Người chuyển giới và những trăn trở

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Năm 2015, cộng đồng người chuyển giới Việt Nam như vỡ òa niềm vui khi Bộ luật Dân sự đề cập đến vấn đề chuyển đổi giới tính. Nhưng đến nay, chúng ta vẫn chưa có quy định pháp luật nào tiếp theo nhằm cụ thể hóa hoặc quy định rõ hơn về vấn đề này.
Các nghệ sĩ chuyển giới trong đoàn lô tô Hương Nam.
Các nghệ sĩ chuyển giới trong đoàn lô tô Hương Nam.

Dở dang xác nhận giới tính

Sinh ra trong thập niên 70, “cậu bé” Nhất Linh (TP HCM) ngay từ khi biết đi, biết nói đã là nỗi lo lắng của ba mẹ. Mẹ Nhất Linh kể: “Hồi cô mới sinh nó còn nhỏ nhỏ, nó biết đi, biết nói, cô nó nói: “Trời ơi, tôi sợ nó pê đê quá!”, cái ổng (ba Linh - PV) quạu lại: “Con cháu mình mà cô trù nó chi vậy?”, nhưng rồi cái nó như vậy luôn”.

Bà nhớ lại ký ức cách đây hơn 40 năm: Linh lớn lên cùng những trận đòn roi, những lần ba đưa đi chữa cho hết “bệnh pê đê”. Suy nghĩ của người mẹ lúc ấy là con mình “có tật”, là “tật” nhẹ thôi, là có phước lắm nên “cái tật” nó mới nhẹ như vậy. “Nó mặc đồ con gái đẹp lắm. Cho nó mặc đồ con gái thì nó thích. Cho nó mặc đồ con trai thì nó nói “cái đồ này kì lắm”. Rồi gia đình cũng đánh, cũng cấm không cho nhưng khi lớn lên có tiền thì cũng tự mua đồ mặc đó”.

Vài năm trước, khi ba đổ bệnh, chị Linh quyết tâm bỏ việc ca hát, diễn gánh lô tô vốn đang là nguồn kiếm sống cho cả gia đình để về bên chăm sóc ba mẹ. Ba mất, cũng là lúc mẹ chị phát hiện mang trong mình căn bệnh ung thư. Không còn tiền thuê nhà, ba mẹ con chị sống dựa vào sự đùm bọc của những người hàng xóm. Những người chuyển giới như chị hiếm khi có được một công việc chính thức, họ hay theo một gánh lô tô, đi khắp các tỉnh miền Nam, miền Tây. Nơi chị có bạn bè, có những người chung cảnh ngộ, nơi chị được sống là chính mình.

Năm 2015, cộng đồng người chuyển giới Việt Nam như vỡ òa niềm vui khi Bộ luật Dân sự có quy định đề cập đến vấn đề chuyển đổi giới tính. Nhưng đến nay, chúng ta vẫn chưa có những quy định pháp luật tiếp theo nhằm đảm bảo những quyền lợi và nghĩa vụ của người chuyển giới.

Chị Linh hào hứng nói về viễn cảnh một ngày khi có đạo luật về chuyển đổi giới tính, chị và những người bạn mừng rỡ thế nào khi được khi làm lại giấy tờ, được cầm tờ giấy ghi mình là con gái: “Chị chưa bao giờ nghĩ chị là con trai luôn, cứ nghĩ mình là con gái. Xã hội còn kỳ thị lắm, lúc mình còn trẻ, còn đẹp thì không sao, mình làm con gái nhìn đẹp nhưng già đi, người ta soi mói, người ta nói bóng vừa già vừa xấu, mình tủi thân…”.

Và như nhiều người khác cùng cảnh ngộ, chị Linh mong câu chuyện công nhận người chuyển giới tại Việt Nam sẽ hết dang dở, để “có già, có chết thì người ta cũng phải làm cái giấy con gái”.

Chị Linh và mẹ.

Chị Linh và mẹ.

Mong sớm có luật để yên tâm sống

Ước tính hiện nay Việt Nam có khoảng 300.000 - 500.000 người chuyển giới. Tuy nhiên, các rào cản về mặt xã hội, văn hóa và pháp lý vẫn đặt họ trở thành nhóm bị hạn chế nhiều quyền và dễ bị tổn thương. 45% người chuyển giới nữ cho biết họ bị từ chối việc làm do phân biệt đối xử dựa trên bản dạng giới và có tới 13% phải kiếm sống bằng nghề mại dâm.

Với những người chuyển giới, nỗi lo thường trực của họ có lẽ không còn là được tiêm hormone hay phẫu thuật nữa. Nỗi trăn trở lớn nhất hiện nay của họ là vẫn phải đứng giữa lằn ranh của sự đánh đổi, của hệ lụy đau đớn vì những vết sẹo chằng chịt trên cơ thể khi phẫu thuật chuyển đổi giới tính tại những cơ sở không đủ điều kiện, hay đơn giản hơn, là những ánh nhìn soi mói, là những lần không thể thực hiện những thủ tục đơn giản nhất như rút tiền, chỉ vì ngoại hình không giống trên giấy tờ tùy thân... Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung - Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI), “đã có những người không thể chờ luật ra đời”...

Theo quy định tại Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2017 thì “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”. Điều này đáp ứng nhu cầu, mong muốn của khoảng 0,3% - 0,5% dân số cả nước (tương đương với khoảng từ 290.000 - 480.000 người chuyển giới).

Nhìn lại quá trình xây dựng dự thảo Luật cho người chuyển giới, bà Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, ngày 24/11/2015, nhu cầu chuyển giới của người chuyển đổi giới tính được thừa nhận. Tiếp đó, năm 2016-2018, cộng đồng người chuyển giới nam/nữ tham gia đông, mạnh mẽ, khi họ lần đầu tiên có cơ hội góp ý vào dự thảo Luật về chuyển đổi giới tính.

Nhưng đến tận thời điểm này, dù có nhiều chuyển biến song dự thảo Luật cho người chuyển giới vẫn chưa được trình Quốc hội. Cũng theo bà Dung, năm 2022, có hai điểm mới trong dự thảo. Một là thêm lựa chọn không yêu cầu can thiệp y tế để được công nhận là người chuyển đổi giới tính. Hai là bổ sung chính sách về xác định quyền, nghĩa vụ của người chuyển đổi giới tính sau khi được công nhận là người chuyển đổi giới tính. Cùng với đó là các điểm đang tiếp tục thảo luận như: điều kiện độc thân; tuổi can thiệp y tế hormone và phẫu thuật…

Theo nghiên cứu của Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) thực hiện trong khuôn khổ dự án “Khuyến khích dịch vụ phù hợp cho người chuyển giới tại Việt Nam và hướng tới luật chuyển đổi giới tính” mới đây, sức khỏe tâm thần là một vấn đề nghiêm trọng đối với các nhóm người chuyển giới. Có 39,4% người cho biết họ đã từng có ý nghĩ về việc tự kết liễu cuộc sống của mình. Trong số những người đã từng có suy nghĩ này, có đến 40,7% cho biết đã từng cố gắng tự tử… Có đến 59,2% nam chuyển giới không bao giờ tìm kiếm hỗ trợ khi có suy nghĩ ý định tự tử, trong khi tỷ lệ này với nhóm chuyển giới nữ chỉ là 27,3%...

Có thể nói, hơn ai hết, cộng đồng người chuyển giới mong muốn dự thảo Luật được sớm hoàn thiện và trình Quốc hội, để hàng trăm ngàn người chuyển giới Việt Nam được sống với niềm vui là chính mình.

Đọc thêm