Vậy là với một chiếc máy tính, một chiếc điện thoại và kinh nghiệm làm việc trong năm thập kỷ, bà quyết định mở trung tâm Nu-Age tìm việc cho người già với hi vọng chương trình của mình có thể thay đổi quan niệm của xã hội về người già. Chỉ vài ngày sau khi mở cửa, văn phòng của bà Coniglio nhận được vô số hồ sơ xin việc, một số đang rất cần tăng thu nhập trong khi số khác chỉ đơn giản là muốn được làm việc.
“Tôi đã gặp một số người từng làm công việc có lương rất cao. Bây giờ họ không làm việc nhiều được nữa nhưng không muốn về hưu và ngồi lì trên ghế sofa. Họ muốn được hoạt động, kết nối với mọi người” - bà nói.
Câu chuyện trên đây cho thấy nhu cầu được tiếp tục làm việc là nhu cầu có thực của người già ở khắp nơi. Tuy nhiên ,không nhiều quốc gia chuẩn bị đầy đủ tâm thế để giải quyết nhu cầu này. Ngay như ở Nhật Bản vốn được coi là quốc gia tự hào với dân số già nhất thế giới, vẫn gặp vấn đề trong chuyện tuyển dụng người cao niên còn sức khỏe. Lý do là vì chính sách doanh nghiệp, văn hóa làm việc và các quy tắc cứng nhắc không ủng hộ người lao động lớn tuổi. Các nhà kinh tế cho biết nếu nước Nhật muốn giảm thực trạng thiếu hụt lao động ngày càng tệ hơn, cần áp dụng nhiều chính sách sáng tạo hơn để thu hút người cao tuổi vào lực lượng đi làm.
Mới đây tại hội thảo quốc tế “Những tác động kinh tế của già hóa” do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp quốc, Tổ chức Hỗ trợ người cao tuổi quốc tế tổ chức tháng 9/2017, ông Eduardo Klien, Giám đốc Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi quốc tế nhấn mạnh sự thay đổi về nhân khẩu học (già hóa) ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đã và đang có những tác động mạnh mẽ đến các quốc gia trong khu vực, cả về kinh tế và xã hội. Bởi vậy, việc có các chính sách nhằm chuẩn bị cho sự chuyển đổi nhân khẩu học này (như các chính sách nhằm phát huy vai trò, trí tuệ, sức khỏe của người cao tuổi) là vô cùng cần thiết để có thể duy trì sự phát triển kinh tế và cải thiện đời sống cho tất cả mọi người.
Ở góc độ tâm lý học, theo các chuyên gia tâm lý, ở tuổi hưu người già vẫn có khát vọng giao tiếp, thể hiện qua việc “muốn đi làm” của họ. Nếu không để ý đến nhu cầu đó sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và tuổi thọ của họ vì đồng thời với việc xuất hiện sự nặng nề của cơ thể, tâm lý cũng sẽ già nua, sa sút theo.
Để tránh tình trạng này, người già sau khi nghỉ hưu không nên sống nhàn rỗi, cả ngày rầu rĩ trong 4 bức tường vì như thế chỉ dễ làm tăng nên sự già nua và mức độ khủng hoảng tâm lý càng nặng nề. Cách làm đúng đắn nhất là tiếp tục tiếp xúc nhiều với xã hội, với nhiều người ở mọi lứa tuổi khác nhau nhất là với thanh niên, hấp thu sức sống thanh xuân từ họ để tâm hồn mình giữ được sự trẻ trung làm những việc hợp với sức lực.
Theo ông Eduardo Klien - Giám đốc Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi quốc tế, do xã hội còn tồn tại định kiến tuổi già cần nghỉ ngơi, nên người cao tuổi bị tước đi quyền được lao động. Vì thế, các chính sách nhằm phát huy vai trò, trí tuệ, sức khỏe của người cao tuổi là hết sức quan trọng. Do đó, các chính sách phải hướng tới cung cấp cơ hội lao động cho người cao tuổi, nhất là ở lĩnh vực phi chính thức. “Tại sao chúng ta bắt họ phải nghỉ hưu, trong đó tự đặt lên vai mình gánh nặng về an sinh xã hội đối với người cao tuổi? Tại sao không tạo điều kiện để người cao tuổi đóng góp trí tuệ, kỹ năng trong các lĩnh vực?” – ông Eduardo Klien đặt vấn đề.