"Nhà nước đã có cơ chế cho hộ cận nghèo vay vốn sản xuất kinh doanh, chúng tôi không ngại “thoát nghèo” nữa", nhiều hộ nghèo người dân tộc Rắc Lay (huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) tâm sự khi được tin Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ cận nghèo.
Ông Cao Văn Hiệp (thôn Hòn Dù, xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh) kể, năm 2009 gia đình ông được NHCSXH huyện Khánh Vĩnh cho vay 20 triệu đồng từ Chương trình vay vốn sản xuất kinh doanh (SXKD).
Bà Trần Thị Việt, Tổ trưởng Tổ vay vốn thôn Hòn Dù, xã Khánh Nam. |
Từ nguồn vốn này, gia đình ông trồng được 1 ha mía và 2 ha keo lá chàm. Tiền thu hoạch mía, gia đình đã trả được lãi hàng tháng cho NHCSXH. Đầu năm 2013, gia đình ông tính bán 2 ha keo lá chàm sẽ đủ tiền trả nợ cho ngân hàng.
“Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay hộ cận nghèo đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhằm góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Mức cho vay đối với hộ cận nghèo do NHCSXH và hộ cận nghèo thỏa thuận nhưng không vượt quá mức cho vay tối đa phục vụ sản xuất kinh doanh áp dụng đối với hộ nghèo trong ừng thời kỳ. Lãi suất cho vay bằng 130% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ”… Trích Quyết định 15/2013/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ cận nghèo |
“Mấy hôm trước thôi, vợ chồng tôi trắng đêm tính, trả nợ ngân hàng rồi, vốn đâu ra để tiếp tục làm ăn. Cố gắng mãi mới khá hơn chút, nhưng nói chuyện “thoát nghèo” là thấy ngại”, ông Hiệp băn khoăn.
Tâm sự của ông Hiệp cũng là tâm sự chung của hàng chục gia đình người Rắc Lay còn vất vả ở vùng quê Khánh Vĩnh này. Số liệu điều tra của UBND huyện Khánh Vĩnh cho thấy, trong tổng số 7.953 hộ dân với 35.677 nhân khẩu (đa số là đồng bào dân tộc Răc Lay), toàn huyện có 2.767 hộ nghèo và 1.817 hộ cận nghèo (chiếm 57,75% dân số toàn huyện).
Đến cuối năm 2012, toàn huyện có tổng số 5.803 hộ nghèo và cận nghèo hiện đang có quan hệ vay vốn ưu đãi tại NHCSXH huyện Khánh Vĩnh với tổng dư nợ là 101,433 tỷ đồng. Vốn ưu đãi, cùng với các chính sách khác của Nhà nước như hỗ trợ xây nhà ở, cấp phát giống, cây trồng, vật nuôi, muối ăn, cấp thẻ bảo hiểm y tế… đã giúp nhiều hộ nghèo khắc phục khó khăn và vươn lên thoát nghèo.
Thế nhưng, có thực tế nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số “sợ” nói chuyện “thoát nghèo”. Bởi, nói là thoát nghèo đó, nhưng điều kiện của các hộ này mới hơn các hộ nghèo "chút đỉnh", vẫn trong tình trạng khó khăn như nhau, và chưa có gì đảm bảo việc tái nghèo sẽ không xảy ra.
Bà Cao Thị Liên - cán bộ phụ nữ, phụ trách công tác giảm nghèo xã Khánh Nam - cho biết: “Cuối năm 2012, khi đi điều tra hộ nghèo, thấy một hộ làm ăn khá giả hơn, chúng tôi đưa vào danh sách thoát nghèo. Thế nhưng, các hộ đều chần chừ nại lý do để không chấp nhận đã thoát nghèo, mà vẫn muốn nằm trong diện hộ nghèo để tiếp tục được hưởng chính sách của Nhà nước…”.
Bà Trần Thị Việt, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn thôn Hòn Dù, xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh, kể với chúng tôi, đa phần dân cư là đồng bào dân tộc Răc Lay, cuộc sống còn quá nhiều khó khăn, thiếu thốn. Ngoài nguồn hỗ trợ của Nhà nước, thì nguồn lực từ người dân còn hạn chế.
“Vươn lên thoát nghèo thì ai cũng muốn cả, nhưng thoát nghèo chưa bền vững mà lại thiếu hụt vốn để tiếp tục sản xuất kinh doanh, nguy cơ tái nghèo đe dọa, nên bà con mới “lừng chừng” xin “ở lại” danh sách hộ nghèo. Giờ, thoát nghèo vẫn được vay vốn tín dụng chính sách để có nguồn lực làm ăn, bà con phấn khởi lắm”, bà Việt nói. “Không còn bị hụt hẫng nữa, bà con sẽ yên tâm thoát nghèo, phấn đấu để thoát nghèo bền vững”.
Nói về câu chuyện hộ nghèo – hộ cận nghèo, bà Phan Thị Hoàn – Q.Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Khánh Hòa – chia sẻ, trên địa bàn toàn tỉnh hiện đang có khoảng 40% số hộ cận nghèo có nguy cơ tái nghèo trở lại. “Tuy nhiên, Chính phủ đã có chủ trương cho các đối tượng hộ cận nghèo tiếp tục được vay vốn ưu đãi để sản xuất kể từ 16/4/2013. Đây thực sự là một tín hiệu vui cho những hộ cận nghèo trong những ngày đầu năm 2013 này”, bà Hoàn nói.
Hùng Lượng