Người đàn ông làm... "mẹ" 10 đứa trẻ bất hạnh

Khi chúng tôi hỏi già Hồ Mơ là đã 74 tuổi rồi, già có còn muốn nhận trẻ bất hạnh về nuôi nữa không, ông xúc động nói: “74 tuổi chứ 90 hay 100 tuổi tui gặp đứa mô mà mồ côi không nơi nương tựa tui cũng mang về nuôi hết. Tui già nhưng tình thương yêu con trẻ và lòng thương người trẻ mãi không khi mô già!”.

Với một trái tim rộng lớn, một tình thương người vô bờ khó người nào có được, dù là trong hoàn cảnh nào, hễ cứ gặp trẻ con bị bỏ rơi, trẻ mồ côi ông đều mang chúng về nhà nuôi nấng, chăm sóc như chính con ruột mình. Người mà chúng tôi đang nhắc đến là thương binh 1/4 , già Hồ Mơ, bản Prin C, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị).

Ngôi nhà sàn nằm sâu trong bản Prin C, rộng rãi như chính tấm lòng già Hồ Mơ đối với những đứa trẻ bị bỏ rơi trong những năm thời chiến và cả thời bình. Tiếng những đứa trẻ nói cười rúc rích vọng xuống khi chúng tôi vừa đặt chân lên bậc tam cấp nhà.

ông Hồ Mơ đang kể chuyện với tác giả về những lần gặp những đứa con của ông mà mang về trong gian khó
Ông Hồ Mơ đang kể chuyện với tác giả về những lần gặp những đứa con của ông mà mang về trong gian khó

Duyên làm “mẹ”

Nhắc đến già Hồ Mơ nhận nuôi những đứa trẻ mồ côi, bị bỏ rơi là cả một câu chuyện dài thấm đẫm tình người. Sinh ra ở miền tây tỉnh Thừa Thiên – Huế (huyện A Lưới), năm 18 tuổi, chàng trai Hồ Mơ (người dân tộc Pakoh) tình nguyện tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương theo tiếng gọi của Bác Hồ.

Trong chiến trường Bình – Trị - Thiên, khi đang trên đường hành quân, Hồ Mơ bắt gặp thằng nhỏ Hồ Văn Thố mất cha mẹ sau một trận càn quét của địch. Cảm thương đứa nhỏ khát sữa đói ăn lại mồ côi, ông mang đứa trẻ về nhờ mẹ đẻ chăm sóc rồi lại vào chiến trường.

Rồi sau cái lần đó, như có một “duyên nợ”, cứ nghe tin ở đâu có trẻ bị bỏ rơi, mồ côi là Hồ Mơ lại tìm đến xin đưa về chăm sóc. Lần lượt 10 đứa trẻ được ông mang về dù bản thân kinh tế cũng chẳng khấm khá gì. “Chiến tranh liên miên, gia đình cũng chỉ đủ ăn nên có thêm người lại thêm khó khăn nhưng thấy chúng đói khát, bố lại không đành lòng nào làm ngơ được. Có lẽ không riêng bố mà ai trong hoàn cảnh đó cũng rứa. Cứ mỗi lần ăn lương khô hay quà của các đồng đội chia cho là bố lén bớt lại chỉ cắn một ít cho bạn bè đồng đội vui, rồi cất giấu, lén mang về cho mấy đứa nhỏ ăn” - già Hồ Mơ hồi tưởng.

Tình cha không biên giới

Hòa bình lập lại, già Hồ Mơ về quê sống cùng vợ con và những đứa nhỏ với chế độ thương binh 1/4. Cách chỉ có một ngọn núi sau lưng làng Prin C, nên già thường hay sang Lào mua bán, đổi các loại sản phẩm của rừng núi.

Gần 10 năm trước, bên bản Tả Hùn (nước Lào) bị một trận dịch bệnh, dân bản phần chết bệnh, phần bỏ đi vì bệnh dịch khủng khiếp quá. Lần đó, già sang bên đất bạn thì nhìn thấy hai đứa trẻ mình mẩy lở loét, đứa rên rỉ, đứa còn đỏ hỏn vừa mới sinh, khóc đòi bú sữa. Già gồng mình, đứa bồng đứa cõng mang cả hai đứa vượt qua ngọn núi xa tít về Prin C chăm sóc.

Gia đình xa trạm y tế xã, với chút kinh nghiệm nho nhỏ trong thời lính, già vào rừng tìm lá thuốc rừng để chữa bệnh cho cả hai đứa. Bây giờ, hai đứa con nuôi út già mang từ Lào về là Hồ Thị Tun - 12 tuổi và Hồ Văn Tiêm - 8 tuổi đang đi học, thỉnh thoảng lại được già Mơ đưa về đất Lào thắp hương cúng tổ tiên. Già tâm sự: “Với tui, tình thương nó không có biên giới, nó cũng như người Lào và người Việt cùng tắm chung một con sông vậy. Lào cũng rứa, Việt – Lào là anh em mà, nên những đứa trẻ này cũng như những đứa con ruột mình rứa thôi…”.

Mỗi đứa trẻ già Hồ Mơ gặp trong mỗi hoàn cảnh khác nhau, không ai giống ai nhưng tất cả đều được chăm sóc dưới tình thương của một người cha, “người mẹ” vô bờ bến. Lần lượt, Hồ Ái Ta, Hồ Cơi, Hồ A Xát, Hồ Văn Thố, Hồ Xi Na, Hồ Dạ Hương, Hồ Thị Phận, Hồ Thị Phun được ông đưa về nuôi nấng và chăm sóc, nay đều khôn lớn và lập gia đình cả.

Chăm sóc cho đàn cháu nhỏ
Chăm sóc cho đàn cháu nhỏ

Già làng mẫu mực

Không chỉ nhận nuôi 10 đứa trẻ mồ côi bất hạnh, tình người của Hồ Mơ cũng được già đưa ra chia sẽ cho cả dân làng. Dân bản đây xem già như một vị “thành hoàng làng”, “vị thánh sống”,… trong việc giúp dân làng làm ăn, chống lại giặc đói. “Già Hồ Mơ chỉ cho bản làng trông lúa, trông sắn, trồng cao su đó, không có già chỉ cho thì không biết làm chi ra tiền mô…” - bà Kăn Dao nói với chúng tôi khi nhắc đến Hồ Mơ.

Cách đây gần 10 năm, già và các con đã tự huy động nhau ra hì hục đào con đường dẫn vào rừng trồng sắn; năm 2006 – 2007, bằng số tiền thu được từ 8ha đất trồng sắn, già thuê máy ủi về làm con đường dẫn vào rừng trồng cao su của cả thôn. Hiện kinh tế gia đình người thương binh Hồ Mơ đã ổn định với 5ha cây cao su 4 năm tuổi; 8ha sắn cao sản; 5ha cây bời lời; 2,5ha cây cà phê và tiêu; hơn 50 con trâu và bò trong chuồng trại…

Ngoài ra, già nhận chăm sóc, bảo vệ hơn 20 ha rừng keo tràm của lâm trường. Mỗi người con nuôi lớn lên lập gia đình, đều được già làm nhà cửa đàng hoàng. Ngôi nhà ông lại đầy ắp tiếng cười, tiếng con cháu tụ họp mỗi khi có việc: “Thấy đứa mô cũng khỏe, con cháu về là tui vui lắm, con đẻ cũng như con nuôi đều về hết. Ngày tết chúng về chúc thọ kín nhà, ăn hết một con trâu to và mấy chum rượu của già đó”.

Năm nay đã ở tuổi 74, nhưng hằng ngày người thương binh với một chiếc chân gỗ vẫn hàng ngày đi kiểm tra từng khu rừng. Khi chúng tôi hỏi già Hồ Mơ là đã 74 tuổi rồi, già có còn muốn nhận trẻ bất hạnh về nuôi nữa không, ông xúc động nói: “74 tuổi chứ 90 hay 100 tuổi tui gặp đứa mô mà mồ côi không nơi nương tựa tui cũng mang về nuôi hết. Tui già nhưng tình thương yêu con trẻ và lòng thương người trẻ mãi không khi mô già!”.

Rời xa bản Prin C, tiếng tù và thổi vang vọng ra đến cuối bản, xa xa những thiếu nữ người Pakok với váy áo đỏ xúng xính đi sắm Tết. Mùa xuân đã về đến đỉnh Trường Sơn rồi. Thêm một mùa xuân nữa đã đến, chúc già Hồ Mơ mãi mãi khỏe để có nơi cưu mang những đứa trẻ bất hạnh…

Ngô Toàn

Đọc thêm