Người đắm say với thư họa danh nhân

(PLVN) - Được sống hòa mình với môn nghệ thuật yêu thích là hạnh phúc của lão họa sĩ Lê Vũ – “ông chủ” phòng tranh số 43 Tôn Thất Tùng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Lão họa sĩ cả đời khổ vì nghệ thuật, có lúc thấy mình bị nghệ thuật hành nhưng ông luôn biết cách dung hòa trong cuộc đời đầy biến cố.
Họa sĩ Lê Vũ bên một bức thư họa danh nhân
Họa sĩ Lê Vũ bên một bức thư họa danh nhân

Lăn lộn trăm nghề

Họa sĩ Lê Vũ sinh năm 1949 ở Quảng Nam, trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật tuồng, lại được học hội họa từ nhỏ, nên lớn lên, Lê Vũ đã theo gánh hát lang bạt khắp nơi kiếm sống. 

“Năm 1965, ngoài hai mươi tuổi, tôi vào định cư ở Nha Trang, lập nghiệp bằng nghề vẽ áp-phích quảng cáo cho phim chiếu rạp. Sau gần nửa thế kỷ lăn lộn tôi đúc rút rằng mình phải trải qua nhiều căn nhà, thuê có, xây cất có. Còn nghiệp thì lạc đến năm bảy đường: kịch, họa, văn, thơ, quay phim dịch vụ, chơi trống và cả kinh doanh quảng cáo. Nhiều nghề vậy, nhưng cuộc sống túng thiếu quẩn sau”, họa sĩ Lê Vũ bày tỏ.

Vợ chồng Lê Vũ từng phải sống trong cảnh thuê trọ, suốt 11 năm trời và không dưới 10 lần phải chuyển, với biết bao ký ức vui buồn. Tới năm 1976, vợ chồng ông mua được mảnh đất hơn 300m2 nằm ngoài khuôn viên Trường Mẫu Tâm, nay là Trường Tiểu học Vĩnh Thọ, TP Nha Trang. Có đất nhưng lại thiếu tiền xây nhà nên dù không hiểu nhiều về kiến trúc, ông đã tự thiết kế, tự làm nhà bằng gỗ và đi xin gạch ngói phế liệu xin được ở kho Nha Trang Ciné và rạp hát Tân Tiến về “đắp” thêm.

Lê Vũ có niềm đam mê đặc biệt với thư họa
Lê Vũ có niềm đam mê đặc biệt với thư họa 

Cám cảnh căn nhà dột nát của ông, những nghệ sĩ nhiệt tình đã tự tay thiết kế bản vẽ, xây lại ngôi nhà trên nền vật tư tận dụng ấy cho ông, để nó trở nên khang trang hơn. Rồi căn nhà nho nhỏ ấy tiếp tục được sửa chữa bằng tiền Lê Vũ vẽ tranh chắt bóp để dành. Dần dần, ngôi nhà mang dáng dấp của ngô biệt thự Đà Lạt với chiếc cầu thang bên ngoài thấp thoáng dưới tán cây râm mát. Ông cũng kỳ công mang về từ Hòn Chồng chiếc bàn đá cũ, đặt ở sân nhà để làm nơi hội ngộ những người bạn hữu.

Lê Vũ kể rằng, về Nhà Trang ông vẫn vướng vào nghiệp đèn sân khấu, là công tác ở Đoàn Ca múa Hải Đăng trong vai trò diễn viên tạp kỹ, độc tấu trống dân tộc, tấu hài và kịch câm. “Đến tôi là bốn đời làm nghề diễn viên trên sân khấu. Anh phải biết rằng, ngày đó sống lang thang, nay đây mai đó. Đời nghệ sĩ kham khổ với đồng tiền lương èo uột. Nhưng công việc mà, ai cũng cố làm như đó là cái nghiệp, như thân phận của mình”, Lê Vũ trải lòng.

Trong cuộc mưu sinh bằng nghệ thuật, có lúc cảm thấy đuối sức, ông tìm thêm công việc là diễn hài, đóng phim để lấy tiền sống và nuôi đam mê hội họa. Bởi ông vẫn dành thời gian, nhưng không nhiều cho hội họa, và lúc nào cũng muốn đó là nghề nghiệp chính.

Và rồi, như nhiều người bạn của Lê Vũ thốt lên, nghiệp sân khấu như đời hát rong cũng lâm vào thoái trào. Nhiều người phải giải nghệ trong xót xa. Lê Vũ cũng không ngoài vòng xoay ấy. Ông chuyển qua làm họa sĩ thiết kế phim cho Nha Trang Video (tên hãng phim Nha Trang thời ấy).

Được một thời gian, hãng phim xuống dốc, thu nhập hẹp dần, cuộc sống của ông càng trở nên khó khăn hơn. Vừa tìm hướng mới cho nghệ thuật hội họa ông vừa phải lo trang trải gia đình. Ông đi làm thuê bất cứ việc gì miễn là không bỏ hội họa. Sự chật vật trong cuộc mưu sinh đôi khi cũng tạo ra chất liệu, là “liều thuốc” kích thích sự lao động, cá tính sáng tạo của ông. Sau đó ông lại sang giúp việc ở Sở Văn hóa, Thông tin Khánh Hòa, một thời gian sau tự thành lập Công ty Quảng cáo & Mỹ thuật Lê Vũ để được tự chủ về thời gian. Khi cuộc sống tạm ổn định, Lê Vũ miệt mài vẽ nhưng luôn thấy thiếu vắng sự đột phá. Sau bao trăn trở ông chọn thư họa.

Khẳng định chỗ đứng trong nghề bằng thư họa danh nhân

Sau bao gian khổ, Lê Vũ bảo rằng mình đã có chỗ ghé chân trong dòng chảy của nghệ thuật đương đại. Tài sản quý giá nhất của ông đó là tạo ra hướng đi cho riêng mình, góp phần tạo đột phá cho nghệ thuật thư họa. Đó là môn nghệ thuật dùng chữ thư pháp vẽ tên nhân vật mà cái tên ấy tượng hình cho chính khuôn mặt hoặc chân dung nhân vật ấy. Để đến được với sự khai phá đó, dẫu trải qua bao khổ ải nhưng “lửa” đam mê luôn bừng cháy, và ông luôn biết thế nào là đủ trong cuộc sống. Đó cũng là cách để ông bền bỉ theo đuổi đến cùng với nghệ thuật.

Phần lớn các tác phẩm của Lê Vũ là chân dung các danh nhân
Phần lớn các tác phẩm của Lê Vũ là chân dung các danh nhân 

Khi đã định hình được hướng đi riêng cho mình, là vẽ chân dung danh nhân. Năm 2002, ông tổ chức triển lãm cá nhân 52 bức thư họa đầu tiên với chủ đề: “Hồn Chữ Việt”. Hai lần sau đó ông cũng làm triển lãm tương tự. Năm 2010, ông được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là “Người vẽ thư họa danh nhân nhiều nhất”. Mấy năm gần đây, Lê Vũ liên tục cho ra đời những tác phẩm thư họa ấn tượng, đậm chất Phật giáo.

Triết lý của Lê Vũ là phải biết thế nào là hạnh phúc và giá trị của nó, để sống với một niềm đam mê. Và từ đó, chưng cất, nhân thêm cái đẹp cho cuộc sống. Có người bảo ông khổ vì nghệ thuật nhưng ông cho rằng mình thủy chung với nghệ thuật. 

Ông giãi bày: Tôi không bao giờ phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, vì tất cả tôn giáo đều là ánh sáng nhiệm màu của lòng yêu thương. Khởi đầu từ bức thư họa “Giác ngộ” đầu tiên qua hình ảnh của Đức Phật, bức thứ hai là “Từ bi”, tạo hình Phật bà Quán Thế Âm, thì bức thứ ba lại là bức “Bác ái”. Ngoài những bức thư họa ấn tượng, ông cũng có những bức ông già Noel, Lão Tử, Khổng Tử.

Sau gần hai chục năm chìm đắm trong nghệ thuật thư họa, Lê Vũ nghiệm ra cái khó nhất của môn nghệ thuật này là bắt được nét chính của nhân vật muốn vẽ, tìm chữ chính tên của họ mà tạo hình, để không gượng ép phá chữ. Nhất là phải giống nhân vật muốn thể hiện. Đó là điều rất khó. Ông tâm sự, ngoài việc tiếp tục con đường thư họa, tôi vẫn tìm tòi thêm một lối đi, nhưng không dám nói trước. Bởi nghệ thuật là sáng tạo. Xác định như thế nên dẫu là khổ ải đến đâu tôi cũng cam lòng. 

Năm 2003, ông cho xuất bản cuốn sách “Thư họa danh nhân” để hướng dẫn cách vẽ thư họa, với mong muốn nhiều người biết đến. Trong hàng ngàn tác phẩm thư họa, họa sỹ Lê Vũ đã thực hiện thì cho đến nay, bức “Giác ngộ” được nhiều người dân chụp in lại, đóng khung để treo trong nhà.

Đọc thêm