Người cuối cùng làm bánh bông cây xứ Huế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nghệ nhân Hồ Thị Kiều (65 tuổi) sống tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, người duy nhất còn nắm giữ nghệ thuật làm bánh bông cây tiến vua. 
Nghệ nhân Hồ Thị Kiều.
Nghệ nhân Hồ Thị Kiều.

Bánh bông cây vốn là loại bánh xuất xứ từ miền danh hương làng Văn Xá quê của Thuận Thiên Cao hoàng hậu. Ngày nay tại Huế - Kinh đô ẩm thực chỉ còn duy nhất bà Hồ Thị Kiều còn lưu giữ nghệ thuật làm loại bánh này. Cả cuộc đời người phụ nữ này đã tạo nên hàng vạn “bông hoa ngọt ngào” cho đời.

Tựa như các loài hoa trong vườn ngự uyển

Theo hoài niệm của các bậc cao niên làng Văn Xá (phường Hương Văn, thị xã Hương Trà) “chiếc nôi” của bánh bông cây. Chúng tôi tìm về làng cổ Phước Tích gặp bà Hồ Thị Kiều, truyền nhân cuối cùng ở xứ Huế làm loại bánh này.

Làng cổ, trong làng hầu như chỉ có người cao tuổi. Bà Kiều lấy làm vui khi đón chúng tôi bằng câu chuyện xưa làm quà: “Tôi là cháu ngọại bà Cửu Diễn, người đã sáng tác bánh bông cây với các loài hoa quý: mai, lan, trúc, cúc, sen, hải đường, vịt lội bơi hồ, … là lễ vật họ Trần tiến vua”.

Vốn bánh bông cây thường được sắp đặt trên bánh in, bánh su sê, bánh ít. Khi xưa, Thuận Thiên Cao hoàng hậu, quê làng Văn Xá rất yêu thích loại bánh này. Thuận Thiên Cao hoàng hậu là con của Thái sư Thọ Quốc Công Trần Hưng Đạt, vợ vua gia Long và là thân mẫu của vua Minh Mạng.

Theo nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa Huế Trần Đại Vinh: “Khi một người con gái làng Văn Xá nhập cung, làm phi tần rồi dần lên làm hoàng hậu trở thành hoàng thái hậu thì nếp sống dân gian đã tác động vào cung đình thông qua bữa ăn bình dị, mộc mạc. Đồng thời, làng quê cũng được tiếp kiến văn hóa cung đình trong sinh hoạt, ứng xử, ẩm thực”.

Hiếu kính với thân mẫu, vua Minh Mạng cho khắc các loài hoa, cây trái hoàng thái hậu thường thưởng ngoạn trong các vườn ngự uyển lên Cửu đỉnh. Khi bà tuổi cao sức yếu, Ngự thiện phòng, Ngự y dâng nhiều món ăn quý, vị thuốc bổ dưỡng đã không thể thiếu hương vị bánh bông cây quê hương.Bà như đến được vườn ngự uyển từ bữa ăn. Về sau khi Thuận Thiên Cao hoàng hậu qua đời, các ngày giỗ, tết, lễ bánh này được dưng cúng ở triều nội và tại phủ thờ Văn Xá.

Những bông hoa nở trên đôi tay khéo léo của bà Kiều sắc sảo như đúc khuôn.

Những bông hoa nở trên đôi tay khéo léo của bà Kiều sắc sảo như đúc khuôn.

Trong gian nhà nhỏ, bà Kiều kỹ lưỡng chọn nguyên liệu từ bột nếp bánh in, bột năng, đường kính và chuẩn bị nghệ, hoa mướp, củ dền, lá dứa … để làm màu xanh, vàng, hồng, trắng tự nhiên. Đậu xanh xay vỡ, ngâm, đãi sạch vỏ hông chín, xong chà lên rây cho thật mịn bỏ vào chảo trộn đường kính trắng theo tỉ lệ, đánh đều cho nhuyễn.

Bột dẻo là đưa ra để nắn hình củ sâm gừng và các loài hoa. Để giữ được sự tươi tắn và hương vị ngọt thơm, tất cả bánh đều được sấy bằng than hoa. Trên bàn tay gân guốc thời gian của bà Kiều, bốn mùa như bừng nở cùng các loài hoa, bà làm bánh như nghệ sĩ đang biểu diễn nghệ thuật.

Nửa thế kỷ mưu sinh bằng bánh bông cây

Bà Kiều hồi tưởng tuổi thơ ngọt ngào với bánh trái: “Hồi bé, tôi hay lén lấy trộm bột của bà ngoại rồi leo lên cây tập làm bánh. Khi được ngoại cho làm cùng tôi đều vui đến không ngủ được”, khéo léo ngắt khối bột bình thường tạo thành bông hoa, chiếc lá có dáng, có hồn. Nếu không tận mắt thấy, dễ nhầm tưởng bánh được đúc từ khuôn vì trông rất sắc sảo.

Bà Kiều chỉ về kỷ vật hai chiếc lu gốm hàng trăm năm tuổi đựng đường làm bánh. Bà nghèn nghẹn nhắc lại ngày nhà bà ngoại bốc cháy, mùi đường thơm rồi cháy khét, khói nghi ngút cả làng. Bà ngoại mất chẳng để lại gì ngoài nghề làm bánh. “Nhiều lần người ta tới hỏi mua chiếc lu, tôi đói cũng không bán”, bà hãnh diện với truyền thống gia đình.

Hai lần đò với hai cuộc hôn nhân, rồi có lúc tưởng “yên một bóng thuyền” thì một tai nạn ập đến khiến người chồng mất. Trên vai người phụ nữ nhỏ bé này 6 đứa con thơ dại, đứa út mới học tiểu học. Bằng đôi tay khéo léo và nghề mà bà ngoại và mẹ đã truyền cho, vừa làm mẹ vừa làm cha, bà tần tảo đêm làm bánh, ngày đi xe khách hoặc tự chạy xe 80 cây số bán chợ gần chợ xa kiếm tiền.

Bánh bông cây tiến vua được làm từ nguyên liệu, hương liệu hoàn toàn tự nhiên, không dùng phẩm màu, hóa chất.

Bánh bông cây tiến vua được làm từ nguyên liệu, hương liệu hoàn toàn tự nhiên, không dùng phẩm màu, hóa chất.

Nhớ mùi đường cháy khét lẹt, bà ngoại, mẹ và các anh chị em lưu lạc bốn phương vì đói. Bà càng xem từng hạt bột, hạt đường như những hạt ngọc trời đầy trân quý. Mỗi ngày, bà làm 200 chiếc bánh bông cây để bỏ chợ Đông Ba, bánh su sê, bánh ít bỏ chợ Đông Hà. Bòn mót từng xu, hào mà bà có tiền tỷ từ việc làm bánh. Ngoại trừ đứa con gái đầu phải chăm nom các em, 5 đứa con của bà đều học đại học thành người từ những gánh bánh của mẹ.

Lo sợ thất truyền

“Cuộc đời tôi buồn nhưng làm bánh lúc nào cũng vui. Nay con cái làm ăn xa, thi thoảng mới ghé thăm nhà. Các con bảo tôi: Mẹ đừng làm nữa mà vất vả để chúng con nuôi mẹ. Bố mất sớm để chúng con còn mẹ”, nước mắt rớt xuống áo, bà chỉ kể về những chiếc bánh là cười không ngớt. Gặp ai muốn học nghề bà Kiều cũng chỉ dạy nhưng đến nay vẫn không ai làm được như đúng nguyên bản.

Kể về kỷ niệm vui nhất cuộc đời, bà Kiều vui vẻ: “Có lần, một nghệ nhân ẩm thực cung đình nổi tiếng đến đây. Ngoài thì nói với tôi là muốn ghi hình nhưng thực ra là để học … lỏm. Tôi hướng dẫn để họ tự làm nhưng dáo bột xong ngắt hoa mười lần thì vẫn không làm được. Lúc thì bột khô quá vụn hết cả bánh, khi thì bột nhão quá. Sau này đến Festival làng nghề, nơi các nghệ nhân hội tụ để quảng diễn cho du khách tôi gặp lại mới biết danh tiếng của họ. Tôi thấy vui vì chắc họ thích quá mà sợ tôi giấu nghề”.

Mong muốn được truyền nghề cho lớp trẻ nhưng hiện bà Kiều vẫn chưa truyền được cho ai.

Mong muốn được truyền nghề cho lớp trẻ nhưng hiện bà Kiều vẫn chưa truyền được cho ai.

Những lần quảng diễn nghề tại Festival, những khi gánh bánh bông cây trên đôi triêng gióng ra đình làng, khi giới thiệu đến du khách thập phương về những chiếc bánh truyền thống… bà đều say mê. Tuổi cao, bà thôi bỏ bánh bông cây cho chợ Đông Ba đã gần mười năm nhưng vẫn làm cho du khách đến trải nghiệm tại làng cổ.

Bà Kiều gói từng chiếc bánh thảo thơm cho chúng tôi mang về phố. Xa mãi phía cuối đường làng quanh co rợp mát bóng, người làm bánh tần ngần một mình đứng lại. Ngõ làng cổ chỉ còn người già ấp iu kỷ niệm. Cần lắm lớp trẻ học nghề và sự quan tâm bảo tồn kịp thời để một mai nhìn lại bánh bông cây có thể có mặt trên những bữa ăn hàng ngày chứ không chỉ là ký ức của riêng ai.

Đọc thêm