Người đàn ông được "tôn sùng" như cây cổ thụ giữ đại ngàn

(PLO) - Ông Mùa A Tủa (77 tuổi, ở khu II, thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ, Lai Châu) - người được ví như “cây đại thụ” trên cao nguyên Sìn Hồ vì là tấm gương sáng để bà con dân tộc địa phương học tập, làm theo.
Ông Tủa tuyên truyền cho bà con về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước

Ông Tủa từng tham gia Đội quân du kích Tả Ngảo từ năm 14 tuổi, cùng 62 người con của đồng bào dân tộc Mông tại 6 xã vùng cao trong huyện với vai trò liên lạc viên.

Thời điểm đó, có 1 tiểu đoàn của quân thực dân Pháp đóng quân tại Sìn Hồ, ngoài các vị trí Sà Dề Phìn, Noong Hẻo, Pa Há, Pu Sam Cáp, Pa Tần, Nậm Mạ... còn có 1 đại đội đóng ở trung tâm huyện lỵ, 2 đại đội đóng ở các xã Nậm Cuổi, Nậm Mạ. Hàng ngày, chúng vào các bản bắn chết dê, bò, ngựa của nhân dân để tối đem về mổ thịt ăn, hễ ai cản là chúng bắn chết khiến nhân dân căm phẫn.

Nhiệm vụ của ông Tủa lúc đó là đưa thư mật cho bội đội, dẫn đường chỉ lối cho bộ đội đánh vào sào huyệt của thực dân Pháp. Trong đội du kích của ông Tủa có 16 người (độ tuổi từ 13 - 40), ai cũng nhiệt huyết dẫn đường chỉ lối và vận động nhân dân chống Pháp, làm lán bí mật để cất giấu lương thực, tài sản, đề phòng địch phá hoại.

Để đưa được thư liên lạc cho bộ đội, ông Tủa đã phải băng qua những khu rừng già, vượt qua nhiều đèo, suối và đi bộ hàng tuần để tránh bị địch phát hiện. Trong suốt thời gian làm du kích, ông Tủa 2 lần bị địch phát hiện và vây bắt, nhưng với sự thông minh, thông thạo địa bàn, ông đã may mắn thoát hiểm. Đến cuối năm 1953, toàn huyện Sìn Hồ được giải phóng nhưng ý chí căm thù quân cướp nước không cho phép ông nghỉ ngơi, ông Tủa tiếp tục xung phong đi bộ đội, tham gia diệt phỉ, trừ gian.

Là người chiến sỹ cách mạng đã trải qua nhiều thử thách, ông Tủa thấm thía rằng, để giữ gìn từng mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, biết bao thế hệ cha anh đã phải cống hiến công sức, thậm chí phải anh dũng hy sinh. Bởi vậy, ông hiểu hơn ai hết cái giá của cuộc sống bình yên như ngày hôm nay.

Trở về với cuộc sống thời bình, ông Tủa tiếp tục vận động con cháu, dòng họ góp sức xây dựng quê hương Sìn Hồ giàu đẹp. Với uy tín của mình, ông thường xuyên đến từng nhà động viên, thăm hỏi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con; kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Vận động bà con ăn, ở hợp vệ sinh, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; tham gia ý kiến giúp các bản xây dựng quy ước, hương ước để mọi người dựa vào đó ứng xử tốt với nhau, không gây mất đoàn kết ở địa phương, không nghe kẻ xấu tuyên truyền đạo trái pháp luật, di cư tự do…

Bản thân ông cùng gia đình luôn gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của thị trấn và khu phố đề ra. Không chỉ vậy, ông còn tuyên truyền, phổ biến, động viên bà con thường xuyên đóng góp và ủng hộ các loại quỹ giúp hộ nghèo và học sinh hiếu học có động lực vươn lên trong cuộc sống, công tác và học tập.

Những năm 2007, 2008, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc phát triển cây cao su trên địa bàn huyện. Là một chủ trương mới, liên quan trực tiếp đến phong tục tập quán của bà con trong huyện nên thời gian đầu, nhiều gia đình không chịu chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ trồng cây nông nghiệp sang cây công nghiệp. Bởi theo cái lý của họ, cây cao su không cho nguồn lương thực để làm “no cái bụng” như cây lúa, cây ngô. Vì thế, nhiều hộ không hợp tác, đặc biệt là ở các xã: Làng Mô, Tủa Sín Chải, Nậm Cuổi, Ma Quai…

Có thời điểm, công tác vận động “căng như dây đàn” vì bà con nhất quyết không nghe theo chính quyền thực hiện chủ trương mới, ông đã cùng cán bộ xã, huyện xuống từng địa bàn phối hợp với các già làng, trưởng bản, người có uy tín để tuyên truyền giải thích cho người dân. Với sự gần gũi, cách tuyên truyền có tình, có lý như người thân trong gia đình, ông Tủa đã phân tích, giảng giải về những lợi ích của việc trồng cây cao su, bà con đã hiểu và nghe lời ông, nhiều hộ còn góp đất, vận động người thân xin vào làm công nhân công ty cao su để có nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Nhờ vậy, đến nay huyện Sìn Hồ đã có 12 xã trồng cây cao su, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho người dân trong huyện.

Trong câu chuyện với chúng tôi, điều làm ông mãn nguyện nhất bây giờ là các con, cháu ông đều đã trưởng thành. Hiện nay, dòng họ Mùa của gia đình ông Mùa A Tủa có 9 người tốt nghiệp đại học, 5 người tốt nghiệp cao đẳng và trung cấp, 11 người là đảng viên, 6 người tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị và hiện đang công tác tại các cơ quan nhà nước của tỉnh, huyện, góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp.

Đọc thêm