Người điên kể chuyện đời...

 Thế giới người điên thường là những âm thanh gào thét, đập phá rợn người. Dù vậy, trong những lúc tỉnh táo, tình cảm của họ trở nên ấm áp, những câu chuyện chia sẻ từ họ khiến người nghe phải trăn trở...

 Thế giới người điên thường là những âm thanh gào thét, đập phá rợn người. Dù vậy, trong những lúc tỉnh táo, tình cảm của họ trở nên ấm áp, những câu chuyện chia sẻ từ họ khiến người nghe phải trăn trở...

Chuyện... người điên

Sau một đêm ở Trung tâm Điều dưỡng Tâm thần Tân Định thuộc ấp Vườn Ươm, xã Tân Định, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương (đơn vị trực thuộc Sở LĐ TB&XH TP. HCM), nơi nuôi dưỡng và điều trị cho 1.150 bệnh nhân tâm thần, chúng tôi được nghe những câu chuyện của “người điên” lúc họ tỉnh nhất. 

Nhiều bệnh nhân giành nhau làm ca sĩ (hát giao lưu với khách).
Nhiều bệnh nhân giành nhau làm ca sĩ (hát giao lưu với khách).

Dù những bệnh nhân vào trung tâm phần lớn là do động kinh, rối loạn, trầm cảm, tâm thần phân liệt hoặc vì những cú sốc quá lớn trong cuộc sống khiến họ trở thành “người điên”, nói năng lộn xộn, tinh thần bấn loạn. Họ cũng biết ăn, biết mặc, nhưng không thể điều chỉnh hành vi của mình, những hoạt động của họ đa phần là vô thức hoặc tự phát. Một số bệnh nhân khi lên cơn kích động thường xé bỏ quần áo, đánh cắn đồng bệnh và cả nhân viên chăm sóc họ. Thế nhưng, những gương mặt vô hồn, vô cảm, không cười, không khóc lại trở nên rất dịu dàng khi họ được trở về với bản thân, với con người thật sự của mình.

Trong ký ức hư ảo, một cô gái chia sẻ: “mình là ca sĩ”. Bệnh nhân  tên Phượng, vào trại lúc 19 tuổi, biệt danh là Phượng ca sĩ - theo lời một nhân viên tại trung tâm. Dù không nhớ rõ năm sinh của mình nhưng với ánh mắt buồn rười rượi, chị kể lại bi kịch đời mình.

Chị quen và yêu say đắm một người đàn ông đã có vợ. Mặc sự ngăn cản của gia đình, chị chấp nhận từ bỏ cuộc sống giàu sang để theo người đàn ông đó nhưng sau khi sinh con, người đàn ông bỏ chị mà đi. Nỗi buồn không người thân, không chồng với đứa con gái mới chào đời đã làm chị suy sụp, hụt hẫng... Chị bồng con đi lang thang khắp mọi ngõ ngách để tìm nơi tá túc nhưng không may bị mấy tên côn đồ cưỡng hiếp, rồi cướp mất con. Áp lực dồn nén, không chịu nỗi những cú sốc quá lớn, chị trở nên điên loạn.

Những trường hợp như Phượng được xếp vào dạng bị tâm thần phân liệt, bác sĩ Trương Thế Dũng, trưởng Đoàn Y bác sĩ tình nguyện Niềm Tin cho biết: “những người bị tổn thương não từ nhỏ, khi gặp phải những cú sốc trong cuộc sống, áp lực thi cử, yêu dương dang dở, mất đi người thân…, họ rất dễ bị phát bệnh”.

Tương tự Phượng, một thanh niên tên M. , vốn là sinh viên Y Dược, do bị người yêu phản bội, chuyện học hành dở dang, gia đình ruồng bỏ, thoạt đầu, anh chỉ bị stress nhẹ như hoang tưởng, vẻ mặt lúc nào cũng thẫn thờ, lo sợ, càng về sau anh trở nên trầm cảm, lúc gào thét van xin, lúc thì chửi bới loạn xạ… Dù vậy, cùng với rất nhiều bệnh nhân khác, lúc tỉnh táo họ thường tụ tập làm thơ, viết nhật ký, đàn hát...

Ước mơ bình dị

Đầy ắp những cảnh ngộ éo le và những trạng thái bệnh tật không ai giống ai. Nhưng  dù vậy, điểm chung của những bệnh nhân tâm thần là mong muốn được nhiều người vào thăm, được họ chia sẻ những tình cảm yêu thương như những người thân trong gia đình. Không chỉ vậy, họ còn khát khao được làm vợ, làm mẹ như những người bình thường. Rất nhiều bệnh nhân nữ hồn nhiên khoe: “mình có người yêu rồi, còn có bầu với người yêu nữa”, có người thì ước ngày nào cũng có đàn ông vào thăm, ước được làm ca sĩ…

Tuy nhiên, bên cạnh những bệnh nhân hào hứng, vui vẻ hát hò, rất nhiều bệnh nhân khác chỉ yên lặng, không cười nói, không cảm xúc nhưng khi thấy người lạ vào họ chạy đến ôm chầm, suýt xoa rồi luôn miệng gọi “con”, có lúc là “cháu nội”… Trong lúc trò chuyện, một số bệnh nhân nữ quả quyết họ “không còn điên” và mong được ra ngoài để sống gần gia đình. Những câu nói nửa tỉnh nửa mê của họ cũng phần nào thể hiện những khát vọng của một con người bình thường, ước mơ có được những tình cảm của người thân , vì trong sâu thẳm, họ vẫn không biết mình bị người thân ruồng bỏ.

Ông Đặng Hùng Việt, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: “Hơn 1.000 bệnh nhân điều trị ở đây phần lớn điều không có người thân thăm nuôi. Nhiều bệnh nhân nhớ ra địa chỉ nhà mình, trung tâm liền liên hệ nhưng người thân không chịu nhận. Trường hợp của bệnh nhân Diễm My là như vậy. Gia đình My hiện có ba người đang điều trị tại trung tâm (Diễm My, ba và chú ruột), sau hơn hai năm điều trị,  My rất ý thức được hành vi của mình, nhờ có giọng hát hay, My thường được mọi người cho tiền, em gom góp sau đó nhờ các nhân viên mua thức ăn, sữa để bồi dưỡng cho ba và chú. Trung tâm thấy em trở lại bình thường nên liên hệ với gia đình nhưng không ai đến nhận”.

Với một người “tỉnh” nhiều hơn “mê” như Diễm My, lúc nào trong đôi mắt cô cũng hiện lên nỗi buồn sâu thẳm vì sau một khoảng thời gian dài khó nhọc để giành lại những trạng thái tâm lý cân bằng, trở về một con người bình thường thì Diễm My và rất nhiều người khác không biết phải đi về đâu.

Huỳnh Kiều

Đọc thêm