Và rồi, không phụ nỗ lực bền bỉ đó, ở chính tại nơi trơ cằn sỏi đá tưởng như hoang hóa, rừng cây đã lại một lần nữa xanh tốt. Người tái sinh rừng cây thu nhỏ xanh mướt, tạo nên một hiệu ứng trồng rừng ở Hướng Hiệp ấy là Hồ Ra Ơi, sinh năm 1970.
Đã là đam mê thì ai nói gì mặc kệ
Những ngày ấy, người ta thường hay bắt gặp Ra Ơi đi về từ phía rừng thẳm vào khoảng chập tối, trên lưng đeo a chói (gùi đựng đồ của người đồng bào - PV) lất phất vài ba cây rừng. Chẳng ai biết chàng ta đang làm gì. “Thời đó, họ nói mình điên. Đi rừng lắm bị con ma rừng nó bắt mất hồn khôn, nên chẳng ai để ý tới việc làm của mình hết. Kệ thôi, mình thích thì mình làm! Ai nói gì mặc kệ. Đam mê trong người rồi, nên còn sức là cứ lấy về trồng càng nhiều càng tốt. Đất hoang mênh mông đó mà, để cỏ mọc phí lắm!” - Hồ Ra Ơi trần tình.
Còn nhớ, vào những năm cuối thế kỷ XX, dù chiến tranh đã lùi xa nhưng dưới lớp đất rừng trên địa bàn huyện Đăk Rông cũng như một số huyện khác ở Quảng Trị, hàng tá bom mìn vẫn còn im ỉm đe dọa tính mạng dân làng. Nhiều đội rà, đào phế liệu, bom mìn nghiệp dư sau chiến tranh được hình thành. Từng đoàn người ngày đêm luồn rừng để mưu sinh. Cũng bởi nghiệp dư, nên nhiều người phải chịu cảnh què cụt suốt đời, thậm chí còn bỏ mạng trong rừng thẳm. Mỗi chuyến lội rừng để rà, đào phế liệu diễn ra khoảng 15 đến 30 ngày. Họ lùng sục khắp các nẻo rừng giữa đại ngàn Trường Sơn.
Cũng là thành viên trong những đội rà đào phế liệu nghiệp dư ấy. Trong một lần đi rừng, Hồ Ra Ơi bắt gặp nhiều cây gỗ giống nhỏ, mọc ngổn ngang bên một con suối. Trong đầu Ra Ơi chợt nhớ ngay về khoảng đồi trọc lốc, cỏ mọc tràn lan phía sau nhà mình: “Tại sao lại không đem chúng về trồng ở đó, nếu thành công sau này mình có nguyên một rừng cây xanh tốt, đầy gỗ quý. Để chúng lại đây rồi cuối cùng dân làng cũng sẽ phát, đốt sạch không còn một cây” - Ra Ơi thầm suy nghĩ.
Mang rừng về nhà
Hồ Ra Ơi nhớ lại: “Ngày xưa, đất đai bỏ hoang nhiều lắm, chứ không giống như bây giờ. Cứ qua mùa lúa rẫy, mấy khoảng đồi canh tác xong bị bỏ hoang đó cho cỏ mọc. Tiếc quá nên mình lên rừng đào cây gỗ giống về trồng. Nó sống trên rừng được thì về đây cũng sống được thôi. Vẫn biết là làm vậy sẽ tiếp tay cho việc phá rừng nên mình cũng không dám lấy nhiều cây gỗ giống về, chỉ tỉa lấy vài ba cây, rồi lại qua vùng rừng khác tìm lấy tiếp”.
Sau khi đem số cây rừng về trồng thử tại vườn nhà, cây cứ thế đâm chồi xanh tốt. Ra Ơi vui mừng khôn xiết, khăn gói quyết định thực hiện những chuyến ngược rừng để săn tìm giống cây gỗ quý đem về ươm tại vườn. Để rồi, đến mùa mưa người ta lại thấy Ra Ơi đội mưa, mang cây lên những khoảng đồi trơ trọc sau bản Khe Van để đào hố trồng.
Những ngày đó, Ra Ơi tựa như một con thú hoang trong rừng xanh vậy. Một mình lùng sục hết khu rừng này sang rừng khác. Lúc ấy, chàng thanh niên chỉ mới 26 tuổi, vóc người quắc thước, nước da đen đậm màu xứ núi. Nhiều khi, Ra Ơi phải đi sang những vùng rừng xa hơn, nên chuyến đi kéo dài cả tuần. Ngày thì cặm cụi đào bới trong khu rừng, đêm đến thì tìm chạng cây lớn hoặc cắm lán nhỏ đốt lửa để ngủ, tránh rắn rết thú rừng. Thành quả sau mỗi chuyến xuyên ngàn ấy là vài ba chục cây gỗ giống nhỏ đủ các loại.
Một điều “gàn” hơn trí tưởng tượng của đồng bào Khe Van này. Đó chính là việc Ra Ơi tuy đã tìm thấy rất nhiều cây giống trong rừng, nhưng lại không đào lấy cho bằng hết mà chỉ đào dăm ba cây rồi lại luồn vùng rừng khác. Nhiều bận, người dân ghé tai thủ thỉ: “Đã tìm được sao không đào cho hết mà mang về trồng, chứ rừng núi thì thiếu gì cây gỗ giống mà phải lặn lội vậy cho cực”. Ra Ơi đáp lời lại rằng: “Nếu lùng đào hết cây giống khi cây già chết đi lấy đâu cây con để thay thế chỗ trống đó, luật tre già măng mọc là như vậy đó. Đào bới bằng hết có khác nào gián tiếp phá rừng”.
Theo Ra Ơi nghĩ thì nay Nhà nước đã cấm không cho xâm phạm đến rừng nên mình không đi rừng lấy giống cây nữa. Với lại dân làng họ đã ý thức được vai trò của rừng nên không đốt, phá nữa. Ngoài kia, người ta cũng đã nhân được nhiều giống cây gỗ quý ở rừng rồi, nên đi mua về trồng thôi, trồng lên cây nào sống trăm phần trăm cây ấy.
Mấy hôm trước, có nhiều người miền xuôi tìm lên để gạ mua cả khu rừng của Ra Ơi với giá khá cao nhưng vì thấy cây đang tuổi lớn bán thì tiếc quá. Với lại, Ra Ơi nghĩ rằng rừng cây ở đó với mình gần 20 năm nay, bán đi thì không được. Để đó, sau này còn có cái mà khoe với dân làng nữa chứ.
Hiệu ứng rừng cây mang tên Hồ Ra Ơi
Đến nay, dân làng và chính quyền địa phương xã Hướng Hiệp đều đã biết đến công dụng của rừng cây Hồ Ra Ơi. Người dân thì tấm tắc khen thẳng, đẹp, kỳ diệu… Chính quyền thì lấy rừng cây của Ra Ơi ra làm gương để bà con học hỏi theo mà không phá rừng nữa.
Ông Hồ Quang Điền, Bí thư xã Hướng Hiệp (Đắk Rông – Quảng Trị) cho biết: “Mỗi lần đi vận động bà con, chúng tôi thường lấy rừng cây và việc làm của anh Hồ Ra Ơi ra để làm minh chứng. Làm sao để sau này, người ta noi gương đó mà giữ rừng, trồng thêm để cải thiện rừng xanh. Nhờ vậy, mấy năm nay trong xã đã thấy nhiều hộ dân mon men trồng theo. Nay, đã có giống các loại gỗ quý ấy rồi, bà con chỉ việc tìm mua về rồi trồng, nên tỉ lệ cây sống trên đất khá cao. Ra Ơi không chỉ giữ rừng vì đam mê mà còn giữ rừng cho tương lai bản Khe Van mai sau nữa”.
Ở Khe Sàm (sau bản Khe Van), nước chảy mạnh, người ta ngăn thành những vũng lầy lớn. Từng đàn trâu đầm mình mơn trớn trong những vũng lầy đó. Qua Khe Sàm là đến khu rừng huyệng (hay còn gọi là huỷnh) xanh tốt gần 20 năm tuổi của Ra Ơi.
Theo chân Ra Ơi vào giữa rừng cây, chúng tôi đếm ngót nghét 1000 cây gỗ quý, nhiều cây có đường kính trung bình khoảng 50-60cm, vươn mình thẳng thước. Vừa đi, Ra Ơi vừa lý giải tỉ mẩn cho chúng tôi hiểu từng đặc tính riêng biệt của những loài gỗ quý mà trước kia đã mang từ rừng về trồng. Rừng gỗ quý ngàn cây của Hồ Ra Ơi, mọc ken dày sau khe Sàm, nuôi dưỡng con nước quanh năm cho khe suối.
Kỳ diệu thay, trên khoảng đất đồi vốn trơ cằn sỏi đá trước kia và nay những thân gỗ đã đâm rễ rắn chắc; thân và tán vươn vai chọc trời thẳng thước. Sự trù mật, mỡ màu của đất cằn đã được những tán cây rừng tái sinh trở lại.
Ra Ơi rỉ tai tôi: “Là người con Vân Kiều, sinh ra từ rừng cây, chết cùng rừng mà giờ quay lại phá rừng thì mang tội lớn. Rừng cây của mình thì vẫn chưa đến đâu cả, nhưng giá như trong bản hay cả xã này đồng loạt làm như mình thì các bản sẽ được rừng cây ôm ấp quanh năm vậy. Người ta sẽ nể phục dân mình lắm! Con em Vân Kiều sau này chúng được học nhiều, biết nhiều rồi sẽ biết đến giá trị của nó mà quý trọng rừng hơn”.
Tuy không trù mật như những khu rừng nguyên sinh về hệ sinh thái và số lượng cây gỗ. Nhưng việc làm và suy nghĩ táo bạo của Hồ Ra Ơi ở bản Khe Van này, đã tạo được một hiệu ứng tích cực, về công tác giữ gìn và khôi phục những khu rừng già phía tây Quảng Trị. So với hệ trục tư tưởng của buôn làng Khe Van lúc bấy giờ thì Ra Ơi đúng là một…“kẻ gàn” thực sự. Nhưng với chúng tôi và những người đã nghe mấy lời tâm niệm ruột gan của Ra Ơi, phần nào cảm phục cái triết lý đơn điệu mà thấm nhuần đó của ông.