Người đàn bà bầu bạn với linh hồn người quá cố

(PLO) -Năm ngoái, chừng ngoài độ này, tôi có ghé thăm nhà, bà lưng còng tới gối nhưng vẫn tỉnh táo, nói cười rổn rảng, ông thì hai mắt đã mù, ngồi bệt đầu hè chơi với mấy con cún con. Bữa nay ghé thăm lại, ông đã về với cát bụt, còn bà, nỗi đau đớn khiến bà suy sụp, đầu óc lú lẫn...
Bà Hai giờ sống bơ vơ một mình như người vô hồn.
Bà Hai giờ sống bơ vơ một mình như người vô hồn.

Những cơn đau nối dài

Câu chuyện tôi sắp kể đây là trường hợp hai ông bà Trần Văn Cầu (SN 1915, thường gọi ông Mười) và bà Nguyễn Thị Diệu (SN 1930, thường gọi bà Hai hay bà Hai xây lấp, sống ở xóm 3, thôi Hội Phú, xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định).

Cách đây mấy hôm, tôi vô tình hay tin ông Mười đã mất mà không khỏi bất ngờ. Cách đó không lâu còn gặp ông, không biết ông mất bà Hai sẽ thế nào… Xưa kia ông bà mỗi người mỗi xứ, câu chuyện họ dừng chân, sinh sống ở đây đến cuối đời như một duyên mệnh. 

Theo lời bà Hai, bà sinh ra ở huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế, trong một gia đình nghèo vùng ven biển gió cát. Nhà vừa khổ vừa khó, 10 tuổi bà đi ở đợ cho người ta, 17 tuổi thì lấy chồng rồi vào Nam sống. Chồng mất sớm, để lại cho bà 2 đứa con, một trai một gái. 

Trong những ngày chiến tranh khói lửa, mấy mẹ con lạc nhau, cuối những năm 60 bà tìm được con nhưng hoàn cảnh lúc đó lại khác nhiều, mẹ con không đoàn tụ được. Buồn, tủi thân tủi phận, bà lang bạt khắp nơi kiếm sống qua ngày rồi trôi dạt ra đến đất Bình Định. 

Thời gian ấy người ta triển khai xây dựng một hồ chứa nước dưới chân núi ở cuối thôn, bà theo chủ thầu đến làm phụ hồ, nấu bếp ở công trình. Ở đây, bà Hai gặp được ông Mười làm công nhân bốc vác. Ông vốn là dân địa phương nhưng có hoàn cảnh khá trớ trêu. Ông sinh ra ở thôn Kim Sơn (xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định), cảnh nhà cũng nghèo khó.

Ông Mười xưa đẹp trai phong độ, chuẩn bị lấy vợ là một cô gái trong làng thì gặp tai nạn dẫn đến tay chân tật nguyền. Một lần nghe lời nói hắt hủi từ mẹ người yêu, ông Mười về nhà tự chặt đứt ngón tay út, thề sẽ ở vậy đến chết, không bao giờ lấy vợ.

Công nhân công trình khi đó đa phần là người địa phương, cuối tuần ngày nghỉ thì về nhà hết, chỉ còn ông Mười bà Hai là ở lại công trình. Một người tha phương mưu sinh với những nỗi niềm buồn tủi, một người hận tình bất cần đời, họ biết được hoàn cảnh của nhau, thương cảm cho nhau, nguyện kết nghĩa anh em.

Dân xóm núi sống ân tình, biết hoàn cảnh ông bà, có người cho bà mượn mảnh đất để dựng căn nhà lá hai gian, sống tạm qua ngày. Mấy năm sau công trình hoàn thành, mọi người ai nấy hân hoan, chỉ riêng ông bà nặng trĩu tâm tư, làm xong công trình rồi mình sẽ đi về đâu.

Chủ đất thấy vậy thương tình, bảo không có nơi về thì thôi ở lại, mảnh vườn đó trồng rau trồng chuối, mấy mảnh đất hoang đó vỡ ra trồng ngô trồng khoai. Ông bà chính thức dừng chân đất này từ đó, mấy mươi năm no đói, ốm đau có nhau, dù chẳng máu mủ ruột rà.

Bà lủi thủi một mình dưới căn nhà xập xệ.

Bà lủi thủi một mình dưới căn nhà xập xệ.

Rồi tháng ngày cách biệt

Cách đây mấy năm, chuyện về ông bà được xem như câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Trải qua bao nhiêu thăng trầm, từ lúc căn nhà mái lá bao phen đổ sụp, rồi đến khi được nhà nước và người dân hỗ trợ xây nhà cho, hai con người vẫn chung sống với nhau như vợ chồng nhưng với thứ tình cảm trong veo.

Có dịp nói chuyện với bà Hai lúc còn tỉnh táo, bà bình thản kể với giọng hồn hậu, rằng ông bà mỗi người một cảnh ngộ khổ đau, quý nhau nhất cũng ở chỗ đó, nên kết nghĩa anh em, dìu nhau qua tháng năm dài, xoa dịu những vết thương xưa cũ khó lành.

Mấy mươi năm chung sống, ông Mười không cho bà Hai chạm vào người, ngoại trừ những lúc bất đắc dĩ. Có mấy anh chị đồng nghiệp đến thăm, bảo bà Hai sửa lại chiếc mũ trên đầu để chụp cho ông một bức ảnh, bà Hai cũng rón rén, sợ làm ông bực.

Năm ngoái, tôi ghé thăm nhà thì ông Mười đã yếu nhiều, hai mắt đã mù chẳng thấy đường, ngồi bệt ở đầu hè, đôi tay già nua mò mẫm, vân vê mấy con cún con. Bà Hai thì ngồi nói chuyện với khách ở cuối hè, giống như luật phân định đã mấy mươi năm, ông nhà trên, bà nhà dưới.

Tính của ông Mười, hơn ai hết bà Hai hiểu rõ nhưng rồi đến một ngày đầu tháng 2 vừa rồi, cũng chính bà đã phải phá lệ, một lần và cũng là duy nhất cuộc đời này, bà tận tay tắm rửa, thay quần áo cho ông. Đó là cái ngày cuối năm cận Tết, đất trời lạnh lẽo, ông Mười ra đi mãi mãi, bỏ bà một mình ở lại thế gian này.

Ông Mười, người đàn ông có thể coi là người thân duy nhất, hơn cả máu mủ ruột rà mất đi, bà Hai suy sụp, chới với, tinh thần bấn loạn, người bần thần suốt mấy tháng qua. Bây giờ, đến thăm bà, trò chuyện gì thì bà nhớ nhớ quên quên, nhưng chỉ cần nhắc tên ông Mười, bà như tỉnh táo lại.

Hôm tôi đến, vợ chồng bà Đoàn Thị Dung ở thôn bên đến thăm, mang cho bà Hai thùng mỳ tôm và bịch xoài, bà cầm rồi tay run run soạn ra một đĩa đặt lên bàn thờ ông Mười, đốt nén hương, chắp tay vái lạy, bảo ông về ăn xoài rồi đứng nói chuyện với ông một hồi.

Sau xuống đầu hè nhà dưới, ngồi trò chuyện với khách, bà nói chuyện được một lúc rồi lại luyên thuyên, những câu chuyện lúc nhớ lúc quên, không đầu không đuôi. Đang trò chuyện với khách lại nựng nịu, vuốt ve mấy con chó mà trước đây ông Mười ngày ngày bầu bạn.

Bà Dung, người bao nhiêu năm qua giúp đỡ ông bà từ chuyện bắt điện đài, vô tuyến đến lo từng miếng thịt cá, bao gạo, mì tôm chứng kiến tình cảnh bà mà không khỏi ngậm ngùi. Từ ngày ông mất bà như khác hoàn toàn, thân xác già cỗi nơi đây mà đầu óc như theo gió về đâu.

“Hôm trước bà Hai nuôi 7 con chó, tôi thấy đông quá sợ bà nuôi không nổi nên vờ xin một con, nhưng bà không cho, bảo là để bầu bạn cho vui. Khổ vậy đó, tuổi già lùi lũi một mình, không người thân thích, chỉ làm bạn với mấy con chó rồi nhang khói cho ông”, bà Dung tâm sự.

Lá rụng về nguồn

Nhiều năm qua, khi tuổi xế đời chiều, biết mình sống nay chết mai, ông bà có một nguyện vọng đó là muốn trước lúc mất được về lại nguồn cội. Nhưng đến giờ, với ông Mười, có lẽ đó mãi chỉ là ước mơ.

Bà Dung kể, cách đây hơn 5 năm, bà có đi tìm gặp và thông báo cho các cháu của ông Mười ở quê, cách đó chỉ vài chục cây số. Sau lần đó một số người trong họ hàng có đến thăm, cho ông bà một số tiền chứ không nói gì đến tâm nguyện của ông, từ đó đến nay họ không quay lại nữa.

Còn bà Hai, rời Huế từ năm 17 tuổi, đến bây giờ ký ức về gia đình, quê hương cũng chỉ là những thông tin rời rạc. Bà từng kể, ở quê bà có tên là Điệu, làng bà ở vùng biển, tên là làng Cai Lại, ở gần một bến đò, thuộc huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

“Bà Hai kể với tôi là bố bà tên Nguyễn Văn Thơm, mẹ tên Bứa, hai người dì một người tên Rau, một người tên Dưa, một chị ruột tên là Xoa, một cô em ruột tên Vạt, người cậu của bà có một người con trai ruột tên Bồng, xưa kia bị bệnh chết sớm”, bà Dung nhớ lại.

Bao nhiêu lần nhờ người ta dò hỏi tin tức về người thân ở quê nhưng không được, bà Hai đã thôi không còn dám nghĩ đến chuyện về lại cố hương. Nữa là vừa qua, ông Mười nằm nghỉ lại đất này, bà không muốn để hương hồn ông một mình lạnh lẽo, bơ vơ.

Lúc khách chào ra về, bà Hai như chợt nhớ điều gì, vội nắm tay bà Dung dắt về căn phòng ông Mười, nhờ mua cho viên pin để lắp vào chiếc máy niệm Phật để đặt lên bàn thờ với hộp quẹt đã hết ga từ mấy ngày trước. Dặn đi dặn lại một hồi cho chắc chắn rồi mới để khách ra về.

Cũng như những lần trước, ra đến gốc me đầu ngõ tôi lại ngoái lại nhìn về phía ngôi nhà cũ nát, nhưng lần này lại khác, bà Hai đã không còn lom khom đi theo đưa tiễn. Bà đã già lẫn, tai nặng mắt mờ, hàng ngày chỉ tựa lưng đầu hè bầu bạn với chú chó và linh hồn ông Mười.

Bạn đọc và tấm lòng hảo tâm muốn giúp đỡ nhân vật trong bài viết có thể liên hệ đến địa chỉ cụ bà Nguyễn Thị Diệu (xóm 3, thôi Hội Phú, xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, hoặc bà Đoàn Thị Dung, SDT: 0976467461)

Đọc thêm