Người góp phần làm dịu nỗi đau do AIDS

Mỗi lần hồi sinh một bệnh nhân là một lần bác sỹ Cường thấy hạnh phúc và thấy lại càng phải gắn bó làm “bác sỹ AIDS” như một cái nghiệp mà đời đặt lên vai mình. Việc anh làm cho những người bất hạnh gợi liên tưởng hình ảnh trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn, chẳng khác nào như “từ vực sâu nghe lời mời đã dậy”...

Mỗi lần hồi sinh một bệnh nhân là một lần bác sỹ Cường thấy hạnh phúc và thấy lại càng phải gắn bó làm “bác sỹ AIDS” như một cái nghiệp mà đời đặt lên vai mình. Việc anh làm cho những người bất hạnh gợi liên tưởng hình ảnh trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn, chẳng khác nào như “từ vực sâu nghe lời mời đã dậy”...

Bác sỹ Cường đang khám cho bệnh nhân

"Bén duyên" với H

Trong một lần đưa cô em họ đi làm thủ tục để điều trị ở Phòng khám ngoại trú của Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Bạch Mai, tôi đã có cơ hội được gặp TS Đỗ Duy Cường -Trưởng phòng khám ngoại trú. Vốn là bác sỹ nội trú tốt nghiệp chuyên ngành truyền nhiễm, rồi từ cái đận chứng kiến con bệnh AIDS đầu tiên vào những năm đầu của thập kỷ 90 mà chính anh cũng sợ hãi và kỳ thị, anh mới lao vào nghiên cứu nó, xem nó là “thứ gì” mà gieo rắc bao nỗi kinh hoàng đến vậy.

Anh kể: “Mình chứng kiến lần đầu tiên vào năm 1995, lúc đó mình đang học bác sỹ nội trú ở Viện Y học Lâm sàng các Bệnh Nhiệt đới, bệnh viện Bạch Mai. Viện tiếp nhận một thanh niên 17 tuổi người Quảng Bình với các triệu chứng sốt dai dẳng, tiêu chảy nhiễm trùng và sút cân.

Ban đầu các bác sỹ nghi là bị thương hàn, nhưng điều trị mãi không hết, sau đó  mẫu máu bệnh nhân được gửi đi xét nghiệm thì kết quả không ngờ là dương tính với HIV, lần đó mình thực sự hoảng sợ ghê lắm…

Mọi người thậm chí chỉ dám nhìn bệnh nhân từ xa, không dám sờ vào họ vì sợ lây… còn mình thì ngại thăm khám, có khi phải đi 2 lần găng.

Người có H lúc đó bị kỳ thị và đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần cuối cùng chết trong sự tuyệt vọng, ghẻ lạnh của gia đình và cộng đồng”

Cũng một phần tại ám ảnh về sự sợ hãi, khi nhân loại đang loay hoay với việc chống HIV thời bấy giờ, lại càng hun đúc TS Cường một quyết tâm trở thành “khắc tinh” của loại virus chết người này.

Từ vực sâu… nghe lời mời đã dậy

Năm 1995, BS Cường tham dự một Hội nghị Toàn quốc về HIV lần đầu tiên tổ chức ở Nha Trang, những thông tin từ hội nghị này chính là “đỉnh điểm” để anh quyết định cả đời mình sẽ gắn bó với việc chữa trị cho những bệnh nhân HIV/AIDS.

Năm 2004, khi các dự án của các chương trình quốc tế tài trợ thuốc ARV điều trị cho bệnh nhân AIDS vào Việt Nam, anh lao vào đi làm và là một trong những người tiên phong triển khai các phòng khám HIV ở tuyến huyện. Lúc bấy giờ anh chọn điểm nóng về căn bệnh này là tỉnh Quảng Ninh để triển khai.

Anh kể: “Có lần nhìn trên bàn thờ của một gia đình có tới 5 di ảnh của những người trẻ chết vì AIDS, hay chứng kiến một nghĩa địa ở thành phố Hạ Long mà ở đó hàng trăm ngôi mộ phủ những vòng hoa trắng. Xót xa lắm!”.

Và khi có thuốc ARV, có những bệnh nhân tưởng đã ở bờ vực của tuyệt vọng, cơ thể lở loét và còm nhom ốm yếu với đầy đủ các bệnh nhiễm trùng cơ hội, sau khi được tiếp cận thuốc thì như được hồi sinh, chỉ hai tháng sau đã tăng trở lại hơn 10kg.

Bác sỹ Cường và các đồng nghiệp

Hầu hết sau một vài tháng điều trị đã có thể trở lại sinh hoạt, làm việc bình thường, có người còn lấy vợ lấy chồng, sinh con,…

Rồi anh được Nhà nước cử đi học tiến sỹ ở Viện Karolinska ở Stockholm, Thụy Điển. Đối tượng của anh chọn làm nghiên cứu chính là các bệnh nhân có HIV sống tại Quảng Ninh, Việt Nam.

Và chỉ mới cách đây ít tháng, anh đã bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sỹ của mình ở đây với đề tài: “Đánh giá hiệu quả của hỗ trợ đồng đẳng đối với tử vong, thất bại  điều trị và kháng thuốccủa bệnh nhân HIV/AIDS tại Quảng Ninh- Việt Nam”.

Thành công này thêm một bước ngoặt trong cuộc đời làm thầy thuốc và nghiên cứu khoa học của TS Cường. Vừa bảo vệ luận án xong, từ chối lời mời của các giáo sư ở lại tiếp tục nghiên cứu “post-doc”, anh xin về nước để tiếp tục cương vị Trưởng phòng khám ngoại trú HIV của Khoa truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai để cống hiến những thành quả đã học được ở nước ngoài cho các bệnh nhân của anh ở Việt Nam.

Ấm áp ngọn lửa của hy vọng và niềm tin

Chẳng ai mặn mà với công việc của một bác sỹ chuyên làm về truyền nhiễm, đặc biệt là chăm sóc HIV/AIDS, bệnh nhân đã đau khổ lại còn nghèo,  nguy cơ phơi nhiễm và độc hại cao… có lẽ chỉ ngần ấy lý do để nơi đây không phải là chỗ hấp dẫn cho những người muốn kiếm thật nhiều tiền từ nghề y. Ngoài ra công việc của anh nơi đây luôn phải đối mặt với các vấn đề mặt trái của xã hội như ma túy, mại dâm. Tuy vậy, anh luôn quan niệm “dù bệnh nhân là đối tượng nào nhưng khi đến với Phòng khám thì họ đều là những con bệnh cần nhận được sự chia xẻ và chữa trị.

Anh luôn trăn trở làm thế nào để nhiều bệnh nhân có cơ hội được tiếp cận điều trị thuốc ARV. Khi họ đã trở nên khỏe mạnh, anh lại tìm cách kêu gọi từ thiện và liên kết với các tổ chức xã hội giúp đỡ cho bệnh nhân nghèo, mong họ có công ăn việc làm, tránh xa các cạm bẫy, nguy cơ để có cuộc sống tích cực và có ích cho xã hội.

Anh bảo “Nhiễm HIV chưa phải là hết, người có H vẫn còn may mắn hơn người bị ung thư hay bị các bệnh hiểm nghèo khác vì họ nếu tuân thủ điều trị tốt thì vẫn có thể sống khỏe mạnh kéo dài hàng chục năm, vấn đề là phải hiểu và chia xẻ, giúp đỡ họ để họ có một cuộc sống tích cực và hòa nhập với cộng đồng”.

Phòng khám nơi BS Cường làm việc, tính cả anh thì chỉ có 3 bác sỹ, 3 điều dưỡng, 2 nhân viên phát thuốc và 2 đồng đẳng viên. Vẻn vẹn 10 người, trong đó có người kiêm nhiệm từ Khoa truyền nhiễm đến làm. Hiện tại mỗi ngày Phòng khám phải khám, tư vấn, phát thuốc và làm các xét nghiệm cho 50 đến 70 bệnh nhân.

Có 1000 bệnh nhân đăng ký điều trị và hơn 700 bệnh nhân đang điều trị thuốc ARV. Không chỉ có vậy, BS Cường vẫn còn phải tham gia các công việc khác của khoa như điều trị nội trú các bệnh truyền nhiễm khác, tham gia trực, hội chẩn, đào tạo, làm nghiên cứu, hợp tác quốc tế, v.v… Vài con số này cho thấy các y bác sỹ nơi đây, và nhất là BS Cường phải làm việc hết công suất, mà gọi cho đúng là đang ngập ngụa và quá tải công việc. Đó mới chỉ là công tác điều trị chứ chưa nói đến các hoạt động chuyên môn khoa học và hành chính khác.

Vậy nhưng bệnh nhân đến nơi đây lại xem Phòng khám như ngôi nhà thứ 2 của mình. Ngay cả tôi cũng cảm nhận được điều này khi xem họ khám và nói chuyện với bệnh nhân. Có gì đó ân cần, gần gũi và thân thiện, một không khí không dễ bắt gặp ở các phòng khám của các chuyên khoa khác.

“Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, cho ta thêm một ngày nữa để yêu thương”. Một lần đến nhà chơi, thấy mấy câu thơ này được treo trong phòng làm việc của anh, tôi không nhớ đây là thơ của ai nhưng có lẽ đó là phương châm và lẽ sống của anh…

Trần Ngọc Hà

Đọc thêm