Không đành lòng nhìn lời ca, tiếng hát quê hương bị mai một
Quan họ cổ ở đất Hà Bắc xưa được biết đến như làn điệu ca dao, dân gian dễ thuộc, dễ học. Nếu như vua chúa thời xưa xem ca trù như một thể ca cung đình để thưởng thức riêng thì người nông dân chân chất xem câu ca giao duyên, đối đáp quan họ như một cách để thưởng thức ca nhạc dân dã.
Hơn 60 năm qua, ông Nguyễn Thừa Kế luôn nhận thức được tầm quan trọng của loại ca nhạc dân dã trong nhân dân, không ngừng xây dựng các câu lạc bộ quan họ trong quần chúng. Vậy nên, dù đã bước sang tuổi “cổ lai hy” nhưng ông vẫn ngày ngày “tiếp lửa” cho thế hệ đi sau bằng cách dạy lớp trẻ hát quan họ, góp phần gìn giữ câu quan họ quê hương.
Ông Kế là một trong số rất ít các nghệ nhân có tuổi hát bằng tuổi đời cho đến nay vẫn tiếp tục truyền nghề cho thế hệ sau.
Những năm đầu sau khi đất nước giải phóng, ông Nguyễn Thừa Kế đã tích cực đi góp nhặt những làn điệu quan họ đã bị lãng quên, thu thập thành kho sách để gìn giữ cho đời sau. Bước qua cửa tử sau những năm tháng chiến tranh khốc liệt, ông tiếp tục tích cực mở các lớp dạy cho những người trẻ về lối hát giao duyên, quan họ.
Thời gian đầu, ông sử dụng sân đình, cổng làng làm nơi dạy học, cho các đôi thực hành ca hát. Sau khi phong trào được đông đảo mọi người hưởng ứng, ông tích cực giảng dạy, khuyến khích mọi người cùng thành lập các câu lạc bộ, làng quan họ nhỏ để cùng nhau thực hành, học hỏi lẫn nhau.
Những năm kháng chiến, người dân không có cơ hội để ca hát, sau kháng chiến họ phải lo mưu sinh, cải thiện cuộc sống nên quan họ bị quên bẵng đi, việc phục dựng quan họ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Nhưng với tâm huyết của người con nơi đất cổ quan họ, ông quyết tâm truyền dạy cho lũ trẻ những bài quan họ đơn giản để các cháu hiểu dần.
Ông chăm chỉ đi sưu tầm, nghiên cứu để hợp xướng làn điệu quan họ cổ hợp với lớp trẻ hơn nhưng vẫn đảm bảo giữ được hồn quan họ trong từng lời ca, tiếng hát. Hàng đêm, ông cần mẫn ngồi ngẫm nghĩ về cách luyến láy từng câu hát đến chuyện sử dụng âm điệu lên xuống đúng chuẩn mực.
Hiện ở Bắc Ninh có khoảng 49 câu lạc bộ quan họ truyền thống, trong số đó cụ ông Nguyễn Thừa Kế đã và đang góp sức “truyền lửa” cho hơn nửa trong số các câu lạc bộ quan họ quê hương. Không ít nghệ nhân đã phải dứt áo ra đi kiếm kế mưu sinh, mặc dù vẫn còn rất nặng lòng với quan họ.
Tâm sự với phóng viên, ông Kế nói: “Tôi được tiếp xúc, sống trong môi trường quan họ từ nhỏ nên đã yêu thích, nghiền ngẫm và thẩm thấu từng lời ca, tiếng hát quan họ. Tôi không đành lòng nhìn lời ca, tiếng hát quê hương bị mai một trong lớp trẻ nên đã không ngại ngần, kỳ công vun đắp, sưu tầm, bảo tồn quan họ cổ cho muôn đời sau”.
Gắn quan họ với phát triển du lịch
Nhìn lớp lớp nghệ nhân lũ lượt dứt áo ra đi, ông Nguyễn Thừa Kế không cam lòng nên đã quyết tâm đào tạo các câu lạc bộ quan họ trẻ một cách bài bản. Những giọng hát triển vọng, có năng khiếu sẽ được ông gọt giũa cẩn thận để thành lập một số câu lạc bộ quan họ chuyên nghiệp.
Hàng năm, ông giúp các câu lạc bộ có triển vọng tham gia biểu diễn ở các buổi lễ quốc gia, biểu diễn tại Hội Lim hay đi lưu diễn ở nhiều nơi trong cả nước. Bên cạnh đó, ông cũng tích cực quảng bá các cá nhân trẻ để du khách có nhu cầu thưởng thức quan họ có thể mời họ về biểu diễn.
Sau những lần đi biểu diễn như vậy, số lượng du khách có nhu cầu thưởng thức quan họ dần tăng lên, nguồn thu của các thành viên cũng vì thế mà được cải thiện đáng kể.
“Mô hình câu lạc bộ tiêu biểu đang được nhân rộng và nó cho thấy tính thiết thực ngay từ buổi đầu thực hiện. Tôi rất vui vì giờ đây nghệ nhân quan họ có thêm cơ hội để biểu diễn cho du khách nghe lại câu giao duyên. Tôi hạnh phúc vì người tham gia câu lạc bộ quan họ những năm qua tăng lên nhanh chóng” – ông Kế nói.
Mô hình đi lưu diễn được ông Kế phát động không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hơn thế, nó còn góp phần đưa câu quan họ đến gần người dân hơn, giải quyết được một phần câu chuyện mưu sinh hàng ngày của nghệ nhân.