Người hồi sinh giống đào tiến vua

(PLO) - Mất 16 năm trồng thử, ông Lê Hàm (SN 1963) trở thành một trong những người đầu tiên ở làng Nhật Tân “bắt” giống đào cổ Thất Thốn nở hoa theo ý muốn. Nhiều năm nay, vườn đào Thất Thốn của gia đình ông trở thành “độc nhất vô nhị”.
Đào tiến vua ra hoa từ thân đến ngọn rất đặc biệt

Giống đào đặc biệt 

Theo nhiều tư liệu lưu truyền, đào Thất Thốn còn có tên đào bói, đào thờ hay đào tiến vua. Giống đào này được đánh giá sinh trưởng khỏe, khả năng chịu đựng sâu bệnh tốt hơn đào bình thường. Tuổi thọ cây đào trung bình 60 năm.

Đào Thất Thốn hiện có bốn giống chính: Thứ nhất, ruột thân màu sẫm như màu quả mận chín, hoa đỏ sẫm; Thứ hai thân cây màu trắng, hoa nhạt hơn. Thứ ba là hoa kép, màu hoa nhạt như hoa hồng và thứ tư, giống hoa đơn, màu hồng năm cánh

Về tên gọi Thất Thốn có nhiều cách giải thích khác nhau, theo ông Hàm thì “thất” có nghĩa là “bảy”, còn “thốn” là đơn vị đo lường trong dân gian, tương đương một đốt ngón tay, khoảng 1 - 2cm.

Có người giải thích gọi Thất Thốn vì giống đào này chỉ cao hơn mặt đất 7 tấc, tương đương 7 thốn. Nhiều ý kiến khác cho rằng người xưa đặt tên căn cứ vào đặc điểm của lá đào dài 7 thốn, phân biệt với đào thường có lá chỉ dài 4 - 5 thốn. Đặc điểm nữa là thân đào cứ phát triển 7 thốn lại chia cành.

Cũng có nhiều lưu truyền cắt nghĩa tên gọi Thất Thốn xuất phát từ đặc điểm của hoa đào: “Tương truyền hoa đào Thất Thốn đạt chuẩn có bảy lớp hoa, mỗi lớp gồm bảy cành hoa, tổng cộng 49-53 cành hoa trên một đóa hoa”, ông Hàm nói. 

Tới nay những cao niên ở Nhật Tân vẫn chưa ngã ngũ về những tranh luận  tên gọi giống đào tiến vua: “Nhiều lúc giải thích “trắng phớ” ra còn gì huyền bí nữa. Chỉ biết rằng chưa nơi nào có giống đào này, ở nước ngoài cũng có đào Thất Thốn nhưng màu hoa không giống đào Thất Thốn ở Nhật Tân”, ông Hàm nói và cho biết đặc điểm khác lạ nhất của giống đào Thất Thốn là nếu để cây phát triển tự nhiên, hoa chỉ nở vào thời gian tháng Giêng, ngoài dịp Tết Nguyên Đán.

Khác với đào thường, đào Thất Thốn có ruột thân màu đỏ sẫm, thân cây xù xì, mốc meo, về mùa đông nhìn như cành củi khô. Để đạt đặc điểm này, tuổi đời của cây ít nhất 10 năm. Thứ ba, cách ra hoa của giống đào cổ rất lạ, trổ nụ từ gốc tới ngọn, sắc hoa đỏ sẫm, màu lộc - lá non xanh pha tía nâu cánh gián. Với người thưởng thức đào chuyên  nghiệp, có thể phân biệt tuổi cây dựa vào màu sắc và độ dày của cánh hoa. Cây ít năm thường có số lượng cánh hoa ít, mỏng và màu nhạt. 

Nhắc đến Tết ở miền Bắc phải nói đến “Đào Nhật Tân, quất Tứ Liên, hoa Ngọc Hà”. Vườn đào Nhật Tân không còn xa lạ với du khách thập phương. Người đời lưu truyền, mùa xuân năm 1789 vua Quang Trung đại phá quân Thanh, khi qua đất Thăng Long, vị tướng chọn một cành đào Nhật Tân tặng công chúa Ngọc Hân. Từ đó, đào Nhật Tân nổi tiếng đến tận bây giờ. Vườn đào Nhật Tân ngày trước thuộc khu đồng dinh giáp đường Lạc Long Quân nay không còn do phải nhường đất cho các tòa nhà cao tầng. Đổi lại chính quyền Hà Nội đã quy hoạch hơn 60ha đất bãi chuyên trồng đào sát sông Hồng.

Ông Đỗ Văn Hiền, 58 tuổi, cũng như nhiều người trồng đào lâu năm ở Nhật Tân nhận xét đào Nhật Tân ngày trước cành khẳng khiu nhưng hoa có màu sắc đậm. Diện tích vườn mới nằm sát bờ sông, thổ nhưỡng phì nhiêu hơn giúp cây đào sinh trưởng tốt. Tuy nhiên nếu không biết cách hãm, hoa đào sẽ khó đạt màu chuẩn do cây sinh trưởng quá tốt, nhất là khi đất bồi ven sông vốn màu mỡ. 

Trong ký ức của người lớn tuổi ở Nhật Tân, trước kia không có chuyện khách đổ về làng tấp nập như bây giờ mà chủ vườn phải đạp xe mang đào lên tận phố cổ, gầm cầu Long Biên chào bán. Để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng lên, nhiều chủ vườn ở Nhật Tân hơn chục năm nay bắt đầu đưa vào trồng nhiều giống đào ghép. Có thể là gốc cây đào rừng nhưng lại cho ra hoa đào Nhật Tân hoặc đào ở các tỉnh.

Ông Hàm chăm sóc đào Thất Thốn

Mạo hiểm tìm hướng đi mới

Giữa vườn đào rộng 60 hecta, thật khó để tìm sự khác lạ. Thế nhưng nghệ nhân Lê Hàm đã làm được điều đó. Nếu có dịp đến Nhật Tân, không ít người trồng đào lắc đầu thán phục: “Ở đây có ít người như ông Hàm trồng thành công đào Thất Thốn”.

Nếu như trồng đào bình thường, được mùa hay không phụ thuộc 50% vào thời tiết, 50% vào kỹ thuật chăm sóc thì đào Thất Thốn phụ thuộc hoàn toàn 100% vào kỹ thuật chăm sóc. Nếu để cây đào tự nhiên chỉ ra hoa ra giêng và chỉ trổ vài chục bông là cùng nên muốn thay đổi “thói quen” của cây, bắt cây trổ hoa đúng dịp Tết là chuyện không đơn giản. 

Thế nhưng ông Hàm đã trồng và lái dần “thói quen” trổ hoa của đào Thất. Ông là người đầu tiên làm được điều này. Ông cho rằng đã mất 16 năm để thành công. Lúc đầu thấy nhiều người trong làng trồng đào Thất Thốn nhưng đều ra hoa muộn, thất thu, thế là ông cũng thử nghiệm trồng vài cây. Thời gian đầu, ông tuốt lá đào sớm, che mưa che nắng để cây trổ hoa sớm nhưng kết quả không đáng kể. 

“Thấy có chuyển biến, tôi chuyển sang tác động sâu hơn”, ông Hàm nói và cho biết bắt đầu cải tạo quá trình sinh trưởng của cây. Trước tiên ông “bắt” cây thay đổi môi trường sống tự nhiên vào môi trường khắc nghiệt hơn trong các chậu đất nhỏ hẹp. Ông trồng hoa hoàn toàn trong vườn kín, xung quanh quây tôn có ốp thêm lớp xốp cách nhiệt, lợp mái che di động. Với mô hình này, theo ông Hàm giúp người trồng có thể khống chế các yếu tố ánh sáng, lượng mưa, nhiệt độ theo ý muốn.

Ngoài ra ông chủ vườn còn đầu tư hệ thống điều hòa hai chiều để chủ động điều chỉnh các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm  trong vườn. Hiểu nôm na rằng người trồng hoa cải biến môi trường sống để “đánh lừa” cây đào Thất Thốn, bắt cây trổ hoa. Tóm lược vài dòng như thế nhưng theo ông, phải mất 16 năm mới thành công, mỗi năm thay đổi một ít.

Chẳng hạn như kinh nghiệm đánh cây từ đất vào chậu, ông Hàm chia sẻ phải thực hiện vào thời điểm tháng Sáu dương lịch, lúc tiết trời nắng nóng nhất. Thử nghiệm thực tế cho thấy nếu đánh cây lúc trời râm mát, hoa khi trổ kém sắc: “Mỗi năm cây trổ hoa một lần nên không thể thử nghiệm là có kết quả ngay. Năm nay thay đổi thì đến sang năm mới có kết quả, từ đó điều chỉnh dần dần. Nhưng chỉ cần động tác sai sẽ khiến cây chết, 6 năm trước tôi đánh 30 cây chết đến 29 cây phải giấu đi”, ông Hàm cười nhớ lại. Đó là chưa kể giống đào cổ được trồng theo một “chế độ” đặc biệt, đất trồng ban đầu phải đảm bảo đất thịt được đánh lên, phơi nắng đến khi khử hết tính chua, tưới phải bằng nước sạch.

Ông Hàm phải trồng giống đào quý trong phòng kín có lắp điều hòa

Kỳ công hơn, ông Hàm còn đem giống đào Thất Thốn lên tận Lạng Sơn trao đổi với các chủ vườn khác. Mỗi năm ông đều lên tận nơi xem cây để so sánh với cây trồng ở Nhật Tân, từ đó rút ra những thay đổi tác động vào cây.

Nói về hướng đi táo bạo của mình, ông Hàm nhớ lại thời điểm cách đây 20 năm khi người làng bỏ trồng đào Thất Thốn vì quá “khó ăn” thì ông vẫn cặm cụi “chỉnh sửa” tập tính loài cây này. Lúc đó không ít người bảo ông hâm, dở hơi. Bắt đầu hành trình “cải biến” đào Thất Thốn từ năm 1989, đến năm 2006 ông bắt đầu bán những cây đào tiến vua đầu tiên. Đến nay mỗi năm ông xuất vườn trên dưới 100 gốc đào Thất Thốn.

“Nhu cầu thưởng hoa ngày càng cao, thị trường đào Thất Thốn dần ổn định. Tôi sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hoa đào, dáng cây đào Thất Thốn. Bởi tuy số lượng ít nhưng giá mỗi gốc đào Thất Thốn thấp nhất cũng 10 triệu đồng, có cây lên tới cả trăm triệu là chuyện thường nên lợi nhuận cao hơn trồng đào thường nhiều lần”, ông nói.  

Để thành công như hôm nay, ông Hàm ngẫm rằng có thể nhờ sự mạo hiểm của tuổi trẻ. Năm 1989 ngay khi phục viên, anh lính trẻ Lê Hàm đem hết số tiền trợ cấp 720 ngàn, tương đương 3 chỉ vàng lên Sapa mua hạt đào về nhân giống. Tất cả không một cây sống sót. Lần khác khi ghép cây vì nôn nóng, tham số lượng mà động tác cẩu thả cũng khiến mấy trăm gốc đào của ông Hàm thành củi khô.

Đọc thêm