Hiện nay cả nước có khoảng 8 triệu NKT, chiếm 7,8% dân số, trong đó NKT đặc biệt nặng và nặng chiếm khoảng 28,9%, khoảng 58% NKT là nữ, 28,3% NKT là trẻ em, 10% NKT thuộc hộ nghèo…
Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, giai đoạn 2012 -2017, ước tính mỗi năm các tổ chức này đã dạy nghề và hỗ trợ hàng ngàn NKT trong cả nước có việc làm. Một số tổ chức điển hình trong dạy nghề, tạo việc làm cho NKT như: Hội người mù Việt Nam hàng năm tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho trên 2.000 hội viên, thu nhập bình quân của người lao động đạt khoảng 1,8 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam và các tổ chức thành viên, trong 5 năm từ 2012- 2017 đã tổ chức dạy nghề cho 11.800 NKT với kinh phí 44,7 tỷ đồng, trong đó hơn 70% được tạo việc làm, có thu nhập. Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam đã tổ chức đào tạo nghề học điện tử, điện dân dụng, sửa chữa ti vi, may thêu, hội họa, tin học, trồng nấm, hội họa cho 7.393 trẻ, trong đó có 917 trẻ khuyết tật thành nghề và 805 trẻ có việc làm, mức thu nhập bình quân từ 2.000.000 đồng đến 4.900.000 đồng/người/ tháng.
Cùng với đó, các tổ chức quốc tế có văn phòng ở Việt Nam như: ILO, Handicap International, CRS, VNAH, Hội Chữ thập đỏ Tây Ban Nha... đã tham gia tích cực, chủ động nắm nhu cầu học nghề, việc làm của NKT, vận động, huy động các nguồn lực để tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho NKT.