Người già cần nhiều hơn những ân tình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Chúng ta thường quan tâm nhiều về sức khỏe, dinh dưỡng của người cao tuổi hay việc tập luyện, ăn ngủ ra sao mà thôi. Thế nhưng, hạnh phúc của người già cũng quan trọng như sức khỏe, là liều thuốc tinh thần giúp họ vượt qua nỗi cô đơn khi về già, là nỗi khát khao không bao giờ tắt theo thời gian.
Câu lạc bộ người cao tuổi - sân chơi vui, khỏe, có ích.
Câu lạc bộ người cao tuổi - sân chơi vui, khỏe, có ích.

“Nắm tay nhau thật chặt”

Đã từng khiến cộng đồng mạng ngưỡng mộ là chuyện tình của cặp vợ chồng U80, quen nhau từ lúc lên 5 tuổi. Câu chuyện của ông Huỳnh Duy Tế và bà Nguyễn Thị Út (71 tuổi) sống ở quận Bình Thạnh, TP HCM. Tham gia chương trình Mảnh ghép hoàn hảo, ông bà đã khiến mọi người xúc động khi nghe câu chuyện tình của hai người.

Hai ông bà, chồng bị dị tật ở chân từ thời chiến tranh, còn vợ mang trong mình nhiều căn bệnh nhưng nhiều năm qua vẫn nương tựa vào nhau sống, không nhờ vả đến con cái. Hai vợ chồng mưu sinh bằng công việc nhặt ve chai vì không muốn phiền hà đến 3 người con trai đã lập gia đình từ phương xa. Mỗi ngày, họ chỉ bán được 30 - 50 nghìn đồng để chi tiêu, ăn uống.

Họ gặp nhau khi mới 5 tuổi nhưng mãi đến năm 17 tuổi mới có duyên gặp lại lần nữa. Vừa gặp cô bạn gái cũ, ông Tế hỏi ngay: “Có nhớ anh không?”. Sau đó, ông về thưa chuyện với ba mẹ để được cưới bà Út.

Và như vậy, hai ông bà kết thành đôi, cùng nhau trải qua bao “đắng cay ngọt bùi” của cuộc đời. Ông bà hiếm khi to tiếng với nhau, bà Út hạnh phúc kể rằng hơn 50 năm sống chung ông chưa một lần nặng lời với bà, mỗi khi bà làm sai hay không đúng ý, ông chỉ nhắc nhở: “Cái này sai rồi, lần sau làm lại”.

Ông Tế hài hước nhưng cũng thật thà cho biết, bản thân thương vợ và không muốn la mắng vì ông sợ mắng sẽ khiến vợ bỏ đi, ông sẽ không bao giờ tìm được người yêu mình và hi sinh vì gia đình như bà.

Ông tâm sự: “Vợ chồng giận hờn là chuyện đương nhiên, ai cũng gặp phải. Nhưng cứ chồng giận bà ấy đi theo năn nỉ, đến khi tôi vui mới thôi”. Những năm qua, dù cuộc sống vật chất khó khăn, nhưng ông bà vẫn sống hạnh phúc, vui vẻ bên nhau. Ông Tế nắm tay vợ âu yếm: “Mình sống với nhau như vậy là êm đềm, chỉ chờ đến ngày tàn thôi”.

Cứ như vậy ông bà đã ở bên nhau hơn 50 năm có lẻ nhưng tình yêu của họ dường như chưa bao giờ phai nhạt theo thời gian. Niềm hạnh phúc của họ không đến từ vật chất xa hoa mà đến từ tấm chân tình quý giá hai người dành cho nhau. Dù cuộc sống có vất vả, khó khăn với đủ nỗi lo cơm áo gạo tiền hay bệnh tật nhưng nhờ có lửa hồng hạnh phúc luôn thắp sáng trong ngôi nhà mà ông bà có thể cùng nhau vượt qua tất cả.

Có một người yêu thương, chia sẻ mọi vui buồn của cuộc sống đã là một điều hạnh phúc, nhưng mọi chuyện sẽ còn tuyệt vời và hạnh phúc hơn rất nhiều khi tìm được một người để nắm tay đi đến trọn đời. Có lẽ vì thế mà người ta luôn nói: Tình yêu tuổi già là thứ tình yêu đáng trân trọng nhất, vì trải qua bao sóng gió họ vẫn sánh bước bên nhau, người già nhưng tình vẫn còn trẻ mãi.

Bên cạnh tình cảm vợ chồng, tình cảm gia đình, mối tâm giao tình bạn cũng là yếu tố hỗ trợ tinh thần rất quý giá với người cao tuổi, giúp cuộc sống trở nên bớt cô đơn, ấm áp và có ý nghĩa hơn. Tìm được người bạn thân là điều chẳng mấy dễ dàng, đôi khi cả một đời người cũng không kiếm được. Vì vậy tình bạn lúc về già thật sự là rất đáng trân trọng ở cái tuổi xế chiều này.

Còn nhớ tháng 1/2021, cư dân mạng truyền tay nhau bộ ảnh dễ thương của đôi bạn già ở Đà Lạt. Chơi với nhau từ thời nhỏ xíu rồi trở thành thông gia, 2 cụ bà đã chụp kỷ niệm bộ ảnh lần đầu đi chơi chung ở Đà Lạt đánh dấu 60 năm tình bạn bền chặt.

Theo tìm hiểu, hai nhân vật chính trong bộ ảnh là bà Mai Thị Hoa (68 tuổi) và bà Nguyễn Thị Ba (72 tuổi), cả hai bà đều là những người bạn thân từ nhỏ vì ở chung một xóm. Đến khi trưởng thành có chồng, có con vẫn ở gần bên. Con cái hay qua lại hai bên chơi, dần dần con của hai bà cảm mến rồi kết đôi với nhau. Từ đó hai người bạn thân trở thành thông gia đã gần 30 năm.

Với hai bà, đối phương không đơn thuần là bạn, mà còn là tri kỷ. Bà Hoa chia sẻ: “Tính bà ấy tốt lắm nên chúng tôi mới thương mến nhau đến tận bây giờ. Sống ở đời đâu dễ tìm được một người bạn như vậy, nên quý nhau lắm đó”.

Trong chuyến du lịch Đà Lạt lần này, hai bà đi cùng hơn 20 con, cháu trong vòng 2 ngày. Hai bà đã một cuộc đi chơi thật nhiều kỷ niệm bên con cháu và cũng là cột mốc đánh dấu tình bạn của hai bà. “Ở đó vui lắm, nhất là được đi nhiều chỗ với chị sui thì còn gì bằng. Đây là chuyến đi mà có lẽ chúng tôi sẽ không bao giờ quên”, bà Hoa bộc bạch.

Cũng giống như tình yêu, tình bạn không chỉ đẹp khi ở tuổi thanh xuân, nó còn là một điều vô cùng tuyệt vời của cuộc sống khi tuổi già. Tình bạn của người già là những lời động viên nhau mạnh khỏe từng ngày, cùng nhau kể về con cháu vào những lúc nhớ chúng da diết mà không biết nói cùng ai. Trở thành những người tri kỷ, sáng dậy tìm nhau uống tách trà, dắt tay nhau đi dạo công viên, nói về những điều đã qua, mệt thì lại ngồi nghỉ. Hay nếu được thì cùng nhau đi du lịch, cùng nhau trải qua những điều mà hồi trẻ chưa thực hiện được.

Hạnh phúc của người già chỉ giản đơn như vậy thôi, họ chẳng cần gì nhiều. Họ chỉ cần có những người thân thiết bên cạnh vì khi ấy họ bỗng hóa thành một đứa trẻ, yếu mềm cả về sức khỏe lẫn tinh thần. Vậy nên ngoài tình cảm con cái dành cho họ thì họ cần lắm người bạn đời và cả người bạn thân bên cạnh, niềm hạnh phúc khi ấy là vô giá.

Hai cụ bà trong bộ ảnh đánh dấu 60 năm tình bạn.

Hai cụ bà trong bộ ảnh đánh dấu 60 năm tình bạn.

Sân chơi vui, khỏe, có ích cho người cao tuổi

Có một sự thật là, bên cạnh những người cao tuổi hạnh phúc bên gia đình, bạn bè thì đâu đó vẫn còn rất nhiều người già cô đơn một mình, không có chỗ dựa tinh thần. Chính vì vậy sự xuất hiện của các loại hình câu lạc bộ (CLB) dành cho hội viên người cao tuổi đã tạo nên sân chơi bổ ích giúp họ sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình, xã hội và tìm được niềm hạnh phúc cho riêng mình.

Hiện nay, có rất nhiều CLB người cao tuổi được thành lập trên cả nước, với số lượng người cao tuổi tham gia rất đông. Như trên địa bàn tỉnh Nam Định, năm 2020 toàn tỉnh đã thành lập được 1.489 CLB với tổng số trên 73 nghìn người cao tuổi tham gia.

Không chỉ những cụ không có con cái, không còn bạn đời hay không có bạn bè mới tham gia CLB mà những ai muốn giao lưu, kết bạn ở tuổi xế chiều đều tham gia. Có thể thấy, các loại hình CLB được thành lập ra đáp ứng được nhu cầu của rất nhiều người cao tuổi nhất là những người cảm thấy buồn chán, cô đơn.

Loại hình CLB thì rất đa dạng từ thể dục thể thao cho đến văn hóa văn nghệ như: Dưỡng sinh, thái cực, vũ điệu thể thao, bóng chuyền hơi, cầu lông, thơ văn, khiêu vũ… Nếu như thể dục thể thao giúp người cao tuổi nâng cao sức khỏe, tăng cường sự dẻo dai thì văn hóa văn nghệ giúp họ gia lưu vui vẻ, phấn chấn và thêm yêu đời hơn.

Các hoạt động trong CLB tạo không khí vui tươi, phấn khởi không chỉ giúp nâng cao thể chất, tinh thần mà còn tạo sự gắn bó, đoàn kết giữa cộng đồng người cao tuổi trong các thôn, xóm… với nhau.

Đặc biệt, môn thể dục dưỡng sinh là loại hình luyện tập sức khỏe thu hút được đông đảo hội viên ở nhiều độ tuổi hưởng ứng và tích cực luyện tập nhất, góp phần nâng cao sức khỏe cho hội viên người cao tuổi.

Bà Lê Thị Oanh (73 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi tham gia CLB dưỡng sinh tâm thể ở phường đã gần 2 năm nay. Nhờ tập luyện đều đặn với mọi người mà sức khỏe cải thiện hẳn, không còn chóng mặt, đau xương khớp khi thay đổi thời tiết. Sinh hoạt ở CLB không chỉ giúp tôi nâng cao thể chất, tinh thần mà còn biết thêm nhiều kiến thức chăm sóc sức khỏe của bản thân”.

Quả thật, những CLB người cao tuổi đã giúp cho họ ngày càng sống vui, sống khỏe, sống có ích và thực sự tận hưởng cuộc sống của mình. Đây chính là những điều tưởng chừng giản đơn nhưng lại thật hạnh phúc đối với họ, bởi không còn gì hạnh phúc hơn khi ta được sống mỗi ngày thật ý nghĩa.

Khi về già là lúc con người dễ cảm thấy cô đơn nhất, cô đơn không chỉ vì không có ai bên cạnh mà còn vì có nhiều người bên cạnh nhưng không ai hiểu lòng mình. Chính vì vậy, một người cao tuổi hạnh phúc là người có con cháu chăm lo, có người bạn đời yêu mình, một người bạn thân tri kỷ hiểu mình hay một cộng đồng cùng đồng hành bên nhau những ngày tháng tuổi già.

Đọc thêm