Duy Long tên thường gọi là Hà Anh, sinh năm 1997 ở Hà Nội. Hà Anh đang học năm thứ nhất Khoa Quản lý Văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.
Một tối se lạnh, tôi mở máy gọi Hà Anh - người mẫu chuyển giới đã công khai giới tính trên cộng đồng - đi cà phê tán gẫu.
Em hẹn tôi lên tầng 3 của quán cà phê góc phố Chùa Láng. Trước mặt tôi là cô gái có mái tóc dài đen mượt, làn da trắng mịn và dáng người mềm mại, đường nét yêu kiều.
Mới có mấy tháng không gặp mà em thay đổi nhanh quá, từ bỏ hình hài của cậu sinh viên năm nhất, em lột xác thành thiếu nữ xinh đẹp.
|
Người mẫu chuyển giới Hà Anh. Ảnh: nhân vật cung cấp |
Để được làm con gái đúng nghĩa, Hà Anh từng trải qua đau khổ đấu tranh tư tưởng, vượt qua mặc cảm tự ti vì ánh mắt kỳ thị của người đời và của chính gia đình.
Trong chuyện tình yêu, Hà Anh trải lòng: “Em yêu người ta nhưng đời nào họ thích em. Những người đồng tính còn dễ tìm được người để yêu thương vì họ bị hấp dẫn tình dục, có tình cảm với những người cùng giới tính, còn những người như em chỉ thích 'trai thẳng' (người đàn ông không thuộc cộng đồng LGBT) thôi. 'Trai thẳng' họ biết em là người chuyển giới, họ làm sao chấp nhận được, còn gia đình, xã hội nữa…".
Nói đến đây, Hà Anh im lặng. Có lẽ câu hỏi đã chạm đến góc khuất trái tim người con gái đầy khao khát yêu thương nhưng hình hài bị tạo hóa đặt nhầm chỗ…
Cô tiếp tục: “Mọi người thường hay nhầm lẫn những người chuyển giới và người đồng tính là một. Nhưng thực tế không phải vậy.
Người đồng tính yêu những người có xu hướng giống họ, bản thân họ luôn ý thức được giới tính sinh học của mình là nam. Trong khi những người chuyển giới như em luôn ý thức mình là nữ, bị sinh nhầm vào cơ thể đàn ông và chỉ yêu "trai thẳng”".
“Khác nhau như vậy chắc chuyện “yêu” cũng khác chứ?”. Thẹn thùng trước câu hỏi có phần tế nhị của tôi, Hà Anh ngượng ngùng nói: "Tất nhiên là có khác ạ, khác về cảm giác đó chị. Người đồng tính có cấu trúc định hình rõ ràng nên họ 'yêu' cũng dễ. Người chuyển giới yêu 'trai thẳng', tất nhiên chỉ có 'cảm giác' khi yêu 'trai thẳng'.
Những người chuyển giới như em gọi là ladyboy - tức là mới chuyển giới phần trên, còn phần dưới chưa phẫu thuật. Em cũng muốn ngày nào đó đủ điều kiện đi phẫu thuật hoàn toàn, làm đàn bà đúng nghĩa, kể cả chuyện 'yêu'. Nhưng giờ thể trạng em còn yếu nên chưa làm được".
Theo một số chuyên gia, chuyện phòng the của những người chuyển đổi giới tính sau phẫu thuật diễn ra bình thường. Thậm chí, nếu gặp đối tác phù hợp, họ còn được viên mãn hơn so với nhiều cặp bình thường khác.
Ngoài ra, cô cũng cho biết thêm, phần lớn những người chuyển giới đi xin việc rất khó khăn, vì ngoại hình là nữ nhưng hồ sơ là nam nên đến đâu họ cũng bị từ chối.
Một số người học nghề thì mở tiệm, một số thì kinh doanh nhưng không nhiều. Còn lại nhiều người phải đi nhảy, hát cho quán bar kiếm sống trong những môi trường phức tạp, nhiều cám dỗ…
Có nhiều người chuyển giới còn phải chấp nhận đi làm trai bao, call boy (trai gọi) tại các quán massage trá hình, phục vụ cả khách nam đồng tính và các chị em. Môi trường đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh do quan hệ tình dục không an toàn.
Hà Anh chia sẻ: “Một số người làm nghề trai gọi nghĩ rằng quan hệ qua đường trước mới sợ, chứ họ quan hệ qua đường sau, việc phòng tránh lây nhiễm HIV là không cần thiết. Có ngày họ phải đi khách liên tục, rất hao tổn sức khỏe.
Một người bạn của em kể chuyện, nhiều khi đi khách, họ đề nghị không dùng bao cao su cho có cảm giác thật, họ trả giá cao hơn. Vài người trong số trai gọi tặc lưỡi đồng ý, nghĩ đơn giản một lần không bị lây nhiễm. Tuy nhiên phần lớn các bạn cũng chú ý đề phòng, yêu cầu khách dùng các biện pháp cẩn thận.
|
Hà Anh tham gia một hoạt động biểu diễn, tuyên truyền phòng chống HIV - AIDS. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Hà Anh nói tiếp: “So với các bạn em thấy mình may mắn nhiều, được học tập, được gia đình hỗ trợ kinh phí đi học. Hàng tháng, em tham gia hoạt động tuyên truyền phòng tránh lây nhiễm HIV - AIDS, phát bao cao su miễn phí cho mọi người trong cộng đồng LGBT, ngoài ra, phối hợp với một số tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này".
Hà Anh cũng chia sẻ thêm: “Đồng tính nữ khó khăn hơn so với đồng tính nam. Đồng tính nam có cấu trúc định hình, đồng tính nữ phải dùng dụng cụ hỗ trợ. Nhưng chuyện yêu không phải là tất cả, mỗi người trong họ đều đang đấu tranh, khát khao được sống đúng với bản thân mình, để xã hội nhìn nhận họ thực sự khách quan chứ không phải một tệ nạn hay trào lưu xã hội”.
9 giờ tối, đưa em về, vẫn câu chuyện về em, về thế giới em đang sống. Như bao người phụ nữ khác, em muốn được làm mẹ.
“Cuộc sống mà chị, có ai đánh thuế ước mơ đâu. Em tìm hiểu trên mạng, thấy người ta nói trong tương lai có thể dùng tế bào người chuyển giới nuôi cấy thành trứng và nhờ người mang thai hộ. Đó cũng là động lực để em sống tốt hơn, hi vọng vào những điều tốt đẹp hơn trong tương lai", Hà Anh bộc bạch.