Điêu đứng vì tin đồn
Trong mấy ngày đầu tháng 9/2016, nhiều thông tin cho rằng có một cây sứ cổ thụ được Trung tâm dùng xe tải, chở qua nhiều con đường dẫn lên khu vườn mẹ vợ của ông Huỳnh Ngọc Sơn (Giám đốc Sở Tài chính tỉnh). Thông tin cho rằng ngày 21/1/2016, xe tải BKS 75K-2176 chở một cây sứ cổ thụ từ điện Kiến Trung ra cổng Hòa Bình của Đại nội rồi đi qua các tuyến đường Đặng Thái Thân, Lê Huân, cửa Nhà Đồ, Lê Duẩn, Kim Long rồi hướng lên phía đường tránh TP Huế, sau đó mất hút.
Quá trình vận chuyển cồng kềnh gây cản trở, mất an toàn giao thông khiến người đi đường bức xúc, tò mò không biết cây sứ chuyển đi đâu và vì sao lại chuyển vào ban đêm?. Cộng thêm việc khu vườn mẹ vợ của Giám đốc Sơn có cây sứ lâu năm nghi là khá giống với các cây sứ ở Đại nội nên sự việc càng trở nên “tò mò”.
PLVN trò chuyện với ông Phan Thanh Hải (Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) và được biết, cây sứ mà dư luận thời gian qua phản ánh ông biếu cho Giám đốc Sở Tài chính nằm trên khu vực nền móng điện Kiến Trung. Ở đó có 3 cây sứ mọc hoang gần 70 năm tuổi. Những cây sứ này chắc chắn không do triều đình nhà Nguyễn trồng. Chúng xuất hiện tại khu vực điện Kiến Trung sau năm 1947 (thời điểm ngôi điện bị bom đạn chiến tranh tàn phá nặng nề).
Ông Hải cho hay, trong toàn bộ di tích Huế hiện tại chỉ có khoảng 20% số cây xanh được trồng từ đời các vua triều Nguyễn là có nguồn gốc, định hướng việc trồng rõ ràng vào mục đích gì. Số còn lại được trồng tùy tiện giai đoạn sau 1945. Từ năm 2002, Trung tâm cùng Trường Đại học Nông lâm Huế tiến hành đề tài số hóa cây xanh. Những cây trong Đại Nội đều được đánh số, có ghi kích thước, tình trạng cụ thể. “Cây dư luận cho rằng tôi bứng cho anh Sơn là cây sứ, có số hiệu 1179”, ông Hải nói.
Hình ảnh cây sứ trước lúc được bứng ở điện Kiến Trung |
Ông Hải khẳng định không bao giờ có chuyện ông tặng cây sứ cho Giám đốc Sở Tài chính. “Đây là thông tin bịa đặt. Ai cũng biết điện Kiến Trung là nơi ở của vua. Theo quan niệm văn hóa ở Huế từ xưa đến giờ, sứ là loại cây không bao giờ được các vua trồng trực tiếp vào nơi ở của mình vì đây là cây đại diện cho “thế giới bên kia”, là cây tâm linh. Nếu trồng thì chỉ trồng xa nơi ở hoặc khu vực lăng mộ vua, các đền chùa, miếu mạo. Điều này chứng minh, cây này được trồng sau năm 1945, không phải là cây di tích, nên chúng tôi di dời cây sứ đó đi nơi khác”.
Ông Hải than thở: “Tôi với anh Sơn là bạn, quen nhau cả chục năm trời. Cách đây chừng 3 năm, tôi có biếu anh cây mộc nhưng cây này tôi tự mua bằng tiền cá nhân, không liên quan đến cây trong Đại Nội. Mấy ngày nay, tôi mất ăn mất ngủ vì tin đồn tôi lấy sứ ở Đại nội tặng cho anh Sơn. Người không tìm hiểu cụ thể sự việc thì phản ứng gay gắt, bình luận phản cảm.
Một ngày, tôi nhận được cả chục cuộc điện thoại chửi bới, nhục mạ làm mất uy tín của cá nhân tôi cũng như của Trung tâm. Sự việc đã xảy ra gần 8 tháng nhưng giờ đang rộ lên trên các mạng xã hội, có cá nhân hay nhóm người muốn phá hoại hình ảnh của di tích nên mới đồn như vậy. Tôi đang làm công văn gửi lên UBND tỉnh để nhờ cơ quan chức năng làm rõ, tìm ra những đối tượng bịa đặt thông tin, đính chính lại sự việc”.
Chỉ chở lên vườn ươm
Theo Trưởng phòng Cảnh quan môi trường của Trung tâm, khoảng 15h ngày 21/1/2016, Trung tâm đã cho đào 1 cây sứ ở điện Kiến Trung gần 70 năm tuổi. “Gần 3 tiếng sau, chúng tôi thuê xe tải chuyển lên vườn ươm Văn Thánh (phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà), quá trình chở ra cửa Hòa Bình (cửa sau của Đại nội) có ký sổ với bảo vệ hẳn hoi. Những cây mọc hoang, mọc tự nhiên nhưng có giá trị, phù hợp cảnh quan di tích sẽ được nuôi dưỡng tại vườn ươm, nhằm tạo nguồn dự phòng thay thế, bổ sung cho những điểm di tích bị khuyết, cây bị lão hóa chết đột ngột. Cây sứ trên là cây mọc hoang nên việc gửi lên vườn ươm Văn Thánh là hoàn toàn hợp lệ”, vị này nói.
Cây sứ hiện được chăm sóc tại vườn ươm Văn Thánh |
Vị này cho biết thêm, ở điện Kiến Trung có 3 cây sứ, việc dời cây mang số hiệu 1179, bộ phận chức năng của Trung tâm đã lên kế hoạch từ năm 2015. Hai cây còn lại vẫn còn giữ nguyên trạng, theo kế hoạch sẽ được bứng đi vào cuối tháng 9/2016.
Chiều 8/9, PLVN tiếp cận điện Kiến Trung, được Trung tâm cung cấp hình ảnh cây sứ trước lúc di dời. Cầm hình ảnh này, PV tiếp tục lên tiếp cận tại vườn ươm Văn Thánh, ghi nhận ở đây cũng có 1 cây sứ đang được chăm sóc, ươm dưỡng, những cành bị cưa cụt khi di chuyển bắt đầu ra lá xanh. Cây sứ nằm ở vườn ươm Văn Thánh, quanh gốc cỏ dại mọc cao. Qua đối chiếu với bức ảnh Trung tâm, thấy cây sứ ở điện Kiến Trung và cây này là một, không có đặc điểm nào khác biệt.
Tài xế chở cây sứ cổ trong Đại nội lên vườn ươm Văn Thánh, anh Lê Châu (32 tuổi) bức xúc cho biết: “Tôi là tài xế thuộc doanh nghiệp tư nhân ở đường Tăng Bạt Hổ (Huế), được thuê chở cây. Vào ngày 21/1/2016, tôi chở cây sứ từ Đại nội ra cửa Nhà Đồ lên đường Kim Long rồi vào vườn ươm Văn Thánh. Chở cây tới, tôi ngồi chơi đợi công nhân trồng cây xuống đất rồi mới cùng về với họ. Có đồn đoán tôi chở cây sứ này qua cầu Phú Xuân về phía bờ nam sông Hương để đi về hướng nhà mẹ vợ Giám đốc Sở Tài chính ở phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy là bịa đặt”.
Tại sao việc di chuyển cây lên vườn ươm lại diễn ra vào ban đêm, dễ gây hiểu lầm? Giám đốc Hải giải thích, vào ngày 12/12/ 2014 ông đã có văn bản “chấn chỉnh việc đi lại, đậu đỗ các loại phương tiện trong khu vực Đại Nội Huế”.
Văn bản nêu rõ, tất cả các loại xe vận chuyển vật liệu, thu gom rác, chở cây, phải ra vào khu vực Đại nội buổi sáng từ 7h - 7h30, trưa 11h -12h30 và chiều 17h - 18h, tránh làm ảnh hưởng du khách đến tham quan. Như vậy, việc di chuyển cây sứ cổ thụ ở điện Kiến Trung ra khỏi khu vực Đại nội lúc chừng 17h30’ không có gì mờ ám. Giai đoạn đó vào mùa mưa nên trời tối rất sớm.
PLVN cũng liên hệ với ông Huỳnh Ngọc Sơn (Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thừa Thiên - Huế) nhưng điện thoại vị này đã tắt máy. Theo ông Hải, ông Sơn đang đi du lịch: “Anh Sơn có nói với tôi, nguồn gốc cây sứ ở nhà mẹ vợ là do anh mua của một người bán cây ở phường Thủy Dương (thị xã Hương Thủy), có địa chỉ rõ ràng. Mấy ngày qua, do tin đồn tôi biếu cây sứ cho anh Sơn nên anh cũng mệt mỏi”.