Người dân "đua nhau" chở đò thuê bất chấp nguy hiểm

 

Sau khi thủy điện Đắc My 4, huyện Phước Sơn, Quảng Nam đóng khổ tích nước, bà con 6 xã vùng cao huyện Phước Sơn ra trung tâm Thị trấn Khâm Đức phải đi đường vòng đến 10 km. Lợi dùng việc này, một số người dân ở thị trấn đua nhau đi mua ghe thuyền về lập bến trái phép đưa khách qua lại rất nguy hiểm...
 

Sau khi thủy điện Đắc My 4, huyện Phước Sơn, Quảng Nam đóng khổ tích nước, làm nước dâng cao hình thành một con sông dài khoảng 20km, rộng hơn 200m nên bà con 6 xã vùng cao huyện Phước Sơn ra trung tâm Thị trấn Khâm Đức phải đi đường vòng đến 10 km.

Lợi dùng việc này, một số người dân ở thị trấn đua nhau đi mua ghe thuyền về lập bến trái phép đưa khách qua lại rất nguy hiểm. Dù chính quyền đã cấm, nhưng một số thuyền vẫn lén lút hoạt động.

Hiểm nguy những chuyến đò không phép
Những ngày mưa gió vừa qua, chúng tôi từ trung tâm TP.Tam Kỳ vượt gần 150km mới đến được Thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn, theo chỉ dẫn của một cô chủ quán bánh mỳ, vừa đến nơi chứng kiến cảnh 6 chiếc thuyền đang tranh nhau hoạt động, người dân chen lấn nhau để lên đò về bên 6 xã vùng cao của huyện Phước Sơn, nhưng không hề có ai mặc áo phao. 
Theo quan sát, tại bến chỉ có một chiếc của ông Trần Hoàng Tuấn (48 tuổi, trú Thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn) là có giấy phép của huyện cấp được khoảng gần 1 tuần nay, 5 chiếc còn lại chưa đảm bảo nên huyện không cấp giấy phép kinh doanh. 

Đặc biệt, trên tất cả các thuyền chỉ có vài ba áo phao, khi thấy chúng tôi định chụp ảnh thì các chủ đò mới nói lái thuyền đưa áo phao cho khách mặc. 

Thuyền của ông Tuấn dù có phép hoạt động, nhưng vẫn không có nhà chờ, không đủ áo phao cho khách
Thuyền của ông Tuấn dù có phép hoạt động, nhưng vẫn không có nhà chờ, không đủ áo phao cho khách.

Ông Tuấn, chủ đò đang hoạt động ở bến đò Nước Chè cho biết: “Trước kia tôi làm nghề xe ôm, thường xuyên chở người dân đi lại tuyến đường này thấy rất khổ sở. Lúc thủy điện Đắc My 4 đóng khổ tích nước, thấy dân 6 xã vùng cao phải đi đường vòng đến 10 km xa xôi, vả lại đường vòng làm chưa xong nên dân rất khó đi lại. Thấy vậy, tôi mới quyết định bỏ nghề xe ôm đi mua chiếc thuyền này từ đồng bằng chuyển về đây để đưa đò, đò thì có nhưng tôi không biết lái, tôi thuê người lái tháng trả 5 triệu đồng. Mỗi hành khách qua lại giá 15.000 - 20.000 đồng”. 

Chủ đò Võ Văn Tuân (53 tuổi, trú thị trấn Khâm Đức) nói: “Thấy nhiều người mua thuyền về đưa khách trúng quá, mỗi ngày thu khoảng 500.000 - 700.000 đồng, nên tôi cũng mua một chiếc về đưa khách, huyện đã cấm vì hoạt động không phép. Nhưng biết sao được, hoạt động lén lút để lấy lại vốn đã chứ”. 
Ông Nguyễn Văn Hà (50 tuổi, trú xã Phước Công, huyện Phước Sơn) cho biết: “Đi mua đồ về bán mà đường vòng xa quá, nên tôi mới đi đò. Dẫu biết là nguy hiểm, nhưng vì cuộc sống hàng ngày, bà con cũng đành làm liều mà thôi, mình thấy nhiều người dân đi được thì mình cũng đi được”.
Quản lý lơ là
Ông Hoàng Hoa, Chánh văn phòng huyện Phước Sơn cho biết: “Hiện 6 xã vùng cao thuộc huyện Phước Sơn có hơn 7.000 nhân khẩu, trước khi thủy điện Đắc My 4 tích nước cũng có hỗ trợ dân 20 tấn gạo. Về lâu dài cho dân đi lại thuận tiện hơn, huyện đã xây dựng tuyến đường dài 10km từ trung tâm đi 6 xã vùng cao. Trong đó, bên thủy điện ủng hộ 54 tỷ đồng để xây dựng 3 cây cầu, còn đường thì kinh phí do tỉnh đầu tư. Cầu đã hoàn thành, chỉ còn đường là do trời mưa nên việc trải thảm nhựa vẫn lỡ dở chưa xong. 
Một số người dân lợi dụng việc này mua thuyền về lập bến đò trái phép đưa khách qua lại. Ngay sau khi phát hiện, mới đây, ông Phạm Thế Quyền, Chủ tịch huyện đã đình chỉ 5 chiếc đò không phép, chỉ chiếc của ông Tuấn là được huyện cấp phép hoạt động”.
Khi chúng tôi đưa đoạn video và những hình ảnh mà cả 6 thuyền đang hoạt động đưa khách qua lại tại bến Nước Chè không có áo phao, ông Hoa mới điện cho nhân viên văn phòng mang văn bản đình chỉ bến đò do ông Quyền - Chủ tịch huyện ký lên “đối chứng”.
“Do hai tuần nay tôi chưa vào lại đó nên không kiểm soát được số thuyền đang hoạt động lén lút”, ông Hoa nói.
Theo ông Đỗ Xuân Yến, Trưởng Ban quản lý dự án thủy điện Đắc My 4, việc tích nước này không hề ảnh hưởng đến đời sống của người dân 6 xã vùng cao. Trước khi tích nước, lãnh đạo của tỉnh và huyện cũng có họp với Ban quản lý chúng tôi kỹ rồi mới quyết định cho tích nước. 
“Để tiện làm cầu đường cho dân đi lại, Ban quản lý cũng hỗ trợ số tiền 54 tỷ đồng xây dựng 3 cầu nằm trong tuyến đường vòng lên 6 xã vùng cao đã hoàn thành rồi, còn đường đi là trách nhiệm của huyện”, ông Yến nói.
Trương Gia Hân

Đọc thêm