'Người độc hành' Lương Xuân Bình tới đích

(PLVN) - Người tố cáo luôn luôn là người đơn độc, đồng nghiệp xa lánh, lãnh đạo ghét bỏ, gia đình vợ con nghi ngại, bạn bè lo sợ phiền lụy...
Ông Bình tố cáo một số  sai phạm của đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh VnExpress.
Ông Bình tố cáo một số sai phạm của đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh VnExpress.

Lường trước tất cả những điều này nên ông Lương Xuân Bình, Phó ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội đã chọn cho mình một phương thức ứng xử là “làm một mình”, yêu cầu bạn bè, đồng nghiệp tránh xa mình để khỏi bị liên lụy, vợ con gia đình nội ngoại cũng được ông "quán triệt" để cho ông được thực hiện cái quyền công dân, đúng pháp luật là đứng lên tố cáo những việc làm sai trái, tổn hại đến lợi ích đất nước và nhân dân của chính cái cơ quan ông đang công tác và đảm nhận một cương vị lãnh đạo.

Thế nhưng, sự khốc liệt mà ông trải qua trong hơn 6 năm tố cáo còn hơn cả sự lường trước của ông. Ông Bình sợ nhất không phải là mình bị mất chức, mất quyền, bị ghét bỏ mà là sự im lặng của cấp trên, nơi ông gửi đơn tố cáo và cả sự im lặng của những người chung quanh ông.

Quả là một sự “im lặng đáng sợ” còn hơn cả sợ thù định vây bủa, đó không chỉ là thái độ “giữ mình”, “im lặng là vàng” mà đó là bóng tối bao trùm, che đậy sự xấu xa, ẩn nấp trong đó những thế lực đen tối mà không có cách nào để chúng lộ diện, người tố cáo có cảm giác đi vào đường cùng, hang cụt và không có lối ra.

Kiên trì tố cáo và thực hiện một cách công khai, ông Bình đã trực diện với một thế lực không chính danh mà cũng chẳng ẩn danh. Nội dung tố cáo của ông là đúng nhưng chẳng ai xem xét, có xem xét cũng chỉ là lấy lệ, trả lời “đúng quy định” cho qua chuyện còn chẳng ai xác minh cho rõ để giải quyết cả.

Trong lúc các cơ quan chức năng lừng khừng “câu giờ” thì đủ thời gian cho cơ quan của ông thanh trừng ông, xếp ông vào loại “dôi dư”, tự dưng mất chức và nguy cơ bị tống ra rìa đã hiển hiện!

May thay (hay phải là như thế), Thanh tra Chính phủ vào cuộc, khẳng định những việc ông Bình tố cáo là có cơ sở và đồng thời, gọi rõ tên hành vi mà người ta đối xử với ông là “trù dập người tố cáo”, yêu cầu khôi phục các chức vụ cũng như quyền lợi của ông.

Câu chuyện của ông Bình có cái kết hậu nhưng còn rất nhiều trường hợp khác thì không được như vậy. Cũng giống như ông Bình, họ bị buộc một cái tội rất mơ hồ, không xác định mà cũng rất đáng sợ là “gây mất đoàn kết nội bộ”.

Cái mũ tăm tối đó chụp lên đầu những người tố cáo rồi dần dần đẩy họ ra khỏi “nội bộ” bằng con đường kỷ luật, cho thôi việc, thậm chí kết tội “vu khống” và đẩy những người tố cáo ra tòa. Văn hóa ứng xử đâu thể chấp nhận cách ứng xử như vậy!