Người dân bức xúc vì phí xét nghiệm quá cao

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dự thảo Báo cáo của Chính phủ chỉ ra thực trạng một số cơ sở y tế chưa thực hiện đúng quy định về giá xét nghiệm COVID-19, thu phí xét nghiệm quá cao, gây bức xúc cho người dân, trong khi các chi phí xét nghiệm này là bắt buộc khi đi khám chữa bệnh và không được bảo hiểm y tế chi trả.
Phí xét nghiệm quá cao khiến dân bức xúc. (Ảnh minh họa)
Phí xét nghiệm quá cao khiến dân bức xúc. (Ảnh minh họa)

Sáng 19/10, Ủy ban Xã hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 3 bằng hình thức trực tuyến để thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì Phiên họp.

Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, để đáp ứng với diễn biến của dịch bệnh và biến chủng Delta, nhiều biện pháp chuyên môn chưa có tiền lệ, lần đầu tiên được áp dụng như trạm y tế lưu động, xét nghiệm nhanh hơn tốc độ lây lan của virus, cách ly F0 tại nhà, thành lập Trung tâm hồi sức tích cực...

Đồng thời, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo ngành Y tế, phối với các bộ, ngành khác để triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm có đủ nguồn vaccine tiêm cho nhân dân trong điều kiện nguồn cung cấp rất khan hiếm. Đến nay, đã tổ chức tiêm an toàn trên 62 triệu liều vaccine, đạt tỷ lệ 60,2% số người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều và 24,7% đã tiêm đủ liều vaccine.

Tuy nhiên, việc ứng phó với đợt dịch thứ 4 bộc lộ những hạn chế của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng. Một số địa phương chưa tuân thủ theo các hướng dẫn của Bộ Y tế về tiêm vaccine cho người dân dẫn tới tình trạng một số cán bộ y tế bị xử lý kỷ luật.

Một số cơ sở y tế chưa thực hiện đúng quy định về giá xét nghiệm COVID-19, thu phí xét nghiệm quá cao, gây bức xúc cho người dân, thậm chí cùng một bộ test nhanh, cùng quốc gia sản xuất lại có 3 mức giá tham chiếu công bố trên thị trường trong chưa đầy một tháng, trong khi các chi phí xét nghiệm này là bắt buộc khi đi khám chữa bệnh và không được bảo hiểm y tế chi trả...

Thẩm tra nội dung này tại Phiên họp, Ủy ban Xã hội đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương, sự chủ động tham gia tích cực, trách nhiệm, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, các lực lượng tuyến đầu chống dịch, đội ngũ cán bộ ngành y tế, quân đội, công an, các tình nguyện viên… trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tuy nhiên, theo Ủy ban, đến thời điểm hiện tại, Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan vẫn chưa có đánh giá một cách tổng thể các vấn đề liên quan đến công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật về phòng, chống COVID-19, chưa xác định đầy đủ lộ trình, kế hoạch sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung.

Quan tâm đến vấn đề sản xuất kinh doanh và lao động - việc làm, các thành viên Ủy ban Xã hội cũng lưu ý, nhiều lao động phi chính thức bị rơi vào trạng thái dễ tổn thương do không có việc làm chính thức và thu nhập để bảo đảm cuộc sống do dịch COVID-19.

Ngoài ra, lượng lớn lao động dịch chuyển từ các tỉnh, thành phố lớn về quê tránh dịch tiềm ẩn một số khó khăn cho địa phương về công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội. Vì vậy, chính quyền cũng cần quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội, lao động việc làm để người dân có thể an tâm ở yên tại chỗ phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Đọc thêm