“Nhà” không số
Nhà anh Bùi Thế Quang trên đường Ngô Quyền (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Tuy nằm ở giữa trung tâm TP Tam Kỳ nhưng căn nhà chưa đầy 20m2 của Quang rất khó tìm. Gọi là nhà, nhưng thực chất đó là một hẻm nhỏ giữa hai căn nhà số nhà 1 và nhà số 3 đường Ngô Quyền, bị bịt một đầu nên chính quyền địa phương cho gia đình anh Quang sống tạm. Căn nhà chật hẹp, ngổn ngang đồ đạc cũ là chỗ sinh hoạt của anh Quang và hai con gái sinh đôi mới 3 tuổi.
Nhà rộng chưa đầy 1,5m, dài 12m, vừa để lọt chiếc giường cho 3 cha con nằm ngủ. “Bây giờ 3 người là rộng rãi rồi, trước đây 7 người cùng sống chật chội biết bao nhiêu”, cố gượng cười nhưng anh Quang vẫn không thể giấu được đôi mắt đượm buồn.
“Ngày mới chuyển về đây, mọi người góp mua cho những tấm tôn để lợp mái, người cho ít vật dụng để dùng trong nhà. Từ cái tủ cho đến cái thau, cái tô, cái chén cũng được bà con cho. Ngay cả cái giường này đây cũng mới được bà con cho hôm trước”.
Theo lời kể của anh Quang, gia đình anh gốc ở Huế, vào Quảng Nam lập nghiệp với mong muốn cuộc sống khá giả hơn. Ngày mới vào Quảng Nam, cha mẹ anh phải dựng một túp lều tre ngay góc chợ Tam Kỳ cho tiện kiếm sống. Gió mưa bão bùng cũng cố gắng bám vững mà làm ăn, để cho ai kêu, ai nhờ việc gì thì làm để có thêm thu nhập, ngày lo cơm mấy bữa cơm cho các thành viên trong gia đình.
Ngày khu chợ Tam Kỳ được quy hoạch, con hẻm dẫn vào chợ bị bít lại, chính quyền địa phương thương gia cảnh anh Quang nên cho sống tạm trong hẻm. Hàng xóm mỗi người góp một ít tôn, vật dụng để gia đình anh có chỗ che mưa che nắng.
“Gọi là nhà nhưng thực ra nó là hẻm. Bây giờ ai hỏi nhà ở số mấy thì mình không biết phải nói sao vì nó không có số, nó chỉ nằm giữa căn nhà số 1 và số 3”, anh Quang cho hay.
Có căn nhà tạm để sinh sống và tu chí làm ăn, anh Quang đã tìm cho mình được hạnh phúc riêng vào 4 năm trước. Anh lấy vợ và sinh liên tiếp 3 đứa con, trong đó có một cặp song sinh. Cả gia đình 7 người, 4 người lớn, 3 đứa trẻ, làm sao sinh sống trong con hẻm nhỏ? Cha mẹ anh đã nhường lại “cơ ngơi” cho con cháu để vào Sài Gòn bán vé số mưu sinh.
Không gian rộng hơn nhưng nỗi buồn mới lại đến. Vợ anh không chịu nổi cơ cực đã ôm con trai út bỏ đi, để lại cho anh hai đứa con gái sinh đôi nheo nhóc trong căn nhà chật hẹp.
Cái khổ chưa dừng lại. Tháng 2/2016, anh Quang bị bệnh thoát vị hoành khiến hoại tử đại tràng ngang, phải nhập viện nhiều lần phẫu thuật. Sau đó là chuỗi ngày nhập viện kiểm tra định kỳ. Những lần phẫu thuật liên tiếp đã để lại vết sẹo chằng chịt trên bụng anh.
|
Căn nhà hẹp chỉ để lọt chiếc giường do hàng xóm cho |
“Làm lụng quanh năm nhưng cũng không dư được đồng nào, lúc tôi bị đau trong nhà còn dư được chỉ đúng 20 ngàn đồng. Phần vì không có ai để nhờ giúp đỡ, phần vì nhờ hoài cũng cảm thấy ngại nên cố chịu đựng.
Nhưng càng chịu tôi thấy càng đau hơn nên mới vào bệnh viện. Bác sĩ bảo nếu tôi nhập viện trễ một chút nữa là không thể cứu được. May mắn thoát chết, giờ không còn sức như trước nhưng tôi cũng cố gắng làm nuôi hai đứa con nhỏ”, anh Quang chia sẻ.
Cảnh “gà trống nuôi con”, anh nén đau gửi con khắp các nhà hàng xóm, chạy đôn chạy đáo khắp khu chợ, từ khuân vác, bán trái cây cho đến bán vé số để kiếm tiền. Đến nỗi người dân khu chợ Tam Kỳ đều biết đến anh.
“Gà trống nuôi con”
Trong căn nhà chật hẹp, anh Quang vừa cho con ăn vừa trông ngóng ra quầy vé số đầu đường. Anh cho biết, để có được chỗ che mưa che nắng và những vật dụng sinh hoạt như hiện tại, tất cả đều nhờ vào bà con chòm xóm giúp đỡ.
“Ngày mới chuyển về đây, mọi người góp mua cho những tấm tôn để lợp mái, người cho ít vật dụng để dùng trong nhà. Từ cái tủ cho đến cái thau, cái tô, cái chén cũng được bà con cho. Ngay cả cái giường này đây cũng mới được bà con cho hôm trước. Bà con và chính quyền ở đây tốt lắm, nhờ có họ mà mình mới có chỗ ở như ngày hôm nay”, vừa nói anh Quang vừa vui mừng chỉ ngay vào chiếc giường để vừa khít ở giữa nhà.
Không chỉ riêng vật dụng cá nhân, trong đời sống hàng ngày, cha con anh Quang vẫn được mọi người giúp đỡ. Hàng ngày khi anh Quang đi làm, mọi người trong xóm lại tranh thủ công việc thay phiên nhau chăm sóc hai bé gái sinh đôi.
Vừa thấy chị Nguyễn Thị Vân (hàng xóm) qua chơi, hai cháu bé liền giơ tay đòi bồng bế. Tình cảm của xóm giềng khiến anh cũng ấm lòng hơn.
Anh cho biết, nhờ có hàng xóm mà hiện nay anh không phải lo lắng nhiều cho hai đứa nhỏ, có thời gian nhiều hơn một chút để kiếm việc làm thêm. “Giờ có thả tụi nhỏ ở đâu cũng không sợ. Ở đây ai cũng biết, cũng chăm sóc giúp tụi nó cho mình hết”, anh Quang cười hiền.
Hàng ngày, anh đi khuân vác ở chợ, bán trái cây, hoặc bán vé số. Anh nói làm những công việc thời gian tự do để còn tranh thủ về nhà với hai con.
|
Hàng ngày anh Quang gửi con cho hàng xóm để mưu sinh |
Trên chiếc giường cũ, anh cho con ăn, ngủ, vui chơi… bởi trong nhà không còn chỗ nào dư ra để cho hai đứa trẻ vui đùa chạy nhảy. Ba cha con cứ quây quần bên nhau trên chiếc giường ấy. Bón cho đứa lớn, đút cho đứa nhỏ, rồi cùng chơi đồ hàng với con… Người đàn ông giấu nỗi buồn để cười vui với hai con.
Một người hàng xóm nhà anh Quang chia sẻ: “Tôi sống ở đây đã mấy chục năm rồi, hằng ngày đều chứng kiến cảnh cha con anh Quang sống mà thấy thương. Căn nhà quá chật hẹp, chỉ hơn cái hành lang nhà người ta một tí mà 3 cha con quây quần tựa vào nhau sống. Anh Quang tội lắm, từ ngày vợ bỏ đi, anh vừa phải chạy tìm việc khắp nơi, lại vừa trông hai con bé. Cứ quần quật từ sáng đến tối”.