Người dân các nước ăn Tết cổ truyền có cầu kỳ, chu đáo như người Việt?

(PLO) - Mỗi dịp tết Nguyên đán đến, người Việt lại tất bật hơn bao giờ hết bởi họ không chỉ tươm tất trong nhà cửa mà còn dành tâm huyết để chuẩn bị nhiều món ăn ngon sao cho cái tết được trọn vẹn nhất.
Mâm cỗ ngày Tết của người Việt bao giờ cũng được chuẩn bị chu tất với mong muốn một năm mới an khang thịnh vượng

Có thể nói, sự cầu kỳ trong cách ăn tết của người Việt so với các nước các nước khác cũng đều xuất phát từ tâm niệm ước mong một năm mới an khang, thịnh vượng.

Dường như các chị nội trợ xứ mình bắt đầu “rục rịch” đón tết... cả tháng trước đó bằng việc nhẩm xem tết này sẽ nấu những món gì. Nhất là sau ngày tiễn ông Công ông Táo về trời (23 tháng Chạp), mọi người gần như đã cảm nhận cái tết đến rất gần và việc bếp núc cũng bắt đầu được chú trọng.

Dù là nhẩm tính vậy song dường như những món ăn truyền thống của ngày tết Nguyên Đán đã ăn sâu vào tâm trí của mỗi người và mỗi vùng miền ở đất nước hình chữ S.
Riêng cái tết của người miền Bắc không thể không kể tới ít nhất 7 món ngon, đó là bánh chưng, giò lụa, thịt đông, nem rán, dưa món, canh măng khô và thịt gà luộc. Ấy là chưa kể tới một số món biến tấu từ các món ăn này ví như cùng với giò lụa thì có thêm giò hoa (hay còn gọi giò thủ, giò xào) hay món canh măng nấu chân giò có thể thay đổi với món măng khô xào nấm hay xào cùng miến dong đầy hương vị.
Mỗi người dân Việt Nam cũng luôn chú trọng cho mâm cúng giao thừa
ẢNH: THANH NIÊN ONLINE
Đâu chỉ dừng lại ở món ăn đãi khách dịp tết, nhiều vùng quê Bắc Bộ còn rất cầu kỳ trong mâm cúng đêm giao thừa với việc chế biến tỉ mỉ món xôi gấc ba tầng và món chè kho. Cái tiêu chí của món xôi gấc ba tầng là làm sao khi bày lên đĩa, từng tầng của xôi gấc xen lẫn với phần đậu xanh phải đều và vị ngọt vừa phải. Ấy vậy nên dù có bận rộn đến đâu thì người mẹ, người chị miền Bắc vẫn dành trọn thời gian ngày cuối năm để chăm chút cho món ăn đẹp mắt và vừa miệng để dâng lên ban thờ trong đêm giao thừa.

Hay như ở một số địa phương của xứ Nghệ Tĩnh, người ta còn chu tất với mâm cúng giao thừa với món bánh ngào mật mía truyền thống đầy ngọt ngào.

Còn ở miền Nam, dường như sự cầu kỳ có nhẹ nhàng hơn miền Bắc một chút khi số lượng món ăn truyền thống có thể dừng lại ở con số 5. Những món ăn đặc trưng của người miền Nam không thể không nhắc tới bánh tét, thịt kho trứng, canh khổ qua, bánh tráng cuốn, củ kiệu tôm khô… Mỗi món ăn trong ngày tết của người miền Nam đều mang ý nghĩa về một năm cũ khó nhọc trôi qua để bước sang một năm mới tươi sáng hơn.
Cầu kỳ trong cách lựa chọn nguyên liệu, tỉ mỉ trong từng khâu chế biến là những gì mà mỗi người nội trợ Việt muốn dồn hết tâm – trí vào các món ăn. Trước tết, họ sẽ “săn lùng” mọi nguyên liệu, gia vị sao cho đầy đủ rồi làm sẵn cho thật tươm tất để ngày giáp tết đem ra nấu để đảm bảo tươi ngon nhất. Và khi năm mới gõ cửa, trên mâm cơm truyền thống của gia đình Việt, các món ăn được bày biện thật đẹp mắt và như chứa đựng bao thông điệp yêu thương.
Những món ăn được chuẩn bị kỹ lưỡng trong ngày tết không chỉ để thết đãi người thân, bạn bè mà trước tiên là để dâng lên tổ tiên với tấm lòng thành kính nhất. Tuy mỗi vùng miền có một phong tục cúng bái khác nhau song đều có chung một ý niệm là mâm cơm dành cho những người đã khuất bao giờ cũng phải tươm tất và đủ đầy.
Mâm cỗ trong ngày Tết ở Trung Quốc luôn được bày biện thành một bàn lớn
ẢNH: CITY WEEKEND
Mâm Tết của người Trung Quốc: Bàn tiệc lớn
Nói về các nước đón tết Nguyên Đán như Việt Nam, chúng ta phải nhắc tới nước bạn như Trung Quốc, Mông Cổ, Singapore, Hàn Quốc…

Cũng giống như Việt Nam, người dân ở các nước này cũng đón tết trong tâm thế tưng bừng, rộn ràng với hi vọng một năm mới bình an và hạnh phúc. Dĩ nhiên, để một cái tết trọn vẹn, người dân ở những quốc gia này cũng dành thời gian để chuẩn bị cho những món ăn truyền thống.

Tại Trung Quốc, quốc gia đón tết Nguyên đán lớn ở châu Á cũng luôn coi trọng văn hóa ẩm thực trong dịp lễ này. Mâm cỗ ngày tết của người Trung Quốc tuy phụ thuộc vào từng phong tục của mỗi vùng miền song không thể thiếu những món ăn truyền thống bao gồm sủi cảo, lạp xưởng, bánh trôi, bánh nếp trôi…
Các món ăn truyền thống ngày tết của người Trung Quốc mang nhiều ý nghĩa khác nhau và được chế biến rất độc đáo. Đặc biệt, với món sủi cảo, một món ăn tượng trưng cho sự giàu có và hi vọng cho năm mới được chế biến với nhiều màu sắc, hương vị rất đa dạng. Ở mâm tiệc ngày tết, người ta quan niệm rằng nếu ai đó ăn trúng chiếc sủi cảo chứa đồng xu thì năm mới người đó sẽ gặp rất nhiều may mắn.
Đáng nói hơn, mâm cỗ ngày Tết của người Trung Quốc bao giờ cũng được chuẩn bị rất nhiều và bày biện cả bàn lớn đầy đủ các món thể hiện sự đầy đủ, sung túc cho năm mới.
Ngoài những món ăn truyền thống chung trên, tùy vào mỗi vùng miền, người dân ở nơi đó sẽ chuẩn bị món ăn đặc sản của quê hương để thết đãi khách trong dịp tết như bắp cải cuộn, thịt kho tàu, canh gà hầm, thịt bò hầm…
Đối với người dân Hàn Quốc, tết Nguyên đán cũng là ngày lễ lớn nhất trong năm nên mâm cỗ ngày tết cũng khá được chú trọng khi mỗi gia đình thường có ít nhất 5 món ngon truyền thống bao gồm món canh bánh gạo Tteokguk, canh Manduguk, bánh Ddeok, sườn bò kho Galbij jim và mì Japchae.
Tết truyền thống, tết sức khỏe như ở Hàn Quốc, Singapore
Gỏi cá Yu Sheng, một trong những món ăn truyền thống cầu kỳ nhất trong ngày tết Nguyên đán ở Singapore
ẢNH: CITY WEEKEND
Người Hàn Quốc khá cầu toàn trong tiệc tết thết đãi khách khi họ còn chuẩn bị đầy đủ các món ăn tráng miệng cho năm mới như nước uống từ gạo Sikhye, trái cây Su-jeong-gwa, bánh mì Taraegwa, bánh gạo Yaksik… Đặc biệt, những món ăn tráng miệng của người Hàn Quốc đều được làm từ nguyên liệu và chứa hương liệu tự nhiên nên rất tốt cho sức khỏe.

Singapore cũng là một trong những quốc gia đón tết Nguyên đán với nét văn hóa ẩm thực truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ ngày tết đó là mì trường sinh, bánh tổ Nian Gao, gỏi cá Yu Sheng và thịt khô Bak Kwa...

Những món ăn truyền thống trong dịp tết của người Singapore đều hàm ý cho một năm mới may mắn và đủ đầy. Trong số các món ăn kể trên, gỏi cá Yu Sheng, là món ăn cầu kỳ nhất được làm với 27 nguyên liệu từ cá hồi đến các loại rau củ quả cùng nhiều loại gia vị để làm nước xốt.
Yu Sheng đặc biệt được người Singapore ưa chuộng suốt dịp tết Nguyên đán bởi nó là biểu tượng của sự thịnh vượng trong năm. Với mì trường thọ hay bánh tổ, những món ăn được bày bán quanh năm và đến dịp tết, trên mâm cỗ của người dân Singapore cũng không thể vắng bóng bởi ý nghĩa về một năm mới sum vầy và sức khỏe dồi dào đến với mọi người.
Có thể nói dù ở Việt Nam, hay ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore…,tết Nguyên đán là dịp chúng ta được thưởng thức trọn vẹn tinh hoa ẩm thực đặc trưng ở mỗi quốc gia, cùng cảm nhận, chia sẻ những món ăn ngon. Và ẩn chứa trong mỗi món ăn đó còn là ý nghĩa sâu sắc gửi gắm mỗi khi tết đến xuân về.