Nghề đàn ông…
Góc phố Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Hàm Nghi (phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM) gần 30 năm nay trở thành “đại bản doanh” – tiệm bơm sửa xe vỉa hè của người phụ nữ đơn thân 59 tuổi có cái tên rất dễ thương Trần Thị Ngọc Anh.
“Gia sản” quý giá nhất của bà là 2 cái bơm tay cũ kĩ, 1 túi xách hoen úa đựng đồ nghề, đôi dép lào mòn vẹt, chiếc xe đạp đậm màu thời gian và bộ đồ phong phanh, không mấy tươm tất là tất cả “gia sản” quý giá nhất cần có cho đêm mưu sinh của người phụ nữ này. Khi “bắt bệnh” xe, bà Anh rất đa năng: Cổ “cầm” đèn pin, tay tháo và “khám bệnh” ruột xe có bị thủng hay không, tay còn lại hì hục bơm và bơm…
Sau một hồi, cô Anh ngước khuôn mặt dính đầy bụi bặm, dầu mỡ lên nói với khách hàng: “Ruột xe đã thủng nhiều lỗ, nát bét rồi. Cô khuyên nên thay ruột mới. Nếu con không đủ tiền thì cô vẫn vá cho thỏa mãn nhưng chắc đi dăm hôm là hở lớp vá lại...” Khi khách hàng đồng ý thay chiếc ruột xe máy loại “xịn” với giá 90.000 đồng, bà gửi khách trông giúp hộp đồ rồi đạp xe đi mua ruột xe mới để thay cho khách.
Khi được hỏi: “Vì sao không mua nhiều để dành thay cho tiện?”. Cô Anh đáp: “Tiền đâu đủ mà mua. Ăn bữa nào xào bữa đó. Mua đây là nợ người ta hôm sau lại gửi. Cứ thế mua gối đầu...”
Trung bình mỗi đêm làm cực nhọc họa may lắm mới kiếm được 150.000 đồng, còn thông thường khoảng từ 80.000-100.000 đồng. Xe nào bơm chỉ lấy 2000-3000 đồng, vá là từ 10.000-15000 đồng, còn thay ruột là từ 60.000-90.000 đồng.
Nói là lấy tiền chớ nhiều người nghèo, sinh viên và lao động bình dân bà Anh hiếm khi lấy tiền. Tâm tính là vậy nên nhiều vị khách đi đường xe bị xẹp lốp hay thủng ruột đều được một tay bà Anh “khám”.
Hành trình một ngày mưu sinh của bà Anh bắt đầu từ 5h chiều và kết thúc sang 1h sáng hôm sau. Góc phố ngã 4 đường Hàm Nghi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa được bà Anh chọn làm nơi mưu sinh 29 năm qua.
Là nghề bất kể trời mưa hay khô ráo nên ngày nào 365 ngày ở Sài Gòn cũng như nhau. Đặc biệt, trong đêm Giao thừa như mồng 1 Tết, mồng 2 Tết, mồng 3 hay các ngày lễ khác bà vẫn ra góc phố này mưu sinh. “Không làm lấy gì mà ăn. Còn nuôi thằng cháu nữa.”-bà nói.
Ngày qua ngày, bà vẫn cố gượng dậy với đời bằng niềm vui với nghề. “Nay quán sửa xe mọc nhiều, hiện đại nên khách cũng ít ghé tiệm tạm bợ như của bà. Có nhiều hôm ngồi từ 18-24h vẫn chưa kiếm được đồng nào. Biết vậy bà vẫn cố ngồi, mong sao ai còn cần”- bà Anh thở dài trải lòng.
Đôi khi bơm vá xong khách đi đường không mang theo tiền hay không đủ cũng chấp nhận lấy và chờ hôm sau họ lại mang đến gửi. Hầu hết họ đều giữ đúng lời hứa là dăm hôm lại ghé trả như đã hẹn..
“Với ai đó luôn cần đôi tay sạch. Nhưng nghẹt nỗi, nghề này có dơ, có bẩn mới có tiền. Có tiền mới lo được cuộc sống…” – bà Anh tâm sự. Cũng may được trời thương nên ngần ấy năm, ngày mưa cũng như ngày nắng bà dãi dầu vất vả nhưng rất ít đau ốm.
Mong được khỏe để nuôi cháu…
Hỏi về cuộc đời mình, duyên nghiệp đến với nghề bơm vá xe đêm, bà Anh tâm sự trong dòng nước mắt rân rấn. Và cũng ít ai biết rằng, đằng sau nụ cười chân chất ấy là một quá khứ đau thương: “Cha mẹ tôi người miền Bắc di cư vào Sài Gòn từ sau năm 1954. Bà được sinh ra tại đây, cuộc sống lớp người tha phương chưa bao giờ hết khổ.
Vào thời thiếu nữ, xinh xắn và khỏe mạnh, bà Anh bén duyên với người bạn đời cũng là lao động tự do. Đôi vợ chồng nghèo sinh được 3 đứa con (2 gái, 1 trai). Những năm trước đây, vợ chồng bà chỉ với nghề bơm vá xe, nhờ làm ăn thật thà mà kiếm đủ cơm nuôi lũ trẻ. Cho đến một ngày, chồng qua đời sau cơn bạo bệnh.
3 đứa con bà lớn lên cũng nghèo, trong đó có cô con gái vì hoàn cảnh riêng mà phải bỏ lại đứa con cho bà nuôi từ nhỏ. Đứa cháu năm nay đã 9 tuổi, sống cùng bà Anh trong một căn nhà nhỏ rộng chưa đến 15m2 ở xóm nghèo phường 4 (quận 4). Cứ thế, sáng bà chắt bóp cho cháu ngoại 20.000 đồng làm bữa trưa, còn bà sáng nào còn cơm nguội thì ăn, không thì nhịn đói.
Tuổi nay đã ngả 60, tóc bạc trắng nhưng bà Anh vẫn sống vui vẻ, lạc quan. Ở bà, ai đó sẽ tìm thấy niềm tin, sức sống và nghị lực mạnh mẽ của người phụ nữ góa phụ trải qua nhiều đau khổ nhưng quyết tâm bám nghiệp mưu sinh.
Ước ao lớn nhất của bà là được trời cho sức khỏe để lao động nuôi cháu khôn lớn, học hành.