Những kỷ vật không nơi nào có được
Những ngày Hà Nội nắng nóng đến bỏng rát, nhưng được trò chuyện với ông Lâm Văn Bảng- Giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội) đã cho tôi nhiều cảm xúc khó quên. Đối diện với ông, người cựu binh có mái tóc trắng qua thời binh lửa, giúp tôi hiểu thêm câu chuyện của chiến tranh và giá trị hòa bình có được hôm nay.
Với hơn 4.000 hiện vật, di vật, hình ảnh được lưu trữ, trưng bày trên mảnh đất 2000 m2 mà gia đình ông hiến tặng với mong ước nhằm tái hiện lại một thời những chiến sĩ cách mạng trong cả nước từng bị giam cầm nơi tù ngục. Tận mắt quan sát những hiện vật tại bảo tàng và nghe chia sẻ của ông, tôi như thấy nỗi đau dường như vẫn còn nguyên. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng chưa khi nào ông Bảng quên những ngày tù đầy đau khổ, chưa khi nào quên những đồng đội, đồng chí đã ngã xuống.
Qua ấm chè xanh, ông từ tốn kể lại: một lần trên đường đến cơ quan, tôi nhìn thầy xác quả bom tấn do lính Mỹ ném xuống đang nằm bên lề đường, bất chợt một ý nghĩ lóe lên trong đầu “tại sao không lưu lại những kỷ vật chiến tranh để ghi lại một thời bi tráng của những chiến sỹ cách mạng đã anh dũng ngã xuống vì đất nước”.
Và từ đây, ông Bảng đã dành thời gian đi sưu tầm các hiện vật, kỷ vật chiến tranh và dành toàn bộ ngôi nhà 2 tầng cùng khu đất để làm khu trưng bày. Ban đầu ông lấy tên là Phòng truyền thống chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày, với hơn 2000 hiện vật. Đến năm 2007, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã có quyết định công nhận “Phòng truyền thống” của Thương binh Lâm Văn Bảng là “Bảo tàng chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày”
Để có được Bảo tàng như ngày hôm nay, sau bao ngày kỳ công tìm kiếm, sưu tầm các hiện vật, ông Lâm Văn Bảng và những người đồng đội đã tự nguyện góp tiền xây dựng và tổ chức các chuyến di tìm kiếm hiện vật. Đặc biệt, du khách đến đây thăm quan hoàn toàn miễn phí và được các nhân viên làm việc tại Bảo tàng – những nhân chứng sống- hướng dẫn, giới thiệu nhiệt tình, tỉ mỉ về những hiện vật đang được trưng bày.
Không quản ngại đường sá xa xôi, với tinh thần của người lính cụ Hồ và thấm nhuần lời dạy của Bác là còn sức thì còn phục vụ cách mạng, ông Lâm Văn Bảng đã vượt qua hàng vạn dặm đi tìm lại hơn 3.000 hiện vật của những đồng đội người mất, người còn để làm phong phú thêm cho Bảo tàng. Có những hiện vật được cất giữ trong kho tư liệu của kẻ thù hay ở nước ngoài như Austrialia, Nhật, Pháp, Thái Lan… ông phải rất kỳ công mới sưu tầm được. Cùng với đó còn có những kỷ vật rất đặc biệt không một nơi nào có được, như lá cờ đỏ được làm bằng máu của chiến sĩ cách mạng, sách học Đảng trong tù Phú Quốc hay bộ cờ họp chi bộ - giả vờ đánh cờ để qua mắt địch nhưng thực chất là đang họp chi bộ.
Từng đến thăm bảo tàng, bà Trương Thị Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam và cũng là một cựu tù chính trị đã không giấu được xúc động: “Tôi đến thăm Bảo tàng không chỉ đại diện cho Nhà nước, mà từ sâu thẳm trái tim mình, tôi đến với tư cách là một bạn tù, muốn được biết công việc mà các đồng chí đã làm được… Chiến tranh đã lùi xa, hội nhập thì ngày một gần hơn; những nước trước kia là đối địch với ta trong chiến tranh thì nay đất nước ta đã thiết lập quan hệ bình thường với họ. Một bộ phận thế hệ trẻ hôm nay không hiểu được để đổi lấy sự bình đẳng ấy, lớp người đi trước đã phải hy sinh xương máu như thế nào để đất nước có được vị thế như hôm nay. Bảo tàng của các đồng chí đã góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, để các em hiểu và biết quý trọng thành quả mà cách mạng đã đem lại”.
Ông Lâm Văn Bảng |
Bảo tàng “4 tự”
Cựu chiến binh Lâm Văn Bảng sinh năm 1943, trong gia đình có 5 anh em thì có hai người anh đều tham gia cách mạng, từng vào sinh ra tử ở nhiều nhà tù của giặc. Ông nhập ngũ năm 1965, là chiến sỹ Trung đoàn Bình Giã. Trong cuộc chiến Mậu Thân năm 1968, ông bị thương gãy cả chân và tay, địch bắt ông giam ở nhà lao Biên Hòa rồi đày ra Phú Quốc. Trải qua những ngày tháng bị giam cầm, tra tấn dã man nhưng người chiến sĩ cách mạng vẫn một lòng trung kiên. Và, tất cả những điều đó vẫn luôn hằn sâu trong tâm trí của ông.
“Mỗi hiện vật, kỷ vật được trưng bày, lưu trữ tại bảo tàng hiện nay tuy nhỏ bé nhưng chứa đựng trong đó những câu chuyện sống động, bi hùng về những ngày tháng tù đày gian khổ nhưng kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng. Đó có thể là câu chuyện về lá cờ Tổ quốc bằng máu của ông Nguyễn Thế Nghĩa – một cựu chiến binh ở Bắc Giang hiến tặng cho bảo tàng. Khi trao tặng lá cờ này, ông Nghĩa rưng rưng dặn dò tôi: “Đây là sinh mạng chính trị cả đời của tôi, trong lúc mọi người đang mưu sinh với cuộc sống, người ta xe hơi nhà lầu, tôi chỉ có lá cờ này như mạng sống của mình thôi”- ông Bảng bùi ngùi kể lại.
Sát cánh cùng cựu binh Lâm Văn Bảng là ông Kiều Văn Uỵch, đồng đội và cũng là chiến sĩ bị đày ở Phú Quốc. Ông Bảng vẫn nói vui: “Đây là sếp phó ở “Bảo tàng không lương” của tôi. Cùng với hai ông, các cựu chiến binh như Nguyễn Trọng Dư, Nguyễn Tiến Mô, Trương Lưu Sa, Vũ Hữu Mão, Lê Xuân Phùng, Vũ Thị Huân, Vũ Thị Hòe… đều đang duy trì hoạt động ở bảo tàng trên tinh thần tự nguyện. Các thành viên luôn gìn giữ và điều hành bảo tàng trên nguyên tắc là “4 tự”: tự nguyện, tự túc, tự quản và tự chịu trách nhiệm.
Hiện nay, hàng ngày tại bảo tàng có 16 cựu chiến binh thường trực đảm nhận mọi công việc, họ chính là những hướng dẫn viên am hiểu nhất về những hiện vật tại bảo tàng. Có người đã ngoài 80 tuổi nhưng hàng ngày vẫn đạp xe hàng chục cây số đến đây để thắp cho đồng đội nén nhang, gặp gỡ bạn bè, đồng chí cũ. Mọi người đều đến đây với tinh thần tự nguyện, như nhà của mình, thấy việc thì làm, mỗi người góp chút công sức như một sự tri ân với đồng đội đã hy sinh. Khách đến tham quan được mời ở lại dùng bữa cơm tuy đạm bạc nhưng rộn rã tiếng cười của những người lính già. Mỗi người 2 bát, 2 đôi đũa, một của mình, một dành mời hương hồn đồng đội cùng ăn. Gắp cho đồng đội rồi mới gắp vào bát của mình.
Nói về những hoạt động của bảo tàng, ông Phan Cao Lạc, Bí thư Đảng ủy xã Nam Triều cho rằng, với sự tận tâm tận lực của ông Lâm Văn Bảng và những người đồng đội, những nhân chứng sống của một thời gian lao và hào hùng, bảo tàng làm rất tốt vai trò giáo dục truyền thống cách mạng tại địa phương, nhất là cho thế hệ lớp trẻ đoàn viên thanh niên xã Nam Triều. Đây không chỉ là nơi lưu giữ những kỷ vật, hiện vật của một thời hoa lửa mà còn là nơi tái hiện lịch sử dân tộc, đồng thời giáo dục cho lớp trẻ về lòng tự hào, tự tôn dân tộc mà không sách vở nào thay thế được. “Các em học sinh trong xã tham quan bảo tàng sẽ được biết những câu chuyện về lá cờ Ðảng, được biết về thời cha ông đánh giặc, bảo vệ từng tấc đất Tổ quốc, từ đó nhân lên lòng yêu nước, chung sức bảo vệ Tổ quốc, sống chan hòa, đoàn kết, tương thân tương ái…” - ông Lạc nói.
Với những nỗ lực sưu tầm, lưu giữ nhiều kỷ vật thiêng liêng cùng các hoạt động ý nghĩa, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày đã nhiều lần vinh dự được các cấp lãnh đạo Trung ương và Thành phố Hà Nội khen thưởng, chi bộ Đảng của Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày nhiều năm liền là chi bộ đảng trong sạch vững mạnh. Riêng đối với cá nhân ông Lâm Văn Bảng đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, được Chủ tịch UBND TP. Hà Nội tặng danh hiệu Công dân ưu tú Thủ đô năm 2014. Năm 2016, kỷ niệm 10 năm ngày thành lập, bảo tàng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Ngoài ra, Bảo tàng còn được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tặng 2 Bằng khen; UBND TP Hà Nội tặng 5 Bằng khen.