Người đẹp tài danh nuôi con 4 tình địch, cuối đời gửi thân cõi Phật

(PLO) -“Một cuộc đời buồn, một giọng ca buồn, ca những bài buồn và khóc thật cho những vai diễn vận vào trong cuộc đời buồn của mình” là chân dung nghệ sĩ Út Bạch Lan - nữ hoàng sân khấu cải lương số 1 Miền Nam những năm 60-70 thế kỉ trước.
Nụ cười nhân hậu của Út Bạch Lan

Hơn 80 năm trong cuộc đời đầy hào quang và nước mắt, Má Út đã vất vả nuôi 4 đứa con rơi của chồng, cùng gần 20 người con nuôi nhưng cuối đời lại hiu quạnh. Tới lúc này, Bạch Lan đã mang những đau khổ, bi ai và hạnh phúc của cuộc đời về bên kia thế giới.

Ở Việt Nam, Bạch Lan là nữ nghệ sĩ hiếm hoi có danh xưng là Má, được giới nghệ sĩ quý mến, thần tượng gọi là “Má Út”, “Má Bạch Lan” bởi tài năng và sự đức độ của “sầu nữ” một thời. Năm tháng có làm phôi pha nhan sắc trẻ trung nhưng Bạch Lan vẫn đẹp, giọng nói ngọt ngào mà đối với bất cứ ai, dù già hay trẻ Má vẫn dịu dàng dạ vâng và xưng bằng Út với người đối diện.

Từ khi còn trẻ cho tới những năm tháng cuối đời, nữ hoàng sân khấu một thời vẫn sống ở căn hộ nhỏ trong chung cư yên tĩnh trung tâm TP HCM cùng với những người em dâu góa phụ, cùng những cháu, đứa con nuôi. Nhưng với má Út “chỉ nhiêu thế cũng đủ ấm lòng”.

Hào quang “Sầu nữ”

Út Bạch Lan từng nói “Đời má sinh ra đã buồn, khi mới 2 tuổi thì mẹ cha má chia tay nhau”. Kể từ đó, cuộc đời của Út Bạch Lan bắt đầu bằng những tháng ngày cơ khổ, sống lang thang, tạm bợ cùng mẹ làm mướn ở chợ Bình Tây - Sài Gòn. Rồi sau đó nhờ giọng ca ngọt, Út Bạch Lan và mẹ hát rong hát dạo sống nhờ vào những đồng tiền lẻ bố thí của khách qua đường.

10 tuổi, mẹ con Út Bạch Lan gặp một người đàn bà cũng không chồng nhưng có 1 đứa con trai mù sau này chính là Tay đàn đệ nhất Nam bộ - Văn Vĩ. Hai người mẹ đơn thân, hoàn cảnh khốn khó như nhau quyết định kết nghĩa chị em, dựa nhau sống qua ngày ở cái chợ Bình Tây. 

Văn Vĩ hơn Út Bạch Lan 4 tuổi và bị mù nhưng lại đờn guitare cổ nhạc rất giỏi. Vì vậy mỗi khi rảnh rỗi là Văn Vĩ lại đàn cho Út Bạch Lan hát. Bé Út lại học hát theo băng đĩa nên tiến bộ rất nhanh. Người ta không ngớt khen Văn Vĩ đàn giỏi, bé Út hát hay.

Ngày hai anh em đi hát dạo ở Chợ Lớn ra tới Chợ Bến Thành rồi tới tối lại về mấy cái sạp bàn ghế ngoài chợ trải báo ra ngủ tạm. Sau rồi mấy má con Út Bạch Lan, Văn Vĩ được người ta thương, cho cất cái nhà mái lá ở khu Đầm Sen bây giờ ở tạm để “dạy ca”. Từ đó, cuộc đời Út không phải lang thang đầu đường xó chợ xin tiền nữa.

Nhan sắc thời trẻ của Út Bạch Lan

Vài tháng sau, giọng ca bé Út tới tai Cô Năm Cần Thơ, cô Năm đã đưa lên Đài Phát thanh hát. “Bẵng đi 1 năm nữa thì ông Thành Công có đài Pháp Ái biết “có con nhỏ ca hay, anh đờn em hát”, nên đỡ đầu cho lên đài của ông hát. 

Út Bạch Lan nhớ khi đó: “Út lùn lắm nên mọi người cứ quen miệng gọi là Út lùn nên ông Thành Công mới gạt đi: đi ca mà gọi Út lùn xấu lắm. Thế mọi ngươi xúm vô đặt tên và cái tên Bạch Lan ra đời. Nhưng khi đó mình xin thêm cho cái tên Út - là cái tên má mình ở nhà hay gọi và cũng là cái tên của nghệ sĩ thần tượng Út Trà Ôn mà ghép vô thành cái tên Út Bạch Lan” .

Vậy là từ một cô bé lùn đi hát dạo nhận sự bố thí của khách qua đường xó chợ, rồi thành danh ca nhí trên đài Phát Thanh Pháp Ái. Sau đó, Út Bạch Lan được ông bầu Bảy Cang, con của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh cho vô đoàn Đồng Ấu làm chân phụ họa, chạy cờ, làm sai vặt.

Vài tháng sau, Út được đẩy vào chính diện của vở tuồng. Nhưng sau vai diễn ấy, Út Bạch Lan bị người ta nảy lòng ghen ghét, đố kị nên hai má con Út lại dắt nhau về. 

Không lâu sau đó, bé Út được đoàn Kim Thanh mời về làm… chân bán vé và múa phụ họa, chạy cờ. Suốt 4 năm sau đó, cô Út phải chịu thử thách làm chân sai vặt, làm múa phụ họa, diễn viên quần chúng.

Với Út Bạch Lan và những người đồng nghiệp cùng thời khi đó thì “việc huấn luyện nghiêm khắc và kĩ càng lắm, chứ không dễ dàng như các em ngày nay. Nghệ sĩ thời đó muốn nổi tiếng là phải có tài năng, khổ luyện thì mới nhận được sự yêu mến của khán giả, nếu không sẽ chẳng bao giờ “ngoi” lên được nổi”.

Nghệ sĩ Viễn Châu - khi này là nhà biên kịch nổi tiếng cho đoàn Kim Thanh cũng là người có công phát hiện và lăng xê tài năng của Bạch Lan bằng vai diễn “đo ni đóng giầy”: một cô bé thất lạc cha mẹ, đi tìm cha mẹ bằng hai câu hát trong vở tuồng “Đời cô Nga”.

Sau đó là cô bé bán bông với lời ca nỉ non: “cô chú ơi mua bông giùm con đi…”, trong vở tuồng “Tình duyên hoa thắm”. Chỉ 2 vai diễn nhỏ vậy thôi nhưng cũng đủ khiến khán giả rớt nước mắt, thi nhau liệng quạt giấy có kẹp tiền lên sân khấu.

“Nhưng mà sự đời… có người không ưa sự có mặt của mình, Út cũng không tiện nhắc lại nhưng có lẽ vì người kia không thích như vậy cũng là thử thách giúp mình cố gắng hơn. Út nhớ khi biết có người không thích thì nghệ sĩ Viễn Châu mới đứng ra bảo vệ: “Tui chịu trách nhiệm con nhỏ này, nếu con nhỏ này làm hư sân khấu, không nên thân thì cứ gọi tui. Nếu mà ở đây còn trọng dụng tui thì tui còn làm, nếu không tui cũng không làm nữa”. 

Ông Viễn Châu nói gay gắt vậy thì ban giám đốc và 3 người kia đồng ý cho mình vai nhỏ. Nhưng mà sự thực mình thấy vô cùng áy náy vì trở thành gánh nặng cho ân nhân của mình”, Bạch Lan từng tâm sự.

Phần vì không được trọng dụng, phần vì không muốn Viễn Châu khó xử vì mình nên có người đã giới thiệu Út với bà Bầu Thơ rằng: “Thấy con bé hát hay nhưng không có đất dụng võ”, Thế là Út đã về với đoàn Thanh Minh - Thanh Nga và được vào vai chính thay cho nghệ sĩ Thanh Hương vừa dời đoàn. “Út nhớ đó là vai bi luôn, sáng tập tối hát, mỗi đêm hát 1 tuồng. Hình như là tổ nghiệp thương mình nên vô đó có cơ hội phát triển, bà Bầu Thơ cũng cưng lắm”, má Út kể lại.

Vô đoàn Thanh Minh, Cô Út có điều kiện tạo dựng tên tuổi cho mình. Út Bạch Lan trở thành đào chánh của đoàn Thanh Minh với các tuồng Biên Thùy Nổi Sóng, Hồi Trống Vân Lâu, Lửa Hờn, Đồ Bàn Di Hận, Nhan Sắc Thần Phi... Đặc biệt cái tên của Út Bạch Lan đã gây ấn tượng với khán giả với Tình Tráng Sĩ. Út Bạch Lan bắt đầu được các hãng đĩa Việt Nam, Asia, Tứ Hải, Hồng Hoa mời ký hợp đồng thu thanh.

Khi cái tên của Bạch Lan đã nổi như cồn, được khán giả khắp nơi yêu mến, báo giới nhắc đến thì các đoàn hát tranh nhau mời về. Trong khoảng 3 năm này Bạch Lan liên tục “qua lại” với cả hai đoàn Thanh Minh - Thanh Nga và đoàn Kim Chưởng.

Trong khoảng thời gian này, cô Út may mắn được các người thầy, cô đệ nhất cải lương thời bấy giờ như nghệ sĩ Năm Châu, Phùng Há, Tám Vân, Kim Cúc đã gọt giũa, đào tạo cho giọng hát và diễn xuất của mình hoàn thiện, vươn đến đỉnh cao. Nhờ tài năng, sắc đẹp đang lên mà sự mến mộ của khán giả dành cho Bạch Lan ngày càng lớn.

Theo đó, cô Út ngày càng được phong những danh hiệu mỹ miều như Nữ hoàng vọng cổ, Đệ nhứt đào thương, Nữ hồng sầu mộng, sầu nữ Út Bạch Lan, Sầu nữ Liêu Trai, Vương nữ Sương Chiều.

Út Bạch Lan cho rằng, quãng thời gian đáng nhớ nhất trong thời hoàng kim của mình là khi còn ở đoàn Thanh Minh. Khi Út Bạch Lan được bà bầu Thơ kết hợp với nam danh ca Thành Được. Đi đâu cái tên Út Bạch Lan cũng được khán giả nhớ tới với các vở tuồng nổi danh như: Nửa đời Hương Phấn, Con Gái Chị Hằng, Ngược Dòng Sông Lỗi, Bóng Chim Tăm Cá, Đêm Vĩnh Biệt…

Nữ nghệ sĩ đâu ngờ sự kết hợp ăn ý trên sân khấu ấy lại làm nên cuộc hôn nhân đình đám nhất trong giới kịch nghệ Sài Gòn lúc bấy giờ. Một cuộc hôn nhân hào hoa nhưng cũng gây nhiều đắng cay nhất cho đời cô Út, cũng như tốn báo mực nhất cho các kí giả bấy giờ và cho tới tận hiện nay.

Nhưng dù thế nào thì với má Út đó những năm tháng huy hoàng của cuộc đời. Với Út Bạch Lan, đó là “duyên phận, má không hề hối hận, không hề oán trách. Đời nghệ sĩ thăng trầm, khó trách. Đời má là thế”.

Thành Được và Út Bạch Lan thuở mặn nồng

Yêu và hận

Nổi tiếng, giàu có, xinh đẹp - đó là nữ hoàng sân khấu Út Bạch Lan. Cuộc sống hào nhoáng của cô gái trẻ đó trở thành mơ ước của không ít người trẻ từ nông thôn tới thành thị ở miền Nam thời đó. Nhưng khi ngẫm lại cuộc đời mình, cô Út lại ước ao có được sống một cuộc đời đơn giản, bình dị mà hạnh phúc bởi cô là người hiểu rõ nhất ý nghĩa 4 từ “Hồng nhan bạc mệnh”.

Trải qua chính thức hai đời chồng và một vài người tình, nhưng rốt cuộc Bạch Lan vẫn cô đơn vò võ một mình khi tuổi vẫn còn trẻ rồi cho tới tuổi già hiu quạnh.

Rất ít người biết về mối tình đầu của Út Bạch Lan với anh Ba Hóa, chủ tiệm may áo dài Hạnh Dung ở đường Bùi Viện. Anh Ba Hóa khi đó đã có vợ nhưng vốn là người lão luyện giang hồ, giỏi chuyện “bướm ong”, lại biết cách săn sóc phụ nữ. Ba Hóa lúc nào cũng cung phụng, đón đưa và trở thành người tài trợ những trang phục lộng lẫy cho Bạch Lan. 

Cô Út khi đó chỉ là cô gái mới lớn, đơn thuần, chưa trải đời nên cũng không thoát khỏi được sự cám dỗ của người tình. Cô trở thành người yêu của Ba Hóa, còn phần anh Ba Hóa quyết bỏ vợ để rảnh rang đến với người tình và trở thành người quản lí, đại diện kiêm cả thủ quỹ cho Út Bạch Lan cho tới một ngày Thành Được xuất hiện…

Thành Được khi đó đã có vợ cùng làm chung nghề dưới gánh hát Thanh Cần ở tỉnh Sóc Trăng nhưng ít người biết tới. Khi cả Thành Được và Út Bạch Lan cùng được Bầu Thơ sắp xếp diễn cùng một vở tuồng nổi tiếng mang tên “Nửa đời hương phấn” thì cả hai mới bắt đầu bén duyên nhau.

Thành Được đẹp trai, giọng ca ngọt ngào, sang trọng, tài ăn nói mê hoặc, đã khiến trái tim cô Út Bạch Lan say như điếu đổ. Út Bạch Lan chia tay Ba Hóa, còn Thành Được bỏ vợ để cả hai cùng đến với nhau. Mối tình này của Thành Được và Bạch Lan nhanh chóng làm ồn ào báo chí bởi đây là cuộc hôn nhân có giấy giá thú, hôn thư đầu tiên trong giới cải lương đã làm rình rang báo chí và dư luận miền Nam thời bấy giờ.

Cuộc nhân duyên đẹp của hai danh ca trẻ bậc nhất của sân khấu cải lương bấy giờ trở thành thần tượng của giới trẻ mơ ước. Năm 1961, Thành Được và Út Bạch Lan chính thức kết hôn và chính thức lập nên đoàn hát riêng mang tên Thành Được - Út Bạch Lan cho riêng mình. Gánh hát này chỉ tan rã khi cuộc hôn nhân của họ đường ai nấy đi, để lại bao nuối tiếc trong lòng khán giả yêu mến.

Nhờ nổi tiếng mà Thành Được và Bạch Lan mới có thể đến với nhau nhưng rồi cũng sự nổi tiếng đã trở thành nguyên nhân gián tiếp để cho cặp vợ chồng son trẻ này tan vỡ. Khi trả lời về bóng đen phủ lên cuộc hôn nhân của mình, Bạch Lan nói nửa đùa nửa thật: “Chắc là vì yêu quá nên thành ra vậy”.

Nhưng mà nhiều người trong nghề đều biết rằng sự tan vỡ của cuộc hôn nhân của Thành Được – Bạch Lan nguyên nhân chính ấy là từ sự đa tình, đào hoa của Thành Được mà ra. Kết quả cho những cuộc tình ngoài lề ấy là những người phụ nữ trẻ đẹp lần lượt bế con rơi của Thành Được đến “bắt đền” và nhờ chính vợ của người đã hại đời họ nuôi hộ.

Dù bị phụ tình nhiều lần, nhưng Út Bạch Lan không còn hận Thành Được vì tình yêu của Út dành cho Thành Được và hơn hết là tấm lòng nhân hậu rộng lượng của người đàn bà không con cái yêu thương con rơi của chồng như con đẻ của mình. Với Út Bạch Lan:

“Ông ấy được nhiều cô thương và thương lại cũng rất nhiều người. Tôi vẫn tự nói với mình, tại vì mình thương những điều đó, thì khổ cũng tự mà chịu lấy. Tôi đã chịu đựng bằng những gì mình có thể và người ra đi cuối cùng cũng không phải là tôi. Nhiều người hỏi tôi có hận không, thì như tôi đã nói, tôi không hề hận”.

Nhớ lại quãng thời gian hạnh phúc nhưng cũng đắng cay cùng Thành Được, Bạch Lan không muốn nói nhiều, bởi duyên đã hết, thì mọi thứ cũng nên khép lại. “Có bao giờ nhìn lại đời mình, má thấy hối hận gì không?”.

Út Bạch Lan cười nhẹ nhàng: “Kiếp trước là nợ ổng cho nên kiếp này trả nợ. Trước kia, Út có buồn nhưng sau rồi Út đã để lòng thanh thản vì mọi việc đã qua, ai cũng biết hết rồi. Chuyện đã qua 50 năm rồi hãy để trôi qua đi khi cái nợ đã hết”. 

Khi vẫn còn chung sống với nghệ sĩ Thành Được, Út Bạch Lan đã chấp nhận nuôi 4 đứa con riêng ngoài giá thú của chồng với 4 người phụ nữ từng qua lại với ông.

Sau này, 2 đứa được mẹ đẻ quay lại nhận khi còn nhỏ, 2 đứa con còn lại được nuôi dạy trưởng thành và rất có hiếu với má Út nhưng rồi khi mẹ đẻ họ về xin nhận lại con thì má Út đều “trả” lại hết không một lời oán thán hay điều kiện tiền bạc vì “má muốn mấy đứa đều gọi mình bằng má tới suốt đời thì đó mới là điều quan trọng nhứt của người làm mẹ”.

Nhìn má Út, người ta đều khâm phục sự nhẫn nhịn phi thường và tấm lòng cao cả của Bạch Lan. “Sao má lại có thể cao thượng như vậy” – bao nhiêu người hỏi má câu nói đó. Má cũng chỉ cười: “Mình không sinh được con thì hãy coi con “rơi” của chồng là con của mình. Nay nuôi giọt máu của chồng, cũng là trời cho mình những đứa con, đều như nhau cả”.

Cuộc hôn nhân của Út Bạch Lan kéo dài 5 năm, dù chồng dính “thói hư tật xấu” nhưng má Út vẫn cố gắng duy trì vì theo ý của mẹ đẻ mình. Má bảo: “Dù có ông con rể đa tình nhưng Thành Được lại rất được lòng mẹ vợ:

“Ông ấy có hiếu với má Út lắm, lại khéo nói, rất biết cách nịnh má vợ. Mẹ của Út rất bênh con rể cho nên khi xảy ra bất hòa vợ chồng, má khuyên con gái nên chịu nhịn, bỏ qua lỗi lầm cho chồng. Út trước tới nay làm gì, như thế nào đều nghe lời mẹ nên vẫn cố duy trì cuộc hôn nhân”.

Có nhiều bài báo nói rằng, sau khi biết cái thai của người giúp việc với chồng mình, Bạch Lan đã vô cùng tổn thương vì sự lừa dối của hai người mà má tin tưởng. Thế là má nhất quyết làm đơn ly hôn chồng. Nhưng Bạch Lan đã tâm sự sự thực rằng: “Khi đó Thành Được là người chủ động chia tay, rồi sau đó ổng qua Mỹ”.

Sự tan vỡ của cặp đôi nổi tiếng Thành Được - Bạch Lan đã trở thành đề tài bàn tán sôi nổi của báo giới và người hâm mộ. Và sau này, câu chuyện tình đẹp của cặp đôi này vẫn còn được báo chí cất công khai thác nhưng có lẽ ít người nhắc tới cuộc hôn nhân thứ hai của Bạch Lan không lâu sau đó.

Tuy nhiên cái bóng của Thành Được quá lớn trong đời má Út cho nên khi lấy chồng hai, má đã chọn một người đàn ông làm ngoài nghề. Bởi: “Út có quan niệm là người trong nghề phải hơn Thành Được, còn nếu không hơn thì thôi, thà lấy 1 người ngoài nghề”.

Cuộc hôn nhân này cũng chỉ tồn tại được gần 2 năm vì quan điểm sống của hai vợ chồng má Út quá khác nhau, bởi theo như lời Út Bạch Lan thì “Trước khi về ở với nhau, Út có nói với người ấy là: Ở với tui, nếu có khả năng nuôi tui thì nuôi, còn má tui, 2 cháu tui (2 con riêng của Thành Được) thì tui nuôi, chứ hổng được quyền ngó ngang.

Lúc đầu thì họ muốn lấy được mình nên đồng ý nhưng sau đã ở với mình rồi thì không muốn. Trong cuộc đời Út người quan trọng nhứt là má nên Út không muốn ai đụng tới má, có lỗi với má của mình, đi về làm mà ngó ngang ngó dọc má của mình, cháu của mình là Út không có đồng ý”.

Sau 2 lần đò không thành, Bạch Lan nguyện ở một mình phụng dưỡng má và chăm lo cho 2 người con riêng của Thành Được và mấy đứa cháu ruột mà người em trai đã mất để lại cho tới khi tất cả phương trưởng Út lại dựng chồng gả vợ cho từng đứa.

Với gia cảnh, tài năng, sắc đẹp của mình, nhiều người đã thắc mắc lí do vì sao cô Út Bạch Lan không chọn một chỗ nương tựa cho mình khi về già. Má cười hiền bảo: “Dòm đi dòm lại thấy chẳng đâu vào đâu, chỉ thấy mệt mỏi”, Út Bạch Lan ở vậy cho tới cuối đời.

Cả cuộc đời của Bạch Lan cả đời chỉ dành cho người khác, sống vì người khác. Người ta thấy Bạch Lan không con cái, người ta sợ má cô đơn nhưng má lại cho rằng mình không cô độc vì còn đứa em dâu, còn mấy đứa cháu sống vui vầy mấy chục năm dưới một mái nhà. Má Út bảo “đó là cái phần hậu tốt đẹp của má vì bản thân đã làm những điều bản thân không tự thấy áy náy với đời”.

Nghệ sĩ Bạch Tuyết chia sẻ với nỗi đau mất người thân với con cháu cô Út

Gửi thân về cõi Phật

Ở cái tuổi già, Bạch Lan lại gởi đời mình cho Đức phật. Niềm vui của má Út là đi chùa, dắt một số lứa thiếu niên, thanh niên đi theo để cho các em có thể tu tập tốt, làm người tốt. Má cười bảo rằng: “Bọn nhỏ ở tuổi này chưa hiểu hết, chưa đam mê như mình được nên thành ra phải dạy, phải “dụ dỗ” nó. Nhiều khi hát ở chùa, sư thầy cho lộc nhưng mình thấy chùa nghèo quá nên không lấy.

Hôm sau, đi chùa khác có lộc, mình lãnh rồi lên xe nói với lũ nhỏ: “Tiền lộc này má đãi tụi con đi ăn những món chay ngon”. Lũ trẻ thích lắm nên hay thích theo mình đi chùa”.

Hơn 20 năm trước lúc qua đời, Út Bạch Lan ăn chay trường. Má Út theo đạo Phật là từ khi còn bé xíu, nhưng ăn chay thì đó là cái duyên: “Một lần đi diễn, má ăn mặn như mọi ngày nhưng ăn tới đâu là ói ra tới đó. Rồi má khấn trong lòng: “Nếu con ăn mặn mà có ói lần nữa thì cho con ăn chay đi”, thế là lại ói. Tối về má đốt nhang vái Phật. Má ăn chay từ đó luôn”.

Cũng kể từ đó, má Út năng đi chùa, năng làm công quả hơn cho cửa thiền. Dù tuổi ngoài 80 tuổi nhưng má đi hát chùa vẫn khỏe, sáng ở Cà Mau, chiều đã ở Bạc Liêu. Má ở trên xe nhiều hơn ở nhà nhưng mà chẳng thấy ốm đau gì.

Cho nên khi để gặp được má thì khó nhất là những ngày tháng 4 - lễ Phật đản và ngày lễ Tháng 7 - lễ Vu Lan, đó là thời điểm không bao giờ thấy má ở nhà. Má Út bảo: “Giờ đã già nhưng mà mỗi khi hát trên chùa thì thấy vui lắm, chẳng muốn ở nhà. Khi đi hát trên chùa, vẫn có nhiều khán giả lên ôm má khóc nức nở vì khiến họ nhớ tới những chuyện trước kia của mình”.

Nghệ sĩ Kiều Oanh đã từng phải thốt lên rằng: “Đời đào dù thế nào cái nghiệp cũng vận vào thân, nếu không thì cũng vận vào chồng, vào con. Điều ấy không trật đi đâu được”. Câu nói ấy chẳng phải chỉ là đúc kết của cô đào hai lần đò như Kiều Oanh mà cũng là của nhiều người nghệ sĩ trót mang nghiệp “cầm ca”.

Và má Út cũng chẳng phải là trường hợp ngoại lệ. Trải qua bao hư vinh, buồn vui… rốt cuộc, đời má Út cũng gửi vào cửa Phật. Má nguyện phát tâm với đức Phật để mong mỏi một ngày tấm thân gửi vào nơi cát bụi sẽ thoát khỏi bể khổ.

Cho tới bây giờ khi má Út đã không còn, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh má ngồi bên cửa sổ căn phòng nhỏ, ánh mắt má sáng nhưng luôn mang nỗi buồn kín đáo. Má nhẩn nha theo lời ca từ vở cải lương đã làm nên tên tuổi của minh với “ Nửa đời hương phấn” được phát ra từ chiếc đài rè rè cũ đi theo mấy chục năm nay của má: “Số phận con đã không may. Kiếp hoa tàn héo, đọa đày truân chuyên. Tóc xanh gởi lại mẹ hiền. Đời con khép kín cửa Thiền từ đây!”.

Chùa Ấn Quang

Mong rằng ở bên kia thế giới Sầu nữ Bạch Lan sẽ không còn bi ai, cô quạnh…

Đọc thêm