Người giữ hồn phỗng đất

(PLVN) - Trong ký ức của rất nhiều người Việt xưa, mâm cỗ trông trăng ngoài hoa quả, bánh trái, nhất định phải có một bộ phỗng Trung thu, ông Tiến sĩ giấy và đèn ông sao. Cứ đến gần dịp rằm Trung thu, trên khắp các nẻo đường của xứ Kinh Bắc, những bộ phỗng sặc sỡ nhiều màu được trưng bày trên sạp hàng, kẻ mua người bán tấp nập.
Bộ phỗng đất Trung thu.

Ngày nay, bộ phỗng Trung thu đơn sơ đã vắng bóng trên mâm cỗ đêm rằm. Và người giữ hồn phỗng đất cuối cùng – nghệ nhân Phùng Đình Giáp – mãi trăn trở với biết bao nỗi lòng chất chứa…

“Đã có một thời có phỗng đất mới là cỗ Trung thu”

Trong khung cảnh đất trời vào thu se lạnh, hứa hẹn về một đêm rằm tháng tám trời sẽ trong, trăng sẽ tỏ, ông Phùng Đình Giáp đã bắt đầu câu chuyện về cái nghiệp làm phỗng đất của mình bằng một câu như vậy. “Tôi bắt đầu làm phỗng đất từ năm 8 tuổi, nhưng nếu cô hỏi tôi có biết phỗng đất bắt nguồn từ đâu và có từ bao giờ, thì tôi cũng không biết nữa. Chỉ biết rằng, như một lẽ tự nhiên, ông tôi làm, cha tôi làm, và tôi cũng tiếp tục làm” – ông Giáp nói. 

Trong ký ức của ông Giáp, mâm cỗ Trung thu ngày xưa, phải có mâm ngũ quả, đĩa bánh đúc, gói kẹo con, đèn ông sao, ông Tiến sĩ giấy, và không thể thiếu bộ phỗng đất. Mâm cỗ này sẽ được người lớn ở nhà bày giữa sân dưới ánh trăng sáng, trong khi đám trẻ con rước đèn ông sao khắp các ngõ ngách trong làng. Đến khoảng chín giờ đêm, đám trẻ trở về quây quần bên mâm cỗ trông trăng để nghe ông bà, cha mẹ giảng giải về ý nghĩa của mâm cỗ Trung thu, của ông Tiến sĩ giấy, của bộ phỗng đất, để từ đó chiêm nghiệm dần những lẽ sống ở đời này.  

Rằng, bộ phỗng gồm năm hình tượng. Ông phỗng Phật ngồi chính giữa như một lời nhắc nhở về lối sống có lương tâm, đạo đức, thể hiện nét đẹp văn hóa tâm linh. Đứng hai bên là ông phỗng đứng tượng trưng cho người già, ông phỗng ếch là em bé ôm hoa. Có già, có trẻ, ngày qua ngày, thế hệ già mất đi, thế hệ trẻ tiếp nối, xoay vần trong vũ trụ bao la. Trong bộ phỗng có hai con vật là con chim và con rùa. Con chim thể hiện cho khát vọng sống hòa hợp với thiên nhiên và con người, cùng sự nuôi dưỡng ước mơ bay cao, bay xa. Con rùa gắn liền với sự tích thần Kim Quy – biểu tượng thiêng liêng trong tâm thức người Việt. Loài rùa nhỏ bé nhưng dũng mãnh vươn mình trước phong ba, bão táp chốn biển cả bao la. 

Ý nghĩa là vậy nên trước kia, không chỉ nhà ông Giáp, mà cả một làng nhỏ cùng nhau làm phỗng đất. Cứ đến rằm tháng 8 cả làng quẩy gánh ra chợ bán, cung cấp cho vùng Hà Bắc cũ (nay là Bắc Giang và Bắc Ninh). Bên bờ sông Đuống, chợ Hồ tấp nập kẻ bán người mua, những ông phỗng nhỏ sặc sỡ sắc màu trên chiếc mẹt tre đã cũ. Thông điệp từ bộ phỗng đất cứ liên tục được tiếp nối từ thế hệ này đến thế hệ sau và đó cũng là cách mà bộ phỗng đã tồn tại trong tâm thức của người dân xứ Kinh Bắc xưa kia. 

 Tôi không cam lòng để mất nghề cha ông.

Ước vọng của “người muôn năm cũ”

Để làm được phỗng đất cũng khá kỳ công. Phỗng đất được làm bằng đất thó vốn là sự pha trộn giữa đất sét và giấy bản. Ông Giáp và vợ phải tự lấy đất sét ở độ sâu từ 2-2,5m rồi lấy về phơi cho khô rồi đập thành bột mịn. Giấy bản ngâm trong nước tầm 7 ngày sau khi đã mủn hoàn toàn thì trộn đất và giấy vào với nhau, vừa trộn tay, vừa dùng chày đập cho đến khi hai thứ hỗn hợp này quyện với nhau làm một mới mang ra nặn, nặn xong phơi ra ngoài ánh nắng mặt trời cho khô. 

Với phỗng mộc, không vẽ màu, càng phơi giá sương lại càng lên nước đẹp mặn mà, mướt bóng. Còn với bộ phỗng Trung thu, sau khi được phơi khô kiệt, phỗng đất sẽ được sơn phủ một lớp hỗn hợp gồm bột điệp trắng, hồ nếp pha với nước theo một tỉ lệ thích hợp. Sau đó lại mang phơi cho khô rồi vẽ màu lên cho hoàn chỉnh. Màu vẽ chính là loại màu mà làng Đông Hồ vẫn dùng vẽ tranh, gồm 5 màu ứng với thuyết ngũ hành. 

Cầu kỳ là vậy nhưng một bộ phỗng Trung thu 5 con cũng chỉ có giá bán 100 nghìn đồng và chủ yếu chỉ được tiêu thụ và dịp Trung thu. Đã vậy, mỗi dịp Trung thu đến, gánh phỗng đất của nhà ông Giáp bỗng trở thành lạc lõng, trơ trọi giữa chợ quê. Những đứa trẻ thích thú với thứ đồ chơi hiện đại, bắt mắt hơn là bộ phỗng cổ truyền. Những người dân cũng không còn theo nghề được nữa, họ chuyển hẳn sang làm hàng mã. Dường như phỗng đất không còn chỗ đứng ngay trên chính mảnh đất đã sinh ra nó.  

Phỗng đất là một phần của văn hóa quê hương cha ông để lại. Với gia đình tôi, nặn phỗng đất là nghề gia truyền, đến tôi là đời thứ ba. Chẳng biết phỗng đất ra đời từ bao giờ, nhưng tôi không cam lòng nhìn một phần quá khứ của cha ông biến mất. Cả nhà tôi gồm vợ và con trai tôi vẫn đã, đang và sẽ nặn phỗng đất. Trong bối cảnh người ta bây giờ ngày càng ít mặn mà với các món đồ dân gian, tôi lại càng phải giữ gìn hơn” - ông Phùng Đình Giáp khắc khoải với nỗi niềm của chính mình. 

Ông Giáp và hai cháu trai.

“Đẩy cánh cửa mới” cho ông phỗng

Người ta vẫn hay nói rằng “đứng ngây như phỗng” để ám chỉ sự thiếu năng động của một người nào đó. Sự ví von này bắt nguồn từ sự bất biến của mẫu hình phỗng đất, ít thay đổi qua không gian, thời gian. Và cũng chính vì thế mà nghề làm phỗng đất dần bị mai một khi chính bản thân phỗng đất bị các món đồ chơi hiện đại, năng động hơn làm cho “thất sủng”.

Từ sự nhận thức này, vài năm trở lại đây, khi được sự tư vấn của một nhóm họa sĩ tới nhà để tìm hiểu về nghề nặn phỗng đất, người ta đã nhận thấy sự đổi thay rõ rệt trong các sản phẩm phỗng đất của nhà ông Giáp. 

Các họa sĩ đã gợi ý cho ông Giáp những mẫu mã mới trên tinh thần vừa mang tính nghệ thuật, vừa giữ được nét dân gian. Vậy là một loạt sản phẩm thủ công độc đáo ra đời như lợn đàn, chó giữ nhà, lợn âm dương, quần thể chuột đựng nghiên bút, gạt tàn chuột… để đáp ứng thị hiếu của mọi người. Nhờ vậy mà sản phẩm của ông bán được quanh năm, không còn chỉ mỗi dịp Trung thu nữa. “Sau nhiều năm, tôi rút ra được một kinh nghiệm, phải liên tục sáng tác mẫu mới. Với mỗi mẫu thì tôi chỉ làm vài bản để bán, sau đó lại nghĩ tiếp mẫu khác” – ông Phùng Đình Giáp chia sẻ.

Từ chỗ quạnh hiu, thì nay có nhiều ngày, sân nhà ông Giáp tràn khách đến xem bộ phỗng đất và trải nghiệm cách nặn. Khách nước ngoài đặt biệt yêu thích cách ông Giáp sáng tạo làm bộ phỗng đất 12 con giáp không sơn màu, mà sử dụng cật tre để đánh bóng, mang màu sắc mới lạ và dân dã. Và cũng nhờ sự sáng tạo đó, sản phẩm của ông được mọi người biết đến nhiều hơn. Ông liên tục được mời ra Hà Nội để giới thiệu về làng nghề ở các triển lãm, hội chợ, phố cổ…

Đi theo ông Giáp trong những lần về phố này không thể thiếu vai trò của hai cậu cháu trai nội – ngoại của ông. Cùng 18 tuổi, Nguyễn Đắc Hiếu (cháu ngoại) và Phùng Đình Đạt (cháu nội) tuy đã là sinh viên đại học, nhưng vẫn “bám” ông để học nghề làm phỗng đất. “Em chơi phỗng đất khi còn rất nhỏ, có lẽ từ 2, 3 tuổi gì đó, còn con phỗng đầu tiên em nặn là khi em 5 tuổi. Em vẫn còn nhớ con phỗng đầu tiên nặn đó là con rùa, vì nó dễ nặn. Trong bộ phỗng Trung thu, con chim là khó làm nhất” – tại sự kiện tôn vinh nghệ nhân làm đồ chơi Trung thu diễn ra ở Bảo tàng Dân tộc học nhân dịp Trung thu năm 2020, Hiếu đã kể với tôi câu chuyện của mình. 

Cũng theo Hiếu, giờ thì em và Đạt đều đã tự làm được cả bộ phỗng, tuy nhiên vẫn chưa thể có hồn và đẹp bằng ông làm. “Nhưng bọn em sẽ tiếp tục học nghề để cùng ông giữ nghề” – Hiếu nói. Không chỉ thế, hai chàng trai cháu ông Giáp còn có cách giữ nghề của người trẻ, đó là khi nhận thấy bạn bè của mình, kể cả những bạn bè quê hương Kinh Bắc cũng ít biết về phỗng đất, năm 2018, Đạt và Hiếu đã bàn nhau lập một trang fanpage mang tên “Phỗng đất làng Hồ”. Trên trang đó, Đạt và Hiếu trực tiếp tìm tòi, cập nhật để kể lại câu chuyện về phỗng đất làng Hồ từ truyền thống đến hiện đại, cũng như khát khao giữ nghề cha ông của mình. 

Hiện trang “Phỗng đất làng Hồ” của hai chàng trai trẻ đã có gần nghìn người thích trang, theo dõi. Có lẽ cũng nhờ vậy gần đây nhà ông Giáp có khách hàng là các cha mẹ Việt tìm đến nhà ông để đặt một bộ phỗng Trung thu cho con mình. Khi mua, họ chia sẻ, rằng họ vẫn nhớ những điều mà cha mẹ họ đã từng dạy qua bộ phỗng đất và khi được biết bộ phỗng vẫn đang “sống” trong thời hiện đại, thì họ quyết định tìm mua, để qua đó nói lại với con về truyền thống, nếp nhà cha ông để lại…

Đọc thêm