Trong phòng làm việc khá chật hẹp ở tầng hai ngôi nhà của mình, nghệ sỹ nhiếp ảnh Tạ Ngọc Bảo kê một chiếc tủ gỗ nhỏ, cũ kỹ, bên trên đặt một số vật dụng khác. Thấp thoáng sau cánh cửa kính là những chiếc máy ảnh và ống kính các loại. Ông chậm rãi mang chúng ra “khoe” với tôi. Hóa ra ngay giữa thời thịnh hành của máy ảnh kỹ thuật số, đối với ông, một nghệ sỹ nhiếp ảnh tên tuổi vẫn trân trọng và sử dụng cả những chiếc máy ảnh chụp bằng phim…
Nghề không phụ người
“Dạo này tôi thường đau đầu, sợ huyết áp tăng giảm khó lường nên gần như không đi săn ảnh nữa, nhưng nhớ nghề lắm. Thỉnh thoảng tôi vẫn lấy máy ra lau rồi chụp bà vợ tôi, chụp cả mấy bức tượng này nữa!”. Tạ Ngọc Bảo vừa nói vừa chỉ vào mấy bức tượng chỉ nhỉnh hơn đầu ngón tay một chút, đấy là mấy bức thần lộc, thần tài ông đặt trong cái khay uống nước trên bàn làm việc. Ấy thế mà khi lọt vào ống kính của ông, chúng đều trở nên có hồn và đẹp đến lạ lùng.
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Tạ Ngọc Bảo |
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Tạ Ngọc Bảo còn có tên gọi khác là Tạ Hữu Ngọc. Ông sinh năm 1935 tại huyện Diễn Châu, Nghệ An. Năm 1953, ông gia nhập quân đội, trở thành phóng viên nhiếp ảnh của Ban Tuyên huấn Sư đoàn 316. Kể từ đấy, cùng với chiếc máy ảnh, ông xông xáo đến tận các đơn vị quân đội, kịp thời ghi lại những khoảnh khắc máu lửa của quân đội ta.
Ngoài thời gian trực chiến lấy tin, ông tranh thủ đi săn ảnh phong cảnh. Nhờ thế, ống kính của nghệ sỹ Tạ Ngọc Bảo đã lưu lại được cho đời bao cảnh đẹp của làng quê Việt. Thời ấy chưa có ảnh màu, chỉ với hai gam đen trắng thôi, nhưng tấm ảnh nào của ông dường như cũng lung linh sắc màu, đối tượng cần mô tả nổi bật hẳn lên giữa bố cục hài hòa và điều ông cần chuyển tải đã được người xem cảm nhận trọn vẹn.
Một thời gian sau, Tạ Ngọc Bảo được chuyển về công tác tại tạp chí Văn nghệ Quân đội vẫn với vai trò của một phóng viên nhiếp ảnh. Đến năm 1958, ông chuyển về Bộ Lao động – Xã hội, ban đầu công tác tại Ban Tuyên huấn rồi làm Phó tổng biên tập tạp chí Lao động – Xã hội.
Bắt đầu từ thời gian này, ông nặng lòng hơn với mảng ảnh nghệ thuật. Rong ruổi khắp các miền quê để “săn ảnh”, Tạ Ngọc Bảo dường như quên hết mọi sự, ông dồn hết tình yêu và tâm trí vào ống kính. Theo ông, ảnh báo chí hay ảnh nghệ thuật đều đòi hỏi người chụp tôn trọng các yếu tố cơ bản sau đây: tìm góc độ, chọn thời gian chụp để hưởng lợi từ ánh sáng thiên nhiên, nắm chắc nội dung nhân vật hoặc sự kiện chụp, cuối cùng là bấm máy.
Nói thì đơn giản nhưng thực hiện mới khó. Đi nhiều mới có cơ tìm được đối tượng cần chụp. Tìm được rồi nhưng nếu thiếu một trong các yếu tố kể trên coi như bỏ lỡ cơ hội. Có nhiều nghệ sỹ phải mất hàng tháng, thậm chí hàng năm mới “tóm” được cái mình muốn. Bởi thế phải đi thật nhiều, chụp thật nhiều, đủ mọi góc độ, thời gian may ra chỉ được vài ba kiểu có chất lượng.
“Thời trước chụp bằng phim nên tốn kém, chạm đến cơm áo gạo tiền nên phải đắn đo, cân nhắc lắm khi bấm máy, đâu phải chụp loạn xạ như bây giờ. Thế nhưng vẫn có người mất ối tiền phim mà không có được một khuôn hình đẹp!”, ông nói.
Khi nói về các giải thưởng, nghệ sỹ Tạ Ngọc Bảo cho biết ông từng đoạt được khá nhiều giải, nhưng tâm huyết nhất vẫn là giải của Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh nghệ thuật Pháp trao tặng ông với bức ảnh Bà mẹ Gio Linh năm 1959, và giải của Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam trao cho bức Đất ấm tình người năm 1963. Vinh dự hơn nữa chính là việc ông được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhiếp ảnh có cống hiến xuất sắc (ES.VAPA) và được gia nhập Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh nghệ thuật Quốc tế.
Rung động trong từng khoảnh khắc bấm máy
Tròn 60 năm cầm máy lăn lộn gần như hầu hết các tỉnh thành từ Nam ra Bắc, ông được công chúng yêu nhiếp ảnh biết đến một Tạ Ngọc Bảo qua các bức ảnh phong cảnh, ảnh chân dung đẹp và có phong cách riêng. Có thể bấm máy bất kỳ khi nào mình thích nhưng nghệ sỹ Tạ Ngọc Bảo đã không làm nghệ thuật đơn giản, dễ dãi như vậy. Ông chỉ bấm máy khi cảm thấy tâm hồn thật rung động và khi muốn gửi một thông điệp tràn đầy ý nghĩa về cái đẹp, khi đã hội tụ đủ các yếu tố cần thiết của nghệ thuật nhiếp ảnh.
Năm 1968 - ông hồi tưởng lại- đó là lần ông được gặp mẹ Nguyễn Thị Rành ở Hậu Giang, người có đến 5 người con là liệt sỹ. Ông không chụp chân dung mẹ ngay như bao phóng viên ảnh khác vẫn làm. Ông lặng lẽ nghe mẹ kể về cuộc đời mình, cuộc đời đầy gian khổ, đầy mất mát, hy sinh thầm lặng. Ông nghe mẹ kể mà rưng rưng nước mắt. Rồi với những giọt nước mắt lăn trên má, ông nâng máy ảnh lên và cứ thế bấm máy, thu hình ảnh mẹ vào ống kính dưới đủ mọi góc nhìn.
Một tác phẩm ông tâm đắc. |
Lần chụp này bức ảnh nào cũng đẹp. Ông liền chọn một bức ưng ý nhất, đặt tên là “Mẹ Việt Nam anh hùng”, dự giải và gửi in trên một tờ báo ở Sài Gòn, dưới bức ảnh là những vần thơ mộc mạc ngợi ca công ơn của mẹ.
Nhờ tờ báo mà chính quyền đã quan tâm đến mẹ nhiều hơn, xây lại nhà cho mẹ, mẹ không còn phải sống thui thủi trong căn nhà xập xệ, rách nát nữa. Năm 1969, một tin vui đến với ông: bức “Mẹ Việt Nam anh hùng” đoạt giải trong cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế.
Đã bạc trắng mái đầu, giờ đây Tạ Ngọc Bảo hài lòng với góc làm việc nhỏ bé của mình, nơi hàng ngày ông vẫn ngắm các bức ảnh đen trắng được treo trên tường trong những chiếc khung cũ kĩ, lau máy ảnh, các ống kính bám bụi và chụp cho người bạn đời của mình. Những bức ảnh đen trắng đoạt giải của ông, mỗi bức một số phận, đã không còn ở bên ông nữa, nhưng vẫn còn đó nỗi đam mê ngày nào và những bức ảnh mới lấp lánh đủ sắc màu. “Đợi vài hôm nữa khỏe lên tôi lại đi “săn ảnh”, ông nói với một nụ cười ấm áp.
Phạm Thái Ba