do đó, việc bà vợ xin ly hôn là chính đáng, có căn cứ, phù hợp với Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình nên chấp nhận.
Về con chung, nguyên đơn trình bày từ trước tới nay, bà là người trực tiếp chăm nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chung. Hiện con chung vẫn ở với bà. Bà yêu cầu được trực tiếp nuôi con chung, không yêu cầu chồng cấp dưỡng nuôi con.
Xét thấy người vợ có việc làm với mức thu nhập ổn định, bản thân vẫn đang trực tiếp chăm sóc con chung nên yêu cầu này phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay của các bên, đảm bảo được quyền lợi về mọi mặt cho con chung. HĐXX chấp nhận yêu cầu này.
“Tránh xa người đàn ông này, tôi mới có cơ hội làm lại cuộc đời”
Sau khi án tuyên, người chồng làm đơn kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 20/9/2019, lần này người chồng đã có mặt. Ông cho rằng ông còn rất thương vợ, yêu cầu tòa cho ông thời gian để hàn gắn hạnh phúc gia đình.
Người chồng cho rằng “đang giảng dạy học ở một trường tại TP HCM, là cư sĩ đang tu đạo nên không muốn ly hôn, nếu ly hôn là phạm quy, phạm giới”; vợ ông bị bệnh động kinh, bị điên, hoang tưởng nên mới nói bậy chứ ông rất thương vợ, tiền bạc vợ cứ tiêu xài thoải mái xài bao nhiêu cũng được không bao giờ ông cấm...
Người này còn “nói xấu” mẹ vợ thì ăn chay niệm phật nhưng đi cho vay nặng lãi, ông khuyên can thì vợ nói ông nhiều chuyện, gây sự với ông; nhiều lúc ông muốn đi tu cho khuất nhưng tu đâu cũng không bằng tu nhà nên ông không đi tu mà ở nhà tu đạo, do ông mang cái nghiệp nên phải chịu...
Nhiều lần tòa yêu cầu ông dừng lại, hỏi “ông xin thời gian để hàn gắn hạnh phúc gia đình bằng cách nào” thì người chồng bảo để từ từ ông năn nỉ vợ. Tòa tiếp, không ở chung nữa thì ông nói chuyện với vợ bằng cách nào mà năn nỉ xin lỗi, ông bảo sẽ có cách của mình.
Một vị thẩm phán lên tiếng: “Ông nói ông rất thương vợ mà lại xúc phạm vợ như vậy, vợ đâu có bị điên mà ông nói vợ ông bị điên, bị hoang tưởng”. Người chồng bảo đã nhiều lần chở vợ đi khám bệnh nên biết. Vị chủ tọa cho mời người vợ lên hỏi, người này bảo ông chở đi khám thai chứ có bệnh điên, hoang tưởng gì đâu và: “Ở bên ngoài người ta còn không chịu đựng được sự nói nhiều của anh ta, nói gì trong nhà”.
Tòa hỏi: “Ông chồng có gia trưởng, có đánh chị không”, người vợ trả lời: “Dạ có, thưa tòa”. Theo lời chị thì trong nhà chỉ một mình người chồng được nói, chị mà nói thì anh cho chị hỗn láo bạt tai ngay. “Vậy mà khi xô xát có một vết đỏ trên tay anh ta liền chạy ra hàng xóm la lớn “bà con ơi con vợ tôi nó đánh tôi nè”.
Tôi vừa sinh xong, con còn nhỏ yếu mà anh ta bắt tôi phải đi hàng trăm cây số vào Sài Gòn gặp anh ta. Mẹ tôi đến nhà thăm tôi cũng không mở cửa cho vào. Từ khi tôi nộp đơn xin ly hôn con tôi cũng bị cấm đi học.
Một người tôi không còn tình cảm nào nữa sao còn vợ chồng được. Tôi không thể hàn gắn được nữa. Trong người tôi không còn tồn tại người đàn ông này. Anh ta đi nhậu với cha tôi cũng gây sự đánh nhau với cha tôi ở ngoài đường. Tránh xa người đàn ông này, tôi mới có cơ hội làm lại cuộc đời”.
Đến lượt người chồng phản bác: “Toàn là vợ tôi dựng chuyện đó, để mọi người nghĩ tôi độc ác gia trưởng. Đến con muỗi tôi còn không dám đập mà”. Rồi anh này hướng về phía vợ: “Theo giáo lý của Phật “Nhân quả vô thường” em à, em nói cái gì phải cho đúng. Thôi cái gì mình chịu đựng được thì cứ chịu đựng đi em, đi hết cuộc đời để trải hết cái nghiệp đó, hàn gắn lại đi em... ”.
Tòa hỏi người vợ thế nào, được trả lời: “Tôi nói với tòa từ đầu, tôi cương quyết ly hôn với người đàn ông này, tôi không thể sống được với ông ta”. Người chồng: “Em đoạn tuyệt như vậy không sợ nghiệp chướng, sợ nhân quả sao”. Người vợ: “Quay lại với anh, chẳng khác nào đưa tôi vào con đường cùng hết”.
Cuối cùng sau khi nghị án tòa đã bác kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm, chấp nhận cho người vợ ly hôn và giao con chung cho chị nuôi. Phiên xử kết thúc mạnh ai nấy đi về, chẳng ai ngó nhìn mặt ai hay nói với nhau một lời.
(Tên các nhân vật đã được thay đổi)