Đứa con còn đang khát sữa mẹ, dang đôi tay chới với nhỏ xíu bấu đôi bàn tay chai sần của cha làm điểm tựa. Nó đã không biết đến hơi ấm vòng tay mẹ từ khi mới hai tháng tuổi. Anh đặt tên con là Nguyên Tiêu, cũng bởi nó đã giống như mồ côi mẹ vào cái đêm trăng sáng ấy.
Anh chỉ cười chua chát khi có người hỏi mẹ nó đâu. Thực sự thì anh cũng không biết giờ đây chị đang phiêu bạt phương nào, và nguyên nhân gì khiến chị đang tâm dứt áo ra đi, bỏ lại đứa con thơ như vậy. Anh chỉ mường tượng, có thể tại anh nghèo, không mang lại nhung lụa gấm hoa cho chị, không cho chị hưởng được cảm giác “lên xe xuống ngựa”. Và có thể anh đã chưa biết cách làm chị vui…
Anh hiểu, chị gửi cuộc đời mình vào thế giới của mơ mộng, thiếu một chút gió trăng chị đã ra ngẩn vào ngơ. Vậy là, chị đã để thuyền tình của mình trôi đi hững hờ cùng một người lái khác – không phải anh. Anh nén nỗi đau vào trong và bật ra tiếng lòng bằng tiếng sáo ai oán vào những đêm trăng sáng sau này. Anh không giận chị nữa, chỉ trách số phận mình hẩm hiu khi “Nguyệt Lão” đã se sợi tơ hồng cho anh nhầm chỗ.
Chị hợp với nhà thơ, nhà văn hay nhà gì đó mà chị có thể gửi gắm tâm hồn mình – anh nghĩ vậy. Anh chỉ là một người thợ lặn hiền lành, ai thuê tìm gì anh cũng nhận. Bởi vậy anh thuộc nằm lòng ở đáy khúc sông này có những gì. Còn lòng chị, anh có lặn cả đời cũng không thể biết được nó nông sâu đến đâu…
- Bữa nay nhà có gì ăn không con? – bà Năm nhà kế bên thương cảnh “gà trống nuôi con” của anh nên hay sang hỏi thăm. Nhà có gì nhiều một chút bà cũng bưng sang cho hai cha con. “Tội nghiệp, tính nó thật thà, hiền lành vậy mà cưới nhầm con vợ đa đoan” – bà hay chua chát nghĩ như vậy.
- Dạ có được mấy ký cá tạp con chài được hồi sáng rồi bà Năm. Để dành ăn cũng được ít bữa. À mà thằng Nguyên Tiêu có sang nhà bà không, trời sụp tối rồi mà chưa thấy nó về.
- Nó ở bển chứ đâu. Đang phụ ổng làm lại giàn bếp cho tao kìa.
- Tội nghiệp nó, không dưng mồ côi mẹ. Mà không biết giờ này… - anh bỏ lửng câu nói, thở hắt ra buồn bã.
- Mày lo thân mày trước đi. Nó bỏ mày theo trai, mày còn tiếc nuối làm gì. Đồ cái thứ… - bà Năm cũng bỏ lửng câu mắng khi bắt gặp ánh mắt xa xăm của anh nhìn ra khúc sông – nơi chị để lại hai cha con anh với những tháng ngày vò võ, quạnh hiu.
Nhà không có bóng đàn bà mới cô quạnh làm sao. Anh thì chịu được, chỉ tội cho thằng Nguyên Tiêu thiếu vắng tình mẹ. Nó đang bước vào tuổi dậy thì mà, thích tìm hiểu đủ thứ. Nó luôn thắc mắc sao cha cứ thích thổi sáo lúc buồn, lại chọn ngay đêm trăng sáng mà thổi đến khuya lơ khuya lắc. Nhiều đêm nó giật mình mấy bận mà vẫn thấy bóng cha hắt vào cửa phòng, nó thấy buồn lắm mà không dám hỏi.
Vậy là chị đã bỏ khúc sông này đi hơn mười lăm năm rồi. Cảnh vật cũng thay đổi nhiều. Căn nhà ven sông thuở nào cũng không còn. Hai cha con thằng Nguyên Tiêu cũng “đổi đời” được chút xíu. Anh được hàng xóm thương tình, cất cho căn nhà tình thương ngay sát mép sông cũ, nhưng đã cách xa bờ sông một quãng. Giờ anh chạy xe ôm nuôi con học đại học. Khúc sông bây giờ đã vui hơn ngày trước bởi đã có nhịp cầu nối sang bờ bên kia.
Cũng vào một đêm, ánh trăng rắt thứ ánh sáng dìu dịu xuống bờ sông. Hàng dừa nước trước mặt nhà rũ mình trước gió, reo vui như chào đón một người cũ quay về. Là chị. Anh lặng câm không thốt thành lời khi từng lời xin tha thứ phát ra từ người đã từng là vợ của mình. Những giọt nước mắt tủi phận muộn màng xin nối lại duyên xưa, bởi chị đã gặp bất hạnh khi trót trao thân cho kẻ vũ phu đội lốt công tử.
“Giận lắm cũng đành ru lại câu hò thủy chung…” - Nhà ai phát ra bản nhạc sao đúng tâm trạng của anh đến thế. Đêm nay cũng lại là đêm trăng sáng, Nguyên Tiêu thấy cha lại đem chiếc sáo quen thuộc ra bờ sông ngồi thổi một mình. Nó cảm nhận được, trong tiếng sáo đêm nay có chút gì đó rạo rực pha lẫn bồi hồi, chứ không còn não nuột như mọi lần. Anh đang tấu lên một khúc nhạc khác cho cuộc đời mình…!