Bỗng dưng một ngày bạn nhận được một tờ hóa đơn thanh toán tiền nước với những con số cực “khủng”. Câu đầu tiên nhà máy nước yêu cầu bạn là “phải thanh toán” dù còn số đó có thể bạn không "xài". Nếu không "xài" nhưng đồng hồ nước vẫn “nhảy múa” thì phải tự bảo vệ mình bằng cách nào?.
Người dùng nước ở Hà Nội, Sài Gòn chưa hết “hoa mắt” vì những hóa đơn thanh toán không tưởng thì lại bị các đơn vị kinh doanh nước “bồi” thêm những lời giải thích cực kỳ “chối tai” và không thể ngờ tới…
Hóa đơn nước “khủng” của khách hàng Lê Anh Trung (trú tại 12/29/18 Nguyễn Khoái, phường 2, quận 4, TP.HCM). |
“Khách hàng đục ống, gây thất thoát”?
Sau khi nhận được tờ hóa đơn 1.000 m3 nước/tháng, ông Trần Đức Long (người kế thừa Hợp đồng nước của ông Trần Sinh Tài) tại địa chỉ tổ 30/203/39 đường Láng (Đống Đa, Hà Nội) lập tức khiếu nại lên Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Đống Đa (thuộc Cty Kinh doanh nước sạch Hà Nội); đồng thời cung cấp nhiều căn cứ tới bộ phận chăm sóc khách hàng nhằm chứng minh những con số trong tờ hóa đơn tiền nước tháng 2/2013 của mình là “trên trời rơi xuống” so với nhu cầu nước sinh hoạt bình quân thực tế của gia đình này - khoảng 20 - 30m3/tháng.
“Người của nhà máy kiểm tra, giải thích “sự cố” nước ở nhà tôi không thỏa đáng. Họ chỉ biết đòi thu tiền, trong khi chỉ số đồng hồ hoàn toàn bất bình thường. Chúng tôi là khách hàng, đáng ra họ phải cùng chúng tôi tìm ra nguyên nhân để khắc phục, đằng này họ liên tục dọa cắt nước nếu không nộp đủ số tiền ngàn “khối”. Phải chăng họ cậy mình độc quyền cấp nước nên làm vậy?”, ông Long bức xúc.
Trao đổi với PLVN, khách hàng này cho biết thêm, ông không chỉ “hoa mắt” vì tờ hóa đơn tiền nước không tưởng nói trên mà còn “choáng” vì những lời giải thích không ngờ tới từ cán bộ Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Đống Đa.
Ông Long thuật lại: “Hôm hai vợ chồng tôi đến Xí nghiệp nước gặp ông Đỗ Hữu Thành ở Bộ phận Chăm sóc khách hàng để trình bày con số 1.000 m3 nước là không thực tế với 4 người trong gia đình tôi thì ông Thành không quan tâm đến điều này và chỉ khẳng định “phía sau đồng hồ là trách nhiệm của khách hàng”. Thậm chí, ông ấy còn nói “biết đâu nhà tôi tự đục ống nước cho nước chảy xuống cống dẫn tới thất thoát thì sao…”. Nói thật, nghe xong “giả thiết” mà ông Thành đưa ra, tôi và vợ tôi ngao ngán luôn!”.
Do sự việc chưa được giải quyết triệt để nên ông Long không nộp tiền và tiếp tục khiếu nại thì người của Xí nghiệp này lại lấy cớ chỉ phạt và xử lý khiếu nại đối với ông Trần Sinh Tài (chủ nhà mà ông Long đã mua lại hơn 10 năm nay) để “vặn vẹo”.
Trong khi suốt chục năm nay, ông Tài đã chuyển đi nơi khác, nhưng người của Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Đống Đa hàng tháng vẫn đến địa chỉ này để thu tiền nước từ ông Long mà không có bất kỳ tư vấn hay khuyến cáo người dân phải sang tên, đổi chủ trong hợp đồng nước…
“Mới đây - ngày 5/6, Cty Kinh doanh nước sạch Hà Nội và Xí nghiệp nước Đống Đa có đến nhà tôi làm việc. Tuy nhiên, hôm đó vẫn chưa giải quyết được gì, ngày 7/6 họ lại quay lại lập biên bản cắt nước, trong khi lúc đó, cả hai vợ chồng tôi đều đi vắng, trong nhà chỉ có mấy đứa trẻ con”, ông Long nói thêm.
Đồng hồ “nhảy múa”: không phải hiếm
Lý giải về tờ hóa đơn tiền nước tháng 5/2013 trị giá hơn 22 triệu đồng (tương đường 1.721m3) của khách hàng Lê Anh Trung (trú tại 12/29/18 Nguyễn Khoái, phường 2, quận 4, TP.HCM), ông Châu Quốc Tuấn chuyên viên Bộ phận Giải đáp sự cố về nước của Cty CP Cấp nước Nhà Bè nói rằng, việc đồng hồ chạy với tốc độ “phi mã” như trường hợp của ông Trung không phải là chuyện cá biệt, hiếm gặp.
Bởi đơn vị này đã ghi nhận một trường hợp nước sinh hoạt bị rò rỉ tới 3m3/h. Và vẫn với “điệp khúc” rất cũ mà các đơn vị kinh doanh nước thường giải đáp cho khách hàng mỗi khi có sự cố, ông Tuấn nói: “Quận 4 và quận 7 là hai khu vực áp lực nước sinh hoạt rất mạnh nên thường xuyên xảy ra sự cố bể ống, rò rỉ nước sau đồng hồ. Theo quy định, các trường hợp sự cố xảy ra sau đồng hồ thì người sử dụng phải chịu trách nhiệm”.
Ông Lê Anh Trung bức xúc vì lượng nước thất thoát trong một tháng ở mức khủng như thế thì ngôi nhà của ông chắc chắn sẽ ngập trong một bãi lầy, bởi 10 tháng trước khi xảy ra sự cố ngàn “khối”, bình quân mỗi tháng gia đình này sử dụng hết từ 150 - 235 ngàn đồng.
Câu hỏi đặt ra ở đây là chỉ số nước cao do thất thoát hay đồng hồ cũ nên báo sai?. Việc này, đại diện Cty CP Cấp nước Nhà Bè giải thích, theo quy định, hạn sử dụng đồng hồ nước là 5 năm hoặc chỉ số trên đồng hồ báo 4.000 m3 trở lên mới được thay và phải do bên cấp nước thực hiện. Trường hợp chậm thay đồng hồ nước (cũ) theo doanh nghiệp này là rất thiệt thòi cho đơn vị kinh doanh nước “vì đồng hồ cũ thường chạy rất chậm”.
Rõ ràng, không chỉ đưa ra những giải thích gây sốc, phần lớn các đơn vị kinh doanh nước thường vận dụng một cách rất máy móc các quy định liên quan để cốt làm sao bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình, ngoài ra họ ít quan tâm, tư vấn, chia sẻ trách nhiệm với khách hàng cho dù khách hàng là đối tác, là người mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch.
Võ Tuấn – Trần Thế