Người ĐBSCL mua nước ngọt giá “cắt cổ”, miền Bắc El Nino vẫn đeo đẳng

(PLO) - Những ngày qua, người dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải gồng mình chống chọi với tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất.

Cung cấp bản đồ phân bố nước ngọt

Nhằm hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện một số giải pháp cấp bách để cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân ở các khu vực nguồn nước mặt bị xâm nhập mặn, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có văn bản gửi UBND các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và TP Cần Thơ  đề nghị chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp với các sở, ban, ngành tập trung khoan giếng tìm kiếm nguồn nước  ngọt dưới đất, kể cả các tầng chứa nước nằm sâu (chưa được điều tra chi tiết) để cấp nước sinh hoạt tại chỗ, trong trường hợp cần thiết có thể dẫn đi xa để kịp thời cấp nước sinh hoạt cho nhân dân.

Để có thêm thông tin làm cơ sở cho việc khoan giếng tìm kiếm nguồn nước ngọt, Bộ TN&MT cũng gửi các bản đồ phân bố nước ngọt của từng tầng chứa nước, ở các độ sâu khác nhau, các tài liệu về kết quả điều tra, đánh giá nguồn nước dưới đất trên địa bàn và thống kê chiều sâu phân bố theo từng tỉnh tầng chứa nước Miocen - tầng chứa nước trong các trầm tích bở rời nằm sâu nhất trong vùng. 

Trước khó khăn  của người dân ở các khu vực đang thiếu nước ngọt sinh hoạt, Bộ TN&MT đã hỗ trợ các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng và Cà Mau mỗi địa phương 500 triệu đồng và giao Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam tổ chức thực hiện.

Tại khu vực ĐBSCL, hạn hán và xâm nhập mặn được xem là đợt thiên tai nghiêm trọng nhất trong gần 100 năm qua. Tính đến thời điểm này, ĐBSCL có gần 139.000ha lúa bị ảnh hưởng nặng đến năng suất do thiếu nước và nhiễm mặn, khoảng 340.000 ha diện tích có khả năng bị ảnh hưởng trong thời gian tới.

Các tỉnh bị thiệt hại nhiều nhất là Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu và Bến Tre. Hơn nửa triệu dân ở các tỉnh ven biển trong vùng đang bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Ở những huyện ven biển, một số vùng người dân đang phải mua nước ngọt với giá từ 60.000 đến 100.000 đồng/m3 nước. 

Trong các địa phương ở ĐBSCL, chỉ có Đồng Tháp và Cần Thơ chưa bị mặn tấn công nhưng nắng hạn lại đang hoành hành…

Tháng 4, miền Bắc sẽ đón nắng ấm

Ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia - cho biết, thời tiết tại các tỉnh miền Bắc về cơ bản không còn rét đậm kéo dài. Bước sang tháng 4, miền Bắc sẽ bắt đầu đón những đợt nắng nóng đầu tiên của mùa hè năm nay. Còn tại miền Nam, dự báo nắng nóng và khô hạn, xâm nhập mặn ở ĐBSCL sẽ khốc liệt hơn.

Theo ông Hải, các tháng đầu năm 2016, El Nino đã bắt đầu suy yếu nhưng dự báo ảnh hưởng phải kéo dài đến hết tháng 6 năm nay. El Nino đã gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan tại miền Bắc và miền Nam trong các tháng đầu năm 2016.

Tại miền Bắc, trong tháng 1 và tháng 2 chỉ ghi nhận một số đợt rét sâu. Tuy không ghi nhận các đợt rét kéo dài nhưng lại ghi nhận kỷ lục về nền nhiệt độ xuống thấp. Ngoài ra, tại miền Bắc, đây là năm thứ tư trong vòng một thập kỷ qua không xuất hiện mưa xuân. Tại miền Nam thì đang có khô và mặn lịch sử.

Năm nay, mùa mưa có xu hướng đến muộn hơn so với trung bình ở hầu hết các khu vực trên toàn quốc, tổng lượng mưa từ tháng 3 đến tháng 5/2016 phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 15-30% ở Bắc bộ, Bắc và Trung Trung bộ, đặc biệt khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ thiếu hụt phổ biến từ 40-60% so với TBNN cùng thời kỳ. Do vậy, tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn ở Tây Nguyên và Nam bộ có khả năng đến đầu tháng 6 mới dần được cải thiện, tại Trung và Nam Trung bộ có khả năng đến cuối tháng 8, đầu tháng 9/2016.

Nguồn nước trên các sông Bắc bộ trong các tháng giữa và cuối mùa cạn (từ tháng 3 đến tháng 5) có xu hướng nhỏ hơn TBNN từ 10-30%. Từ nay đến cuối tháng 6/2016, dòng chảy trên các sông Trung bộ và khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm dần. Dòng chảy trên các sông ở Bắc Trung bộ có khả năng thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 50- 70%, một số nơi thiếu hụt nhiều hơn 80%. Trên nhiều sông sẽ tiếp tục xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng thời kỳ và thấp nhất lịch sử.

Dưới tác động của El Nino, nhiều khả năng số lượng bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam trong năm 2016 sẽ tương đương hoặc ít hơn so với TBNN. Diễn biến có thể theo chiều hướng ít hơn về số lượng vào nửa đầu năm, nhưng tồn tại bão cường độ mạnh và nhiều bão hơn vào nửa cuối năm khi ENSO (sự xuất hiện đồng thời của 2 hiện tượng là El Nino và La Nina) trở lại trạng thái trung gian. 

Khảo sát về tình hình hạn, mặn tại Bến Tre

Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) vừa có chuyến khảo sát tình hình hạn, mặn tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre nhằm nắm bắt về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, việc đầu tư các công trình ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân.

Đoàn đã kiểm tra thực tế độ mặn và việc xử lý nước tại Nhà máy nước thị trấn Thạnh Phú. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nguồn nước tại nhà máy nước bị nhiễm mặn, độ mặn thấp nhất 0,5‰ và cao điểm lên đến 2,7‰. Hiện nay, nhà máy nước có công suất hoạt động là 120m³/ngày đêm, cung cấp nước cho trên 5.000 hộ dân sử dụng. Tại xã Giao Thạnh, người dân đa phần sử dụng nước máy bơm lên từ mạch nước ngầm, nhưng do sử dụng quá nhiều đã xuất hiện tình trạng thiếu nước, lượng nước không đảm bảo nhu cầu sinh hoạt.

Đọc thêm