Người “đỡ đầu” cho bà con miền sơn cước

(PLVN) - Với 21 quy trình nhân giống và nuôi trồng cây dược liệu và lâm nghiệp, PGS.TS Trần Thị Thu Hà đã chuyển giao ứng dụng, phục vụ tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp của nhiều tỉnh như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam… Đặc biệt, chị đã có 12 giống dược liệu quý và 8 giải pháp hữu ích được Nhà nước cấp bằng bảo hộ...
PGS Hà trong phòng nghiên cứu và thực nghiệm.
PGS Hà trong phòng nghiên cứu và thực nghiệm.

Hành trình miệt mài

PGS.TS Trần Thị Thu Hà sinh ra lớn lên ở một vùng quê miền núi Con Cuông (tỉnh Nghệ An). Tuổi thơ đến trường của chị đã có sự gắn bó với thiên nhiên. Là một học sinh giỏi môn Vật lý của tỉnh trong suốt 3 năm THPT nhưng vào đại học, chị lại học chuyên ngành Lâm sinh như một cơ duyên với nghề. 

“Vinh dự là người con xứ Nghệ, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi càng thấy giá trị của cuộc sống khi được đóng góp cho xã hội. Điều tôi vui nhất là sự ghi nhận của chính quyền, người dân địa phương đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số”, PGS.TS Trần Thị Thu Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên chia sẻ khi nói về mình.

Chỉ trong khoảng 12 năm trở lại đây, PGS đã công bố 55 bài báo trong và ngoài nước, trong đó, 20 bài báo đăng trên tạp chí nước ngoài. PGS cũng giành giải thưởng cho bài viết xuất sắc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bài báo xuất sắc tại hội thảo Đông Nam Á… Đặc biệt, PGS Thu Hà đã chủ trì 14 đề tài, dự án, tham gia thực hiện một số các dự án chuyển giao khoa học công nghệ cấp tỉnh và cấp Bộ, gắn liền với những thành quả và hướng nghiên cứu ứng dụng chính trong sự nghiệp.

PGS.TS. Thu Hà là chủ nhiệm của 7 Bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho các sáng chế được cấp năm 2019, 2020 do Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp; tác giả chính của 12 bằng bảo hộ giống dược liệu quý đã được cấp bằng bảo hộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp và đã được đưa vào sản xuất kinh doanh.

Đến nay, đã có 21 quy trình nhân giống và nuôi trồng loài cây gỗ và lâm sản ngoài gỗ, dược liệu được áp dụng vào thực tiễn. Các quy trình được ứng dụng thông qua chuyển giao khoa học kỹ thuật vào các dự án tập trung trên các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung.

Thành tựu đáng tự hào nhất của PGS Thu Hà có lẽ là những đóng góp trong nghiên cứu chọn giống, nhân giống cây, giúp các tỉnh miền núi phát triển kinh tế. PGS Hà đã tập trung vào việc khảo nghiệm các giống cây lấy gỗ nhập nội trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung. Điển hình là Đề tài cấp Bộ “Đánh giá khả năng sinh trưởng và tính thích ứng của các xuất xứ Keo tai tượng và các dòng Keo lai tại Tuyên Quang”.

Bên cạnh đó, PGS Hà còn tích cực hợp tác với CSIRO (Úc) tiến hành khảo nghiệm nhiều lô hạt giống keo lá tràm, keo lưỡi liềm, bạch đàn, thông... ở vùng cao, phục vụ cho trồng rừng và hoàn trả các vùng khai thác quặng ở nhiều tỉnh như Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Quảng Nam.

Để cung cấp giống chất lượng cao, PGS.TS Trần Thị Thu Hà cùng cộng sự đã tập trung nghiên cứu nhân giống in vitro thành công ở quy mô công nghiệp các dòng keo lai và bạch đàn lai. Từ đây, hàng năm cung cấp 8-10 triệu cây giống chất lượng cao cho các tỉnh miền Bắc và miền Trung.

PGS Hà còn theo đuổi nghiên cứu nhân giống và nuôi trồng các loài cây lâm sản ngoài gỗ và dược liệu. Ở hướng đi này, PGS tập trung vào lĩnh vực chọn giống và nhân giống một số loài cây dược liệu quý trong sách đỏ Việt Nam, có giá trị kinh tế cao và nguy cơ bị tuyệt chủng.

Đặc biệt, phải kể đến nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia “Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen Mai cây tại một số tỉnh miền núi phía Bắc” (thuộc Chương trình Quỹ gen quốc gia 2017-2020).

Là chủ nhiệm, PGS Hà đã xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật về nhân giống, trồng thâm canh, khai thác và sơ chế măng Mai; xây dựng các mô hình vườn sưu tập kết hợp khảo nghiệm giống Mai cây và mô hình trồng thâm canh lấy thân và măng.

Đây là mô hình triển vọng, vừa cho thu nhập cao, vừa bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học. Mô hình tạo ra giá trị lớn cho người trồng rừng, có thể thu nhập từ 100-150 triệu đồng/ha/năm (măng, lá, giống cây con) ở các vùng núi cao như các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Giang, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

Một trong những hướng nghiên cứu khác của PGS Hà là ứng dụng sinh học phân tử và hóa sinh phân tử vào nghiên cứu lai tạo, nhân giống phục vụ bảo tồn và phát triển một số loài cây dược liệu quý bản địa, có hoạt tính cao, tạo ra giống tốt với quy mô công nghiệp, giúp phát triển ngành dược liệu của Việt Nam. 

 

Và phía sau những thành công

Không chỉ xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, PGS.TS Trần Thị Thu Hà còn là nhà quản lý giỏi khi xây dựng thành công mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong trường đại học từ 12 năm trước. Từ 3 cán bộ những ngày đầu thành lập lên tới 100 cán bộ hiện nay, Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp giờ đây trở thành viện nghiên cứu trong lĩnh vực lâm nghiệp hàng đầu Việt Nam.

Từ nhiệm vụ khoa học thuộc Chương trình 592, Chủ nhiệm, PGS Thu Hà đã đỡ đầu định hướng khoa học, giúp thành lập Công ty Cổ phần Nông lâm nghiệp và Môi trường Việt Nam - doanh nghiệp khoa học đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên; sau đó mở rộng 2 chi nhánh của Hà Giang, Quảng Nam, cũng là doanh nghiệp khoa học đầu tiên của các tỉnh này.

Qua đây, giúp hàng trăm tân kỹ sư là phụ nữ người dân tộc thiểu số, làm chủ công nghệ về lĩnh vực giống, nông lâm nghiệp, tạo ra hàng nghìn việc làm cho cán bộ và người dân địa phương. Trong số này, có 05 nữ dân tộc thiểu số đã trở thành giám đốc, phó giám đốc công ty, hợp tác xã.

Là thành viên 3 hợp tác xã ở Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, PGS Hà đã hỗ trợ về khoa học công nghệ và định hướng các sản phẩm chủ lực cho các hợp tác xã này. Đồng thời, PGS là trưởng nhóm chuyên gia triển khai hàng trăm hoạt động tư vấn chuyển giao khoa học công nghệ cho các dự án cấp quốc gia, cấp tỉnh và các tổ chức quốc tế ở các vùng núi xa xôi hẻo lánh, tập trung vào đối tượng người nghèo ở 26 tỉnh, thành trong cả nước.  

Thông qua chủ trì 2 đề tài nghiên cứu thuộc Quỹ tài trợ cho các nhà khoa học trẻ quốc tế (IFS) về đánh giá tác động của chính sách “Đổi mới” đến quản lý rừng và cộng đồng vùng cao ở vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên, PGS.TS Trần Thị Thu Hà còn góp công không nhỏ trong việc đưa ra các giải pháp phát triển sinh kế cho người dân.

Trong những chuyến công tác dài ngày, làm việc với lãnh đạo địa phương, sống cùng với đồng bào đã khiến chị nhận ra chính sách cho phát triển lâm nghiệp và sinh kế vùng cao ở tầm vĩ mô. Vậy giúp đồng bào bằng cách nào để thiết thực nhất? Và rồi, một hướng đi đã được vạch ra rất rõ ràng, đó là tập trung vào phát triển cây dược liệu, nhất là khi nguồn dược liệu quý ở Việt Nam đang bị mai một dần, thậm chí có nhiều loài đã được ghi vào sách đỏ. 

Chị đã tự “buộc” cho mình một phận sự, đó là bảo tồn các giống cây đồng thời phát triển kinh tế, sinh kế cho người nghèo và vùng núi xa xôi hẻo lánh. Với chị, phải giúp người dân trồng cấy, khai thác dược liệu một cách bền vững, hiệu quả, thay vì chỉ biết khai thác trong tự nhiên.

Trong suốt 10 năm ròng, chị cùng các cộng sự của mình miệt mài nghiên cứu, tuyển chọn, lai tạo và nuôi trồng thành công nhiều loại cây dược liệu quý của Việt Nam. Những giống dược liệu mà chị nghiên cứu đều mang lợi ích kinh tế cao như thông đất, lan kim tuyến, gừng gió, thất diệp nhất chi hoa, sa nhân tím, sói rừng, kim ngân hoa, sâm Ngọc Linh…

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời nghiên cứu của chị là nhân giống cây thông đất, loại cây có chứa hoạt chất Hupper A chữa bệnh teo não, bằng nuôi cấy mô tế bào. Chị cùng các cộng sự của mình đã quên ăn, quên ngủ, chạy đua cùng thời gian để kịp tiến độ theo yêu cầu của dự án FISRT do Bộ KH&CN và Ngân hàng Thế giới chủ trì. Thật may mắn, công sức của chị đã được đền đáp, chị đã nắm trong tay bí kíp nhân giống loại cây quý hiếm và rất “khó tính” này.

Hơn 30 năm qua, từ khi bước vào trường đại học cho đến nay, việc nghiên cứu khoa học và sáng tạo luôn là niềm đam mê với PGS.TS Thu Hà. Phía sau những thành công ấy là vô vàn những chặng đường nghiên cứu đầy khó khăn. Đó là những chuyến đi rừng dài ngày, những cơn mưa rừng và vắt cắn, muỗi cắn, sợ rắn cắn, ngã xe, đói khát, rét mướt…

Trong nghiên cứu, khi thu được mẫu vật mang về làm thí nghiệm vì không phù hợp với điều kiện sinh thái ở vùng thấp nên mẫu vật bị chết và thực hiện nhiều lần vô cùng khó khăn. Có những nghiên cứu phải thực hiện đến lần thứ 11 mới thành công ở phòng thí nghiệm. Kết quả ở phòng thí nghiệm lại chuyển lại nơi có điều kiện sinh thái phù hợp và phải mất nhiều năm tháng ở trong rừng để theo dõi các kết quả nghiên cứu. 

Chị đã từng phải xa con gái đầu lòng khi con mới được 20 tháng tuổi để đi làm nghiên cứu sinh ở Úc, sau đó lại xa con trai thứ 2 khi cũng chưa đầy 2 tuổi để đi học ở Mỹ. Chị đã từng phải chờ con ngủ rồi tranh thủ làm việc vào ban đêm… Thật may, chị có gia đình hai bên nội ngoại giúp đỡ, có một người chồng hiểu và ủng hộ niềm đam mê khoa học của vợ. Chị tự hào vì con gái đầu lòng nay đã đi du học ở Úc, con trai nhỏ rất ngoan và học hành giỏi giang. Sau tất cả, chị hài lòng vì những nỗ lực của mình đã được đền đáp nhưng với chị, tất cả vẫn đang trong một hành trình dài.

Chị mong muốn tiếp tục nghiên cứu những công trình hướng tới lợi ích cho các khu vực miền núi, trung du, đồng bào thiểu số. Và đặc biệt, các nghiên cứu tiếp theo của chị sẽ tập trung hơn vào vấn đề thu hoạch và chế biến các sản phẩm thô trở thành những sản phẩm tinh, nâng cao giá trị sản phẩm và tiêu thụ cho người dân. Đó là con đường chị đã chọn và sẽ gắn bó mãi mãi…

Năm 1988-1993: Học đại học và tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp 3 (nay gọi là Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên).

Năm 1999-2001: Học và tốt nghiệp thạc sỹ tại Đại học Nông nghiệp Na Uy (nay là Đại học khoa học sự sống Na Uy).

Năm 2004-2007: Nghiên cứu sinh tại Đại học Quốc gia Úc (Australia National University). Bảo vệ Luận án tiến sỹ năm 2007.

Đọc thêm