Lái xe chở bé gái qua đoạn đường ngập nước
Mới đây, trên mạng xã hội chia sẻ đoạn video về việc làm tử tế của một người tài xế xe tải khi giúp đỡ một học sinh đang đi trên đường giữa trời mưa lũ.
Theo đó, một cháu bé khi đi học về bằng xe đạp, đến đoạn đường ngập thì không biết làm sao để qua đường. May mắn cùng lúc đó, một chiếc xe tải đi qua, bác tài liền xuống xe, cho bé gái và xe đạp lên thùng rồi chở bé qua đoạn đường ngập nước.
Hành động của bác tài đã được ghi lại, đăng tải lên mạng xã hội khiến nhiều người vô cùng xúc động, thở phào an tâm. Bởi nếu không có bác tài thì chắc chắn cô bé sẽ gặp khó khăn, thậm chí nguy hiểm trên con đường về nhà của mình.
Nhiều cư dân mạng gửi lời cảm ơn đến người tài xế vì hành động ấm áp, mong bác tài vạn dặm bình an.
Tài xế xe tải bật đèn pha 'hộ tống' chú bé đạp xe vượt đèo về nhà
Cũng với hành động “soi đèn cho bé trai về nhà”, người tài xế xe tải khiến người ấm lòng. Một cậu bé mặc áo đỏ đang đạp xe đạp và có đội đèn pin trên đầu. Đoạn đường hai bên tối đen, không nhà cửa và có khá nhiều cây cối.
Người quay và đăng tải clip lên mạng xã hội là anh Nguyễn Văn Duy Hoàng (24 tuổi, ngụ Đắk Lắk). Anh cho biết khoảng 20h ngày 9/11, anh đi chở hàng từ xã Nam Ka hướng về huyện Lắk. Lên gần đỉnh đèo Krông Nô (Đắk Lắk), anh bắt gặp cậu bé đang đạp xe dưới trời tối, đèn pin thì không đủ sáng.
Tài xế Duy Hoàng kể, hóa ra, đó là một cậu bé đi xe đạp, trên đầu đeo một chiếc đèn soi ếch. Trên đầu xe, cậu bé treo một túi nylon đen, có lẽ là "chiến lợi phẩm" của buổi đi bắt cá, bắt ếch đêm.
Phát hiện ra xe tải phía sau mình, cậu bé ngoái lại nhìn rồi... co cẳng đạp. Xe tải càng tới gần, cậu bé càng cố gắng đạp thật nhanh khỏi đường đèo vắng tanh.
Anh Duy Hoàng đã quay lại "cuộc rượt đuổi" thú vị này và đăng tải lên mạng xã hội. Khoảnh khắc ấy nhanh chóng lan tỏa, không chỉ bởi sự hồn nhiên của em bé, mà còn vì cách xử trí của tài xế. Anh đã đi chầm chậm phía sau, soi đèn cho cậu bé chạy về khoảng 8 km trong khoảng 20 phút.
Anh tiết lộ, mình cũng mời em bé lên cabin chở về nhà cho nhanh; nhưng cứ lại gần thì em bé lại càng đạp căng hơn. Anh nghĩ cậu bé sợ xe tải vượt lên trước, bé sẽ phải đi trong bóng tối nên cố để "vượt" xe tải. Anh cũng ngại người nhà hiểu lầm anh... bắt cóc trẻ em, nên đã chọn cách soi đường cho bé về nhà.
Vì công việc, anh Hoàng không có thời gian dừng lại hỏi chuyện cậu bé. Lúc gần về đến nhà, bé dừng lại, vẫy tay tạm biệt.
Thầy hiệu trưởng là “người vận chuyển” chở F0
Không quản ngại vất vả, nguy cơ lây nhiễm, thầy Lê Huy Phương - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc (TPDT) bán trú Tiểu học Trà Tập (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) tình nguyện chở học sinh là F0.
Ngay từ khi Nam Trà My phát hiện ca mắc SASR-CoV-2 đầu tiên rồi không ngừng tăng lên trong đó có nhiều học sinh.
Được CLB Bạn thương nhau TP Đà Nẵng hỗ trợ phương tiện, thầy Phương liền đăng ký làm tài xế miễn phí chở các F0 đi điều trị. Thầy đã được tiêm 2 mũi vaccine và có bằng lái ô tô hạng D.
Chuyến xe đầu tiên thầy Phương chở 13 học sinh là F0. Hôm đó địa bàn mưa lớn, nhiều đoạn đường sạt lở. Nỗi canh cánh làm sao đưa học trò về bệnh viện tỉnh sớm nhất, an toàn nhất để điều trị kịp thời khiến thầy quên đi cả chặng đường hơn 100 km đường núi. Thầy Phương vẫn nhớ cái cảm giác nghèn nghẹn khi nhìn các học trò vẫy tay chào rồi lặng lẽ đi vào trong bệnh viện để điều trị.
Thầy Lê Huy Phương - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập. |
Có ngày số bệnh nhân tăng nhiều, thầy Phương phải đi 2 chuyến, hơn 400 cây số, về đến nhà thì đã 1-2 giờ sáng. Để an toàn, hai đứa con của thầy được gửi xuống ở cùng ông bà nội dưới huyện Bắc Trà My, trong nhà chỉ có hai vợ chồng.
Người vợ dù có lo lắng nhưng vẫn luôn động viên chồng. Ở nhà, cô luôn chuẩn bị chu đáo những bữa cơm ngon mỗi khi chồng về, cùng nồi nước xông, sát khuẩn. Hai vợ chồng thầy cũng tuân thủ các quy định cách ly, những bữa ăn được bố trí lệch múi giờ để hạn chế tiếp xúc.
Anh cảnh sát về thăm nhà chỉ dám hôn con qua cửa kính
Mới đây, hình ảnh 1 CSGT thuộc Công an huyện Nam Trà My tranh thủ về nhà nhưng chỉ dám âu yếm đứa con trai bé bỏng của mình qua lớp cửa kính được đăng tải lên mạng xã hội khiến nhiều người phải nghẹn ngào, xúc động.
Cán bộ công an trong hình là Thượng úy Võ Ngọc Sang (31 tuổi), công tác tại Đội CSGT Công an huyện Nam Trà My.
Anh Sang cho biết, hơn nửa tháng nay, do đặc thù của nhiệm vụ nên anh phải cùng đồng đội "trực chiến" 100%, không về nhà. Cậu con trai nhỏ của anh vì vậy mà rất nhớ bố và cứ khóc đòi được gặp bố.
Ngày 8/11, trong lúc đi tuần tra làm nhiệm vụ ngang qua nhà, khi thấy con trai đang đứng chơi ở cửa, vì quá nhớ gia đình nên anh vội ghé thăm con. Nhưng để đảm bảo an toàn cho người thân, ngoài việc đeo khẩu trang, anh Sang chỉ dám đứng nhìn vợ con qua ô cửa kính vài phút.
Hình ảnh ba con anh Sang khiến nhiều người cảm động. |
Khi cậu con trai cứ nằng nặc đòi gặp ba, thương con anh Sang đã dỗ dành bằng cách cho bé hôn ba qua lớp cửa kính, rồi vội đi ngay mặc cho con tha thiết gọi bố!
Khoảnh khắc này đã được bà Nguyễn Thị Dự (mẹ vợ của anh Sang) từ trong nhà chụp lại và đăng lên Facebook, nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng mạng. Ai nấy đều phải nghẹn ngào trước tình cảm của 2 cha con, vì dịch bệnh mà cháu bé chẳng được bố bế bồng, còn bố thì chỉ có thể gặp con qua lớp cửa kính cho đỡ nhớ.
Thượng úy Sang cho biết thêm, hiện vợ đang mang thai cháu thứ 2 được 8 tháng. Vì nằm trong tuyến đầu chống dịch nên thời gian anh có mặt ở nhà nhiều tháng nay chỉ đếm trên đầu ngón tay. May mắn là việc chăm sóc vợ mang thai cùng con trai nhỏ tuổi có mẹ vợ là người ở bên giúp đỡ khiến anh yên tâm thực hiện nhiệm vụ.
Anh bộ đội say sưa chơi đàn trong bệnh viện
Món quà tinh thần mà nhiều người ở bệnh viện Quân y 175 (TP HCM) và cư dân mạng nhận được trong những ngày cuối tháng 10 là hình ảnh anh bộ đội say sưa lướt phím đàn giai điệu "Tháng tư là lời nói dối của anh".
Theo chia sẻ của một cô gái: "Đang lang thang trong Bệnh viện 175 thì gặp đồng chí này. Mê đồng chí quá mà không kịp xin thông tin".
Đoạn clip đã thu hút gần 1,5 triệu lượt xem và hơn 160.000 lượt bày tỏ cảm xúc cũng như bình luận của cư dân mạng.
Người đánh piano trên là binh nhất Tiêu Nghĩa Phong (22 tuổi, học viên Trường trung cấp Biên phòng 2). Phong chia sẻ, trong khoảng thời gian đợi làm thủ tục khám bệnh, thấy cây đàn liền nghĩ: "Trong này ai cũng mệt quá rồi, ai cũng hối hả quá, thôi thì mình đàn cho mọi người nghe nhạc, thư giãn".
Chàng trai sinh năm 1999 nhập ngũ đầu tháng 2 năm 2021 tâm sự: "Em rất bất ngờ, em chỉ nghĩ là đàn cho vui thôi nhưng không ngờ mọi người lại thích như vậy. Vậy nên em sẽ cố gắng tập luyện thêm và không chỉ là đàn mà còn là hát nữa. Em tâm niệm đi bộ đội là để cống hiến cho nhân dân, bằng nhiều cách khác nhau".
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"