Người đàn bà chuyên... lo giúp chuyện vợ chồng người khác

Hôm đó, có một cô hàng cá làm cá bán cho chị mà nét mặt buồn rười rượi. Hỏi sao thế thì bảo dạo này chồng em chán em rồi chị ạ, toàn thấy sang ngủ với con thôi. Câu hỏi của chị Phương làm cô hàng cá ngẩng lên ngỡ ngàng: “Đi chợ thế này tối về em có tắm không?”...

Sở dĩ nói vậy vì bên cạnh "gánh gia đình" thông thường theo nghĩa đen, thì công việc của chị cũng mang hai chữ “gia đình” như một định mệnh. Chị gắn bó với cái biệt danh “Phương gia đình” cũng từ đây.

Người mang công tác gia đình ra… chợ

Ở thành phố Hải Dương, rất nhiều chị em tiểu thương trong các chợ biết mặt chị Nguyễn Hà Phương – Phó phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở VHTTDL Hải Dương, bởi chính cái nghề của chị: cán bộ công tác gia đình.

v
Niềm hạnh phúc của chị Phương

Mỗi khi chị Phương ra đến chợ, từ đầu cổng đã thấy cánh chị em ồ à “A, chị Phương gia đình” rồi “Chị ơi, cho em hỏi”, “Chị ơi giúp tư vấn cho em việc này”…

Hôm đó, có một cô hàng cá làm cá bán cho chị mà nét mặt buồn rười rượi. Hỏi sao thế thì bảo dạo này chồng em chán em rồi chị ạ, toàn thấy sang ngủ với con thôi. Câu hỏi của chị Phương làm cô hàng cá ngẩng lên ngỡ ngàng: “Đi chợ thế này tối về em có tắm không?”.

“Đợt này lạnh trời nên có hôm có hôm không chị ạ, có khi chỉ rửa mặt mũi chân tay đi ngủ”. “Này em ơi, em có biết các cụ mình ngày xưa có câu ca gì không: Nằm đất với cô hàng hương còn hơn nằm giường với cô hàng cá. Vì sao, vì cô hàng cá đầy mùi tanh. Thế nên đi chợ về trước khi lên ngủ với chồng phải tắm rửa sạch sẽ em nhé, mà cũng đừng mang những bực mình ở chợ về nhà”, chị Phương cười cười nói.

Bẵng đi một thời gian đi công tác, về đi chợ chị gặp lại cô hàng cá, cô vồn vã cười tít mắt: “Chị ơi, em cảm ơn  chị. Lời chị dạy em chả sai tí nào”.

Nửa đêm bật dậy vì nằm mơ không đi tập huấn

Khởi đầu công việc của cô cựu sinh viên khoa ngữ văn ĐH Tổng hợp Hà Nội là biên tập viên của tạp chí Dân số - Gia đình. Cũng từ đây, tình yêu với công tác gia đình của chị Phương được hình thành, nhen nhóm.

Ngày 1/4/2008, nhiệm vụ gia đình được bàn giao sang ngành văn hóa, chị Phương khi ấy đang là Phó phòng Gia đình và trẻ em về cơ quan mới (Sở VHTTDL Hải Dương). Biết bao sự ngỡ ngàng của đồng nghiệp có nhiều người, thậm chí là cấp trên đã hỏi chị tại sao lại có phòng gia đình, quản lý nhà nước về gia đình là gì.

Nhưng, những khó khăn đó không làm chị Phương nản lòng. Bằng chứng là cũng ngay trong năm 2008 đó, tỉnh Hải Dương đã tổ chức kỷ niệm Ngày Gia đình từ cấp huyện trở lên và có lẽ đây cũng là lần đầu tiên trên toàn quốc Ngày Gia đình được tổ chức ở cấp huyện.

Tiếp ngay sau đó, Hải Dương đã trở thành tỉnh đầu tiên tập huấn cho lãnh đạo cấp địa phương khái niệm và tầm quan trọng của công tác gia đình, sau đó mở rộng tập huấn cho cả trưởng thôn và những người làm truyền thông báo chí.

Tất cả tài liệu tập huấn đều do chị Phương một tay tập hợp, nghiên cứu, biên soạn. Nhân nói chuyện biên soạn tài liệu, năm 2009, chị Phương đã cùng các cán bộ của mình nghiên cứu biên soạn cuốn Cẩm nang Hướng dẫn sinh hoạt câu lạc bộ phát triển gia đình bền vững.

“Cực kỳ vất vả trong một thời gian dài” đó là kỷ niệm mà các thành viên còn nhớ. Nhưng để bù lại, cuốn sách đã thành công vang dội khi được nhân rộng trên hơn 40 tỉnh, thành từ Nam ra Bắc. Công tác gia đình đã được nhiều người biết đến và hiện hữu trong nhận thức của bộ máy chính quyền.

Yêu và say mê với công tác gia đình nên cái “kho” kỷ niệm về công tác này chị của Phương là vô tận. Đó là những lần đi “săn” bạo lực gia đình, ngồi trên xe biết rằng tới nơi chắc chắn sẽ gặp kẻ vũ phu Chí Phèo nên dặn lái xe đừng tắt máy để sẵn sàng… chạy.

v
Công tác Gia đình Hải Dương phát triển nhờ một phần sự nỗ lực của chị Phương

Đó là cảm giác hoảng khi thấy 12 chiếc xe tải của 12 huyện chở 4 tấn bài thi của cuộc thi tìm hiểu về phòng chống bạo lực gia đình đến chất đầy sân cơ quan, dù rằng chính mình là người phôi thai tổ chức cuộc thi (bù lại Hải Dương được đánh giá là nơi có tỷ lệ người dân hiểu biết cao nhất về BLGĐ).

Đó là gần tháng trời ăn cơ quan, ngủ cơ quan, thậm chí thức trắng đêm để lo cho buổi lễ kỷ niệm 10 năm công tác gia đình, để đến khi cuối buổi nhận được lời khen, chị đã bật khóc ngay trên sân khấu. Đó là những đêm 3 giờ sáng bật dậy hốt hoảng lo trời bão nên mọi người không đến được buổi tập huấn về gia đình…

“Đường dây nóng làm nguội nắm đấm”

Huyện Tứ Kỳ là một địa danh mà mỗi khi nhắc đến người ta lại nghĩ ngay đến… nắm đấm của các ông chồng vũ phu và những giọt nước mắt đớn đau của các bà vợ. Những nguyên nhân khiến các bà vợ phải chịu nạn bạo hành vô lý đến mức nhiều người phải giật mình.

Ngay sau khi Bộ VH-TT&DL triển khai mô hình PCBLGĐ năm 2008, xã Kỳ Sơn, huyện Tứ Kỳ đã được Sở VH-TT&DL tỉnh Hải Dương chọn làm điểm về phòng chống bạo lực gia đình. Sáng kiến về đường dây nóng làm nguội ý định đánh vợ (được triển khai từ năm 2011 với sự phối hợp với một luật sư có nhiều kinh nghiệm tố tụng trong các vụ án liên quan đến hôn nhân, gia đình, sau 9 tháng hình thành đường dây nóng  đã có 500 cuộc gọi đến, làm “nguội” được rất nhiều vụ bạo lực gia đình) cũng từ đây mà ra và đến thời điểm này vẫn vận hành rất hiệu quả, chị Nguyễn Hà Phương cho biết.  

Không sai khi nói rằng Hải Dương rất thành công với công tác gia đình. Thống kê của Công an tỉnh, từ năm 2005-2008, toàn tỉnh Hải Dương có 18 vụ chết người do nguyên nhân bạo lực gia đình thì từ năm 2008 đến nay đã giảm hẳn và tiến đến không có.

Ngày 30/5 mới đây, Ban chỉ đạo về công tác gia đình đã được thành lập, đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách văn xã trực tiếp làm trưởng ban và hiện nay đang xúc tiến thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện, xã. Điều này cho thấy công tác gia đình đã thực sự cắm rễ, nở hoa ở Hải Dương.

Và, người có công vun trồng, ấp iu nó từ khi còn là hạt giống không ai khác cũng chính là người đã được bạn bè, đồng nghiệp, người dân gọi với cái tên trìu mến: “Phương gia đình”.

Những nốt lặng…

Với một người phụ nữ đôi gánh công việc và gia đình là cả một sự cố gắng nỗ lực. Nhưng một khi công việc đó lại cũng liên quan đến gia đình như chị Nguyễn Hà Phương thì áp lực còn nhân lên gấp bội, bởi những lý do, những nốt lặng thầm mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu.

Điều này chị Phương không bao giờ kể nhưng tôi biết, chị cũng có những áp lực của riêng mình. Đó là nỗi lo khối lượng công việc quá lớn, không còn thời gian cho gia đình riêng của mình, để rồi mình đi giảng về gia đình cho thiên hạ mà nhà mình lại không vẹn toàn.

Đến chơi nhà chị mới hiểu nỗi lo của chị khi một mình đảm tay lo cho hai bà mẹ chồng và mẹ đẻ ở cùng một nhà, hai đứa con vẫn đang tuổi đi học, và một ông chồng hễ cứ đi đâu là nhờ vợ đưa đi vì mắt cận thị nặng không thể lái xe.

“Lắm lúc đang làm, ngẩng lên nhìn đồng hồ hốt hoảng sợ muộn giờ đón chồng, mọi người cứ cười nhà bà này ngược đời”, chị nói vui.

Cách đây gần hai năm, khi gặp chị ở một hội nghị về gia đình, câu nói làm tôi rất ấn tượng về chị để sau đó có những chuyến công tác về Hải Dương và bài báo hôm nay là: “Cán bộ làm công tác gia đình - “đối tượng của sách đỏ”. Biết là nói vui nhưng cũng chứa đựng rất nhiều thực tế. Bởi vì nhiều lý do khi đó, lực lượng cán bộ rất mỏng, kiêm nhiệm nhiều, ở dưới huyện xã cũng rất khó khăn khi số tiền bồi dưỡng cho báo cáo viên vẫn còn rất ít ỏi chỉ đủ tiền đánh máy, photo tài liệu...

Giờ nhắc lại chuyện xưa chị Phương hoan hỉ: “Vẫn quý hiếm nhưng thoát khỏi sách đỏ rồi. Các huyện nay đều có giảng viên chắc tay về công tác gia đình, cán bộ văn hóa xã làm công tác gia đình nhận thức nâng lên rõ rệt. Còn lãnh đạo chính quyền thì ai cũng hiểu và ủng hộ hết lòng cho cái “nghề” gia đình của chị”.

Hồng Minh

Đọc thêm