Người dân ùn ùn trở lại Sài Gòn, Hà Nội sau kỳ nghỉ lễ

Dưới cái nắng gay gắt gần 40 độ C, nghìn nghịt người chạy xe máy trở lại TP HCM; các cửa ngõ vào Hà Nội cũng ùn tắc.

Chiều 1/5, dòng người, xe từ đầu bờ Nhơn Trạch (Đồng Nai) xếp hàng dài chờ qua phà Cát Lái về TP HCM để chuẩn bị đi làm trở lại vào ngày mai.

15h, nhân viên bến phà phải chia thành nhiều tốp len lỏi vào dòng người để bán vé từ xa nhưng không xuể. Thời tiết oi bức cộng với hơi nóng từ máy xe, khói bụi ngột ngạt... khiến gương mặt ai cũng lộ vẻ mệt mỏi. Nhiều cháu nhỏ được cha mẹ trùm kín ngủ ngặt nghẽo, hoặc gục hẳn xuống đầu xe, thỉnh thoảng lại giật mình vì tiếng còi xe.

Người dân đội nắng chờ phà Cát Lái ở phía bờ Nhơn Trạch (Đồng Nai). Ảnh:Hữu Nguyên.

Người dân đội nắng chờ phà Cát Lái ở phía bờ Nhơn Trạch (Đồng Nai). Ảnh:Hữu Nguyên

Mồ hôi nhễ nhại, mặt đỏ phừng phừng, vợ chồng anh Hiếu và hai con đứng chờ phà hơn nửa tiếng vẫn chưa đến lượt. Gia đình anh tranh thủ từ Vũng Tàu lên lại Sài Gòn sớm vì sợ chiều mát nhiều người cùng đổ về phà một lúc sẽ kẹt xe.

"Hôm nay là ngày nghỉ cuối nên nhiều người cũng tranh thủ lên thành phố lại như mình nên mới ra cảnh này. Chạy xe không mệt mà chờ phà giữa nắng nóng thế này không khác cực hình. Mong cầu Cát Lái sớm được xây cho người dân nhờ", anh Hiếu nói.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn (Phó giám đốc Xí nghiệp quản lý phà Thanh niên xung phong TP HCM) cho biết, các phà công suất lớn hoạt động liên tục nhưng quá nhiều xe cùng dồn từ Vũng Tàu về TP HCM nên bị quá tải. Tuy nhiên, nhờ bến phà hiện có hai cầu dẫn lên xuống nên xe không phải xếp hàng quá dài chờ như trước đây.

"Chiều nay bến có 7 phà chạy liên tục để phục vụ người dân từ các tỉnh quay lại TP HCM. Giờ trời còn nắng và oi bức nên chưa vào cao điểm, dự kiến trễ xíu sẽ đông hơn. Ước tính cả ngày có khoảng 90.000 phương tiện qua phà", ông Tuấn nói.

Ở cửa ngõ phía Tây thành phố, từ 15h quốc lộ 1 bắt đầu đông xe. Hàng nghìn phương tiện nối đuôi nhau di chuyển chậm dưới nắng gắt. Đoạn từ cầu Bình Điền đến vòng xoay An Lạc dẫn vào bến xe miền Tây ùn ứ kéo dài, ôtô nhích từng chút một trong khi xe máy lao lên vỉa hè để đi. Tại các giao lộ, CSGT chia nhau phân luồng, ai cũng nhễ nhại mồ hôi.

Người dân các tỉnh miền Tây quay lại TP HCM bằng xe máy trên Quốc lộ 1. Ảnh: Duy Trần

Người dân các tỉnh miền Tây quay lại TP HCM bằng xe máy trên quốc lộ 1. Ảnh:Duy Trần

Khệ nệ chở theo mớ trái cây cùng vợ con từ Tiền Giang lên, anh Tuấn cho biết đi từ sớm để tránh kẹt xe vào cuối giờ chiều nhưng đường vẫn khá đông. "Trời nắng nóng kinh quá nhưng vợ chồng tôi chịu cực một chút, chứ để chiều hoặc tối lên lại  Sài Gòn sẽ kẹt cứng. Như hôm Tết vợ chồng tôi đi, nửa đêm mới đến được phòng trọ, mai không có sức đi làm lại", anh Tuấn nói.

Trước đó, từ 15h30, hàng nghìn xe máy, ôtô từ các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh nối đuôi khoảng 5 km qua cầu Rạch Miễu để về TP HCM. Sau khi qua trạm thu phí, ôtô được cảnh sát giao thông chặn lại theo từng đợt để tránh kẹt xe giữa cầu. Tuy nhiên, do lượng xe máy khá đông, nên dòng phương tiện phải chen chúc nhau di chuyển. Nhiều xe cấp cứu đi về TP HCM bị kẹt cứng, phải nhờ cảnh sát mở đường chạy qua làn đường ngược lại để qua cầu.

Ở phía đầu Tiền Giang, hàng chục cảnh sát cũng túc trực tại khu vực chân cầu, chặn bớt lượng ôtô đổ về Bến Tre.

Ông Hà Ngọc Nam - Phó giám đốc Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu cho biết, lượng xe trong đợt lễ này khoảng 22.000-23.000 lượt mỗi ngày, tăng gần 25% so với ngày bình thường. "Do kẹt xe, trong đợt lễ trạm đã xả 5 lần, tổng thời gian khoảng 150 phút. So với đợt lễ năm ngoái, năm nay lượng xe nhất là xe máy tăng khoảng 10%", ông Nam nói.

Đến 17h30, dòng xe di chuyển từ các tỉnh miền Tây về TP HCM mỗi lúc một đông hơn.

Dòng xe kẹt cứng chờ qua cầu Rạch Miễu phía bờ Bến Tre. Ảnh: Hoàng Nam.

Dòng xe kẹt cứng chờ qua cầu Rạch Miễu phía bờ Bến Tre. Ảnh:Hoàng Nam

Trên tuyến cao tốc TP HCM, lượng xe từ hướng Đồng Nai đổ về Sài Gòn đang rất đông. Tại khu vực trạm thu phí Long Phước xảy ra tình trạng ùn ứ, ôtô di chuyển chậm. Đơn vị quản lý đã mở thêm 4 làn thu phí để hạn chế ùn tắc.

Bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Đường cao tốc Việt Nam (VEC E, đơn vị quản lý tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây) cho biết, trong 5 ngày nghỉ lễ có khoảng 278.000 lượt xe lưu thông qua cao tốc. Trong đó, ngày 27/4 lưu lượng xe đông nhất gần 61.000 lượt (gấp 1,5 lần so với ngày thường).

Trong 5 ngày nghỉ lễ có 21 sự cố, tai nạn (xe hư hỏng, bị cháy và va chạm nhau) xảy ra trên cao tốc này. Vụ tai nạn lúc 18h chiều qua khiến các xe từ Đồng Nai đổ về TP HCM ùn tắc kéo dài hơn 7 km. Nhân viên đường cao tốc đã phân luồng, điều tiết nhưng phải mất hơn 2 giờ, lưu thông mới bình thường trở lại.

Lối xuống của đường Vành Đai 3 trên cao (Hà Nội) luôn trong tình trạng kẹt cứng, chiều nay. Ảnh: Ngọc Thành.

Lối xuống của đường Vành Đai 3 trên cao (Hà Nội) luôn trong tình trạng kẹt cứng, chiều nay. Ảnh:Ngọc Thành

Tại Hà Nội, các cửa ngõ và một số tuyến đường cũng rất đông người xe trở về thủ đô sau kì nghỉ lễ dài ngày. Đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, hướng đi về Hà Nội, ùn tắc kéo dài khoảng hơn 6 km - từ Bệnh viện Nội tiết Trung ương đến Trạm thu phí Pháp Vân. Ba làn xe đều chật kín, ôtô nối đuôi nhau nhích từng chút một. Nhiều người đi ôtô khách phải xuống bắt xe ôm vào thành phố. Đến gần 19h, tuyến đường này mới thông thoáng trở lại.

Trên đường quốc lộ 1A (cũ), người dân đi xe máy chen chúc trên đoạn Ngọc Hồi, Văn Điển đến bến xe Nước Ngầm. Đường Vành Đai 3, Phạm Văn Đồng lượng phương tiện đông hơn nhưng không xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài.

Đọc thêm